11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỜI GIỚI THIỆU



Tôi lớn lên tại một trang trại trồng củ cải đường ở nam Utah trong một cộng đồng Mormon1 có tên Glenwood, và phần lớn trong số 200 dân cư ở đây là cô dì, chú bác hoặc anh chị em họ của tôi. Vì các ngọn núi của bang Utah bao quanh thung lũng nơi chúng tôi sống nên các luật lệ Mormon là thứ quy định cuộc sống của chúng tôi. Cuộc sống được xác định từ trước và nhiệm vụ của tôi là trở thành một nhà truyền giáo. Trong hai năm, tôi sẽ đi bất cứ nơi đâu nhà thờ cử đi.

Những hoài nghi đầu tiên của tôi nảy sinh từ khi tôi còn bé. Chứng viêm tai trở thành mãn tính và cơn đau hành hạ tôi không chút thuyên giảm, cho đến khi chú Arnold vi phạm một luật lệ Mormon. Mặc cho việc hút thuốc bị cấm ngặt nghèo, chú vẫn hút. Chú thổi khói từ điếu thuốc của mình vào đôi tai sưng tấy của tôi và trong hơn một năm, lần nào cũng làm được điều mà không phương pháp chữa trị nào khác làm được. Nó làm cơn đau dịu hẳn. Một trong những ký ức khó phai mờ về những ngày tháng ban đầu ấy là những lần ba hoặc bốn người chú nông dân hộ pháp đến ban phúc và chữa bệnh cho tôi, bằng cách “đặt tay trên tay”. Nhưng tôi không bao giờ thấy dễ chịu như với chú Arnold.

Tôi bắt đầu băn khoăn về thế giới xung quanh mình; càng ngày tôi càng khao khát được khám phá. Trí tuệ non nớt của tôi còn chưa biết những điều gì trên thế gian này? Tôi tự hỏi cái gì trong thế giới của mình có thể là điều đã được định sẵn.

Ít lâu sau những băn khoăn đó, tôi xác định rằng mình sẽ đi khỏi Utah. Và khi 17 tuổi, tôi đã nhìn thấy cơ hội. Tôi tham gia lính thuỷ đánh bộ và thấy thế giới còn vượt cả những điều mình nghĩ trong đầu. Nhưng cánh cửa thế giới mới thật sự mở ra khi lần đầu tiên tôi đọc sách. Đó là một thế giới nơi mọi thứ dường như đều có thể. Kể từ ngày rời Utah, thế giới luôn giống những cuốn sách tôi mở ra; mỗi trang đều dạy tôi một điều mới lạ.

Giờ đây, sau nhiều năm nhìn lại, tôi thấy trí tò mò đã đưa mình qua nhiều cuộc phiêu lưu: làm lính thuỷ đánh bộ, làm Chủ tịch hội Sinh viên Đại học Utah đấu tranh đòi tự do ngôn luận và quyền công dân, học tại trường Harvard và Cornell, làm biên tập viên cho Great Books Foundation, làm việc cho chủ tịch của Đại học Chicago là Robert Hutchins và Mortimer Adler2 …

Những năm làm chính trị đã dạy tôi nghệ thuật làm những điều có thể làm, từ việc chạy đua vào Quốc hội ở tuổi 25 đến khoảng thời gian làm việc tại Washington, nơi tôi được tổng thống Kennedy bổ nhiệm làm trợ tá cho Ủy viên hội đồng giáo dục. Sau khi ông bị ám sát năm 1963, tôi vẫn ở lại Washington, làm phụ tá cho bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Phúc lợi John Gadner, rồi làm việc cho Nhà Trắng, tham gia những dự án đặc biệt của tổng thống Lyndon Johnson.

Thập kỷ 1960 có lẽ là thập kỷ nhiều biến động nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ cuộc Nội chiến. Các thành phố và cờ bốc cháy, doanh nghiệp Mỹ sợ hãi. Các phong trào dân quyền và phản chiến thu hút hàng triệu người xuống đường, sinh viên thì tập trung tại hàng trăm khuôn viên các trường đại học, cao đẳng.

Tháng 7-1964, Tổng thống Johnson ký Đạo luật Quyền Công dân “xoá bỏ các vết tích cuối cùng của sự bất công tại Mỹ”. Tiếp theo sau là một gói luật lớn. Năm 1965, tôi được yêu cầu tìm hiểu xem toàn luật Great Society (Đại Xã hội) của tổng thống sẽ có tác động gì đối với đất nước. Một nhiệm vụ tuyệt vời, nhưng dường như người ta không thể tìm hiểu điều gì đang diễn ra, nói gì tới tác động của bộ luật đối với tương lai nước Mỹ. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa nỗi ám ảnh của Johnson về việc phải giành chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam bằng mọi giá. Tôi rời Nhà Trắng, đi theo lời mời của IBM và trở thành phụ tá cho chủ tịch Tom Watson3.

Tháng 4-1967, tại Detroit nổ ra cuộc xung đột chủng tộc. Mùa hè năm đó, những người ủng hộ phong trào Black Power (Sức mạnh Đen) kêu gọi một cuộc cách mạng vũ trang và xung đột lan ra khắp đất nước. Tổng thống Johnson huy động 4.700 lính dù tới Detroit và đội quân này gần như bị tê liệt. Thị trưởng Cavanaugh nói: “Tình hình giống Berlin năm 1945.” Tổng thống ra lệnh đào tạo mới tất cả các đơn vị An ninh Quốc gia để kiểm soát bạo động. Vụ ám sát Martin Luther King và Bobby Kennedy một năm sau đó càng đổ thêm dầu vào lửa. Vào khoảng thời gian đó, người ta bắt đầu dùng từ black (đen) thay cho Negro (Người da đen). Đô thị Mỹ bốc cháy, và các doanh nghiệp không biết điều gì đang diễn ra và nên làm gì. Trước tình trạng bất ổn này, tôi bắt đầu tìm kiếm một hệ thống có thể theo dõi những chuyển biến mà đất nước đang trải qua. Làm thế nào để nhìn thấy nước Mỹ đang tiến về đâu?

Một ngày kia, tôi mua tờ Seattle Times. Một dòng tít lớn thông báo hội đồng trường học địa phương đã bỏ phiếu về một gói cải cách mới. Tôi lướt qua các tiêu đề viết về các vùng khác nhau trên khắp cả nước. Tôi đột nhiên nhận ra rằng, bằng cách đọc tất cả các tờ báo địa phương hàng ngày, tôi có thể nhận ra những thay đổi đang diễn ra trên cả nước. Tôi có thể tìm thấy điều gì đang diễn ra.

Gen kinh tế của tôi không còn. Tôi rời IBM và Tom Watson, bỏ công việc mà một số đồng nghiệp của tôi sẽ vui mừng tranh nhau quyết liệt. Sau đó, tôi dùng tấm ngân phiếu cuối cùng khởi lập công ty riêng, Urban Research Corporation (Công ty Nghiên cứu Đô thị).

Sau một thời gian ngắn, chúng tôi bắt đầu theo dõi và đưa vào danh mục 160 tờ nhật báo địa phương. Chúng tôi tập trung vào các sự kiện địa phương, với quan điểm cho rằng tổng các sự kiện địa phương phản ánh những điều đang diễn ra trên cả nước. Chúng tôi xuất bản tóm tắt nội dung những gì mình biết và tổng kết trong một bản báo cáo tuần có tiêu đề: Urban Crisis Monitor (Theo dõi Khủng hoảng Đô thị). Không lâu sau, nhiều công ty đã đặt mua báo cáo này và tôi bắt đầu phát biểu về những gì mình nghĩ đang diễn ra tại nước Mỹ.

Trong thập kỷ sau đó, tôi tiếp tục làm việc với những tập đoàn lớn và tìm hiểu thêm nhiều điều về xã hội Mỹ thông qua phương pháp phân tích nội dung. Vượt ngoài khuôn khổ những cơ sở dữ liệu được địa phương hóa cao độ, tôi quan sát những nét khái quát của một xã hội mới đang dần định hình và cảm nhận được hướng đi trong đó nước Mỹ đang cơ cấu lại mình.

Mặc dù đối với tôi, những thay đổi rõ ràng đang diễn ra nhưng một số hướng đi mới mà tôi nhìn thấy lại không thể thực hiện được vào lúc đó. Tôi đánh liều làm phật lòng các chuyên gia, những người có thể đã tranh luận rằng mô tả thế giới bằng các loại chuyển dịch là quá đơn giản. Nhưng tôi nghĩ mạo hiểm đó rất đáng công nhận. Tôi cảm thấy trong một thế giới, nơi các sự kiện và ý tưởng bị phân tách tới mức không còn sự sống, nơi sự phức tạp tăng theo các bước nhảy vọt về số lượng, nơi thông tin được đưa rùm beng đến nỗi người ta phải hét lên để được người khác nghe thấy, mọi người đều thèm khát cấu trúc. Chúng ta có thể bắt đầu hiểu thế giới trong một khuôn khổ đơn giản. Và chúng ta có thể thay đổi khuôn khổ đó khi bản thân thế giới thay đổi. Những điều đó cuối cùng đã đưa đến cuốn sách Megatrends4 (Những đại xu hướng).

Megatrends bán được 9 triệu bản. Nối tiếp nó là Reinventing the Corporation (Tái tạo Công ty) và một số cuốn sách khác, trong đó có cuốn Megatrends 2000 (Những đại xu hướng 2000). Tôi phát biểu và giảng dạy tại tất cả các châu lục. Dù ở đâu, thì các nhà báo, chính trị gia và doanh nhân đều bắt đầu bằng câu hỏi: “Đại xu hướng kế tiếp sẽ là gì?” Thính giả của tôi muốn biết chúng ta sẽ ở đâu vào năm 2010 hay năm 2030. Và họ liên tục hỏi: “Làm sao ông biết?” và “Ông làm những việc mình đang làm như thế nào?”

CÁC LỐI TƯ DUY

Đó là một buổi chiều tôi dành cho một người bạn, Toni Ofner, khi ông không ngừng muốn biết chi tiết hơn những việc tôi làm như thế nào. Ông không chấp nhận câu trả lời của tôi, rằng thông tin tôi thu thập, những tờ báo tôi đọc, ý kiến và suy nghĩ tôi trao đổi với nhiều người tại những quốc gia và văn hóa khác nhau trên khắp thế giới có thể giúp tôi nhìn ra thế giới đang đi về đâu.

Ông nói: “Vậy thì, nếu như anh nói, tương lai được gói trong hiện tại, và nếu tôi quan sát kỹ lưỡng những gì đang diễn ra trên thế giới, tôi cũng sẽ có được kết quả giống anh. Nhưng tôi không làm như vậy. Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt?”

Tôi chưa bao giờ nhìn nhận điều đó theo cách này. Nhưng khi nghĩ về nó, tôi thấy rõ là sự khác biệt không nằm trong những gì tôi học được mà trong việc tôi tư duy về điều tôi học được như thế nào. Tôi nói: “Toni ạ, đó là lối tư duy của tôi.” Tôi đã nhận ra rằng qua những năm tháng đó, tôi đã phát triển một số quy tắc để đưa tư duy mình vào kỷ luật và sàng lọc thông tin. Tôi ghép nối và đánh giá thông tin dựa trên kinh nghiệm của bản thân, sử dụng các giá trị và lối tư duy. Và người khác cũng vậy. Toni nói: “Những gì anh nói nghe giống như nước mưa rơi xuống một nền đất khác.”

Ông ấy nói đúng; lối tư duy chính là mảnh đất mà nước mưa (thông tin) rơi xuống và cây cối đâm chồi; khi lối tư duy chúng ta khác nhau sẽ đưa tới những kết luận khác nhau. Đó là việc chúng ta tiếp nhận thông tin như thế nào. Và đây chính là chìa khóa.

Chúng tôi tiếp tục thảo luận và tôi bắt đầu tự hỏi đâu là những lối tư duy mạnh và quan trọng nhất đã giúp tôi hay hạn chế tôi. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ về việc để một cuốn sách xuất phát từ các lối tư duy xem chúng giúp tôi có được các bức tranh về tương lai như thế nào.

Các phán xét trong hầu hết mọi lĩnh vực đều do các lối tư duy điều khiển, từ các vấn đề của thế giới đến các mối quan hệ cá nhân. Nếu một người vợ nghĩ mình có một người chồng hay tán tỉnh phụ nữ, thì cô sẽ nhận được tất cả các thông tin phù hợp với bức tranh này. Nó xác định việc cô hiểu những thông tin đó như thế nào và phản ứng của cô. Nếu một người vợ nghĩ mình có một người chồng chung thuỷ và hết lòng yêu thương, thì cô tiếp nhận những thông tin tương tự với một ý nghĩa khác. Đó là ở cấp độ vi mô.

Ở cấp độ vĩ mô, có những người nghĩ rằng thế giới đang ở trong giai đoạn “xung đột các nền văn minh” và họ nhìn mọi thứ trong khuôn khổ này. Những người khác, trong đó có tôi, nhìn thế giới qua lối tư duy về một thời kỳ lâu dài của thuyết quyết định luận kinh tế, một “cách nhìn kinh tế học”.

Tất nhiên, mỗi chúng ta đều có những lối tư duy khắc sâu vào mình khi trải nghiệm cuộc sống: tất cả các chính trị gia đều là một lũ lừa đảo; gia công sản xuất ở Ấn Độ là ăn cắp công ăn việc làm của người Mỹ; mèo là loài vật nuôi sạch nhất; trái đất nóng lên là mối đe dọa đối với sự bền vững của nhân loại…

Nhưng trong cuốn sách này, tôi không viết về những lối tư duy vốn là kết quả của sự tiếp biến văn hóa hay bị lái theo ràng buộc xã hội. Tôi tập trung vào những lối tư duy được phát triển có chủ ý, vì một mục đích nào đó. Bạn có thể tạo ra các lối tư duy có thể hướng dẫn, tổ chức trong đời sống cá nhân và lĩnh vực hoạt động của mình. Do đó, cuốn sách này sẽ cung cấp không chỉ khuôn khổ và viễn cảnh của nửa đầu thế kỷ tới mà cả những thái độ nền tảng cần có để hình dung và tiếp nhận tương lai.

PHẦN I: CÁC LỐI TƯ DUY

Các lối tư duy hoạt động như những ngôi sao cố định trong đầu của chúng ta. Khi bám lấy chúng, trí tuệ của chúng ta sẽ trôi nổi như một con tàu trên đại dương tri thức đang tìm định hướng. Chúng giữ cho con tàu đi đúng hướng và đưa nó cập bến an toàn.

11 lối tư duy được miêu tả trong Phần I của cuốn sách đã giúp tôi điều chỉnh cách nghĩ của mình; chúng dỡ bỏ những hạn chế tôi từng có và giúp tôi nhận được nhiều nhất từ những thông tin thu thập. Không có chúng, tôi sẽ không thể có được kết quả là hai cuốn Megatrends và Megatrends 2000. Cách tôi tiếp cận mọi thứ, cách trí tuệ của tôi xử lý thông tin và kinh nghiệm chính là mấu chốt của vấn đề.

Với mỗi người, theo cách này hay cách khác trong 11 lối tư duy tôi sẽ giới thiệu có vẻ là cách quan trọng và hữu ích nhất. Tư duy chính yếu của tôi là: “Hiểu được sức mạnh của việc việc tạo ra lối đi riêng”. Đây là một sự giải thoát lớn và không thể thiếu trong bất kỳ lĩnh vực nào, dù là xã hội, công việc hay cuộc sống cá nhân. Đó chính là lối tư duy cho phép bạn dám nói hoặc dám thử bất kỳ điều gì, bất chấp thời điểm khi đó nó có vẻ bất khả thi. Đó là lối tư duy giải phóng nằm sau thành công của cuốn Megatrends và các cuốn sách khác. Đó là lối tư duy hỗ trợ trí tưởng tượng sáng tạo.

Hướng dẫn quan trọng thứ hai của tôi là tư duy: “Đừng đi trước đám đông quá xa đến nỗi mọi người không biết bạn ở trong đám đông đó.” Nghe có vẻ quá rõ ràng, quá đơn giản, nhưng như những ví dụ trong cuốn sách này chỉ ra, giữ đúng ranh giới không hề dễ. Trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh doanh, lãnh đạo, hoặc chính trị, đó chính là lối tư duy giúp bạn không đi trước quá xa đến nỗi người khác không liên hệ được với những gì bạn làm hoặc nói.

Trong công việc hàng ngày, tất cả các lối tư duy vận hành cùng nhau, ăn khớp với nhau, đem lại sự sáng tỏ trong một thế giới rối ren, cho phép bạn nhìn thấy không chỉ một chiếc mũ mà cả một con voi trong một con trăn. Bạn sẽ trải nghiệm chúng như những công cụ nhận thức có thể biến đổi cuộc sống và công việc kinh doanh của mình.

PHẦN II: CÁC BỨC TRANH TƯƠNG LAI

Tất cả chúng ta đều muốn nhìn thấy bức tranh tương lai để có được sự rõ ràng trong một thế giới phức tạp. Chúng ta thường tự hỏi: “Cuộc sống sẽ như thế nào nhỉ?” Phần II của cuốn sách này cố gắng mang đến cho bạn một câu trả lời. Nó bàn về các xu hướng lớn đang đợi chúng ta ở phía trước và tác động của chúng đối với đời sống, công việc kinh doanh của chúng ta.

Thương mại, buôn bán, sản xuất và dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong một thế giới – nơi mà văn học, tiểu thuyết mất dần vị trí và giao tiếp hình ảnh đang ngày càng thịnh hành? Liệu các quốc gia dân tộc và các chỉ số kinh tế của chúng có còn quan trọng đối với lĩnh vực hoạt động và sự thịnh vượng của chúng ta không? Làm sao chúng ta hình dung được châu Âu đang đi về đâu khi những người hùng biện vẽ lên một bức tranh khác xa với bức tranh thực tế được tạo nên từ con số và kết quả? Trung Quốc, nuốt gọn công ăn việc làm ở khắp mọi nơi, liệu có là con rồng nuốt chửng chúng ta hay sẽ là con rồng chúng ta cưỡi? Chúng ta có nhìn thấy “điều vĩ đại sắp tới” như các phương tiện truyền thông vẫn ra sức thổi phồng không?

Các bức tranh về tương lai của tôi không phải là sự suy đoán hay vươn tới những điều không biết. Chúng dựa trên sự phân tích về hiện tại, dựa trên các lối tư duy được mô tả trong Phần I. Bạn có thể tự hình dung vì sao tôi đi tới một số kết luận và tôi tập trung vào cái tổng thể, không bị lạc lối trong tiểu tiết hoặc những thứ sẽ chỉ là những đốm sáng trên màn hình thế giới rộng lớn ra sao. Những bức tranh về tương lai của tôi sẽ cho bạn một cái khung có thể áp dụng vào lĩnh vực bạn quan tâm và cho nỗ lực nhằm thu lợi ích từ tương lai của bạn.

Chú thích: 

1. Đạo Mormon: tên gọi chính thức là Giáo hội Chúa Giêsu Kitô của các Thánh ngày Sau hết, do Joseph Smith lập ra năm 1829. 

2. Mortimer Adler: nhà giáo dục, triết học, tác gia người Mỹ. Cuốn Đọc sách như một nghệ thuật của ông đã được Alpha Books xuất bản tại Việt Nam năm 2008 đặc biệt có giá trị trong việc hướng dẫn mọi người cách đọc sách hiệu quả nhất. 

3. Tom Watson: là chủ tịch của IBM từ năm 1952 đến năm 1971. Ông được xếp vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX của Tạp chí TIME. Cuốn sách Con người phi thường và cỗ máy IBM của ông đã được Alpha Books xuất bản. 

4. John Naisbitt cùng vợ, Patricia Aburdene là tác giả của loạt sách Megatrends (Những đại xu hướng) nổi tiếng, trong đó cuốn Megatrends 2010 (7 đại xu hướng 2010) vừa được Alpha Books xuất bản. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.