10 Quy Luật Cuộc Sống

QUY LUẬT 8



KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO SỰ TỰ TIN

Nhiều người đã khởi đầu sự nghiệp với rất nhiều ước mơ và bản lĩnh, nhưng ngay khi vừa chạm đến thành công, họ lại tìm kiếm sự an nhàn và thoải mái cho bản thân nhiều hơn là chuẩn bị bước tiếp những nấc thang mới. Thái độ này đã ru ngủ họ một cách có chủ đích; dần dần, họ đánh mất sự tự tin – điều từng giúp họ thành công. Cảm giác an nhàn và tận hưởng thành quả một cách thái quá là “thành phẩm phụ” không mong muốn của quá trình theo đuổi mục tiêu, và nếu để chúng trở thành mục đích chính thì chúng sẽ nhanh chóng cản trở sự phát triển của cuộc đời bạn. Bạn hãy xem sự tận hưởng an nhàn như một bước tạm thời để xác lập những mục tiêu to lớn hơn. Không ngừng nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu và thành tựu cao hơn mới là điều bạn cần xây dựng cho cuộc đời mình.

Mọi sự phát triển đều đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những giới hạn mà bản thân đã đạt được trước đây. Với khả năng này, sự tự tin sẽ giúp ta đón nhận những thử thách mới, giúp ta vượt qua nỗi sợ hãi, duy trì sự vận động liên tục, không ngừng khám phá tương lai tươi sáng hơn.

Tầm quan trọng của sự nghỉ ngơi

Để nuôi dưỡng sự tự tin, chúng ta phải nghỉ ngơi thoải mái có định kỳ. Đây là những giai đoạn nghỉ ngơi thật sự, rất cần thiết mà chúng ta tự tưởng thưởng cho những thành tựu mình đạt được, đồng thời, làm mới lại bản thân để đón nhận những thử thách kế tiếp. Điều này như một sự chuẩn bị quan trọng cho việc tiếp cận nhiệm vụ mới. Chúng ta cần phải dành thời gian để nói với chính mình: “Tôi đã chứng minh là tôi có thể làm được. Bây giờ còn điều gì khác mà tôi không thể hoàn thành”?.

Sự phát triển liên tục đòi hỏi sự cân bằng giữa việc vươn xa hơn trạng thái cảm xúc chúng ta đang có với việc dành những khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý giữa các giai đoạn phát triển. Việc này là rất cần thiết, để cho sự tự tin có một khoảng trống hồi phục cơ bản.

Nó cũng khá giống với việc luyện tập thể lực. Nếu chúng ta cứ tập luyện quá sức mình mà không nghỉ ngơi thì kết quả là chúng ta bị đuối sức, chấn thương hoặc có những điểm rơi không tốt khi tham gia những cuộc chơi lớn. Tuy nhiên, nếu cho phép mình nghỉ ngơi quá lâu, chúng ta sẽ tự làm yếu đi sức mạnh, động lực và thậm chí mất cả tiến độ đã đạt được trước đó. Tạo cho mình khoảng thời gian thư giãn vừa đủ để hồi phục là rất quan trọng, đồng thời, cũng nên cẩn thận, tránh bị kẹt trong cái bẫy của sự thoải mái – nơi mà nó có thể trở thành một lực cản ngày càng lớn.

Chuyển hoá nỗi sợ thành hành động

Thử thách lớn nhất mà chúng ta gặp phải khi rời bỏ “vùng an toàn” là luôn luôn cảm thấy sợ: sợ mình sẽ thất bại, sợ ai đó sẽ khám phá ra mình không giỏi như họ nghĩ, sợ sẽ đánh mất một thứ gì đó quan trọng, sợ người ta không hiểu mình đang làm gì… Danh sách những nỗi sợ cứ thế ngày một dài ra. Trong hoàn cảnh này, chỉ có sự tự tin là có khả năng chuyển hoá chúng thành suy nghĩ và hành động có chủ đích.

Chúng ta có thể thấy, ngay cả những người thành đạt trong xã hội cũng từng trải qua cảm giác sợ hãi, nhưng cuối cùng, họ cũng không để mình bị cản trở bởi những nỗi sợ vô hình ấy. Họ chiến thắng những cảm giác đó và vì vậy, họ thành công. Trong một chừng mực nào đó, sự sợ hãi có ý nghĩa như những thử thách đủ lớn, đủ chính đáng để chúng ta đón nhận và vượt qua.

Thoát khỏi cạm bẫy của sự thoải mái

Làm sao để nhận biết bạn có đang rơi vào cạm bẫy của sự thoải mái hay không? Thông thường, nếu trung thực với cảm xúc của bản thân, bạn sẽ cảm nhận được thời điểm mình tuột dốc, cảm thấy khó khăn khi bắt tay vào làm một điều gì hoàn toàn mới mẻ. Cuộc sống bắt đầu tạo ra những nghi ngờ cho bạn: Việc đó thật ra quá dễ dàng và nhàm chán hay quá khó khăn khiến mình đuối sức? Thử thách đang dần mất đi ý nghĩa và sự hưng phấn trong ta vì vậy cũng giảm dần.

Đôi lúc, những cảm xúc như thế dễ dàng tác động và thuyết phục chúng ta chấp nhận chúng như những giới hạn của đích đến mà ta đã đạt được. Chúng ta đồng ý tận hưởng vì nghĩ rằng, nếu phải thay đổi, ta sẽ đối diện với hàng loạt khó khăn có thể thấy trước hoặc tiềm ẩn bên trong. Đủ mọi lý do và sự biện hộ đang đánh lạc hướng chúng ta để mong tìm sự an lành trong giây lát. Khi điều này xảy ra, có nghĩa chúng ta đã quyết định bán ước mơ để đổi lấy sự ngắn ngủi của niềm vui trong an nhàn.

Chỉ có một cách để thoát khỏi cạm bẫy của sự thoải mái và tránh xa những gì đang ru ngủ bạn là đón nhận những thử thách mới, dù lớn hay nhỏ, để xây dựng sự tự tin cho bản thân. Thỉnh thoảng, nó đòi hỏi một cuộc khủng hoảng lớn trong cuộc đời để tạo sức đẩy. Nhưng thường thì chỉ cần ai đó, người có thể nhìn thấy tiềm năng của bạn, giúp bạn nhận ra những gì đang đánh mất cũng đủ kéo bạn trở về vòng vận động để có thể tiếp tục phát triển bước kế tiếp.

Lisa Pijuan-Nomura là một vũ công, đồng thời, là quản lý của một chương trình dân trí. Với công việc quản lý này, cô được đảm bảo về mặt tài chính, và nó cũng tạo thuận lợi để cô thực hiện ước mơ của mình là viết sách thiếu nhi. Công việc này đủ ổn định để cô có thể động viên bản thân rằng, nó không đến nỗi nào và cũng được mọi người tôn trọng.

Rồi một ngày, hết sức đột ngột và bất ngờ, Lisa nhận được một e-mail từ Karen – thầy dạy nhảy của cô. Karen hỏi: “Em đang làm gì với tài năng khiêu vũ của mình”?. Lisa đáp: “À, ừm… thầy biết đấy, em không có ngoại hình đủ tiêu chuẩn để có thể trở thành vũ công chuyên nghiệp, em không dám nghĩ là mọi người có thể xem em nhảy…”. Thầy Karen hồi âm: “Nhảy không liên quan đến ngoại hình nhiều, nó thuộc về tinh thần. Em có một tâm hồn rất đẹp, một ngày nào đó, mọi người ở Toronto và thậm chí cả thế giới sẽ thấy điều đó”.

Những lời động viên bắt đầu tác động suy nghĩ của Lisa. Những lời biện hộ bắt đầu lung lay. Trước đây và cả bây giờ, ước mơ trở thành một vũ công chuyên nghiệp luôn cháy bỏng trong cô, và nếu muốn biến ước mơ thành hiện thực thì cô phải bước ra và hành động. Cuối cùng, Lisa đã có quyết định cho cả cuộc đời mình: cô xin nghỉ công việc làm quản lý và dồn hết tâm sức cho những điệu nhảy. Ban đầu cũng có những khó khăn, khi nỗi sợ thất bại vẫn còn thường trực, nhưng rồi may mắn đã mỉm cười với cô.

Khi chưa biết sẽ làm gì tiếp theo thì cô nhận được cú điện thoại từ một công ty sản xuất phim ở Ireland. Họ đang tìm kiếm diễn viên múa cho một bộ phim sắp khởi quay. Họ muốn mời cô đến Ireland trong vòng hai tháng để đóng phim.

Bắt đầu từ đó, cơ hội không ngừng đến với cô, những hợp đồng không ngừng được gửi đến. Chưa dừng ở đó, Lisa bắt đầu lao vào công việc tổ chức các chương trình ca múa nhạc. Thật nhanh chóng, cô trở thành một trong những nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực biểu diễn – giải trí.

Phấn đấu – cái nôi của sự phát triển

Có vẻ như Lisa rất may mắn, nhưng sự thật là cô sẽ không nhận được điều gì tốt đẹp nếu cứ mãi chấp nhận nỗi sợ hãi của bản thân. Đó là một bài học đáng giá cho tất cả chúng ta. Nếu đón nhận thử thách mới và không đạt được mục tiêu mong muốn, bạn vẫn có thể trưởng thành hơn bằng cách chuyển hoá kinh nghiệm đã học được vào những thử thách tiếp theo.

Những người biết để sự tự tin chiến thắng nỗi sợ hãi sẽ ít phạm sai lầm và hối tiếc hơn những ai không dám đối đầu với khó khăn tạm thời. Hãy nghỉ ngơi thoải mái nhưng cũng đừng để sự tự tin bị vùi lấp trong những cảm giác êm đềm. Đây là một định vị không bao giờ khiến bạn rơi vào thất bại.

Thực hành

Khởi động bằng những mục tiêu

Nếu nhận thấy mình đang bị mắc kẹt trong cạm bẫy của sự thảnh thơi, có thể đó là cơ hội để bạn lập ra những mục tiêu mới, bất kể lớn hay nhỏ. Những mục tiêu lớn có thể khơi dậy cảm hứng trong bạn, nhưng bạn cần chia nhỏ mục tiêu lớn đó thành những bước nhỏ hơn, dễ xoay xở và nắm bắt hơn. Động thái này giúp bạn biết đâu là nơi mình khởi đầu và đâu là những bước mình đã đạt được. Những mục tiêu nhỏ rất hữu dụng vì chúng dễ thực hiện, đồng thời, cho chúng ta một động lực nhanh chóng để lấy lại sự tự tin. Nhưng bạn cần đảm bảo rằng hoặc bạn sẽ không ngừng lập ra những mục tiêu mới hoặc liên kết chúng lại thành một mục tiêu nào đó lớn hơn.

Và đây là một bí quyết: Điều quan trọng nhất không phải là bạn đạt được mục tiêu hay không mà là mục tiêu đó có làm cho bạn nỗ lực hay không. Bởi lẽ, sự cố gắng luôn là con đường dẫn đến sự trưởng thành và phát triển. Thường thì những kết quả có giá trị nhất thật ra lại là sản phẩm nằm ngoài mong đợi của quá trình theo đuổi mục tiêu.

Nghỉ ngơi khi cần thiết

Thỉnh thoảng, con người đánh mất sự tự tin của họ giữa lúc đang thực hiện một kế hoạch, một dự án hay chuỗi sự kiện đầy thử thách, chỉ vì bị quá tải hay kiệt sức. Hãy nghỉ ngơi để tái tạo nguồn năng lượng và sự tập trung. Bạn sẽ có thể hoàn thành nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn khi thời gian nghỉ ngơi được xen kẽ luân phiên. Hãy dành ra một khoảng trống nhất định để bạn cắt đứt liên hệ với những nhân tố gây căng thẳng, và hãy làm một điều gì đó mang lại sự thanh thản cho mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.