11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #2



Tương lai được gói trong hiện tại

JOHNNY NHÌN TRỜI 

Khi chầm chậm tới trường 

Johnny luôn luôn thích 

Nhìn lên bầu trời cao 

Có mây bay lơ lửng 

Nhưng những gì trước mặt 

Nằm ngay trên đường đi 

Cậu không bao giờ nghĩ 

Một ngày có con cún 

Johnny vẫn nhìn trời 

Uỵch, Johnny và cún 

Cùng ngã phịch cả đôi 

Mark Twain dịch bài thơ này từ bản tiếng Đức cổ. Tôi cho đó là một ẩn dụ về việc chúng ta quá tập trung vào tương lai mà vấp ngã vì những điều ở ngay trước mắt. Mark Twain đã đọc bài thơ Johnny nhìn trời vào thập niên 1890 khi ông tới châu Âu và ở Viên suốt 20 tháng.

Nhiều ý tưởng và lý thuyết mới ra đời trong thời kỳ này và chúng thường tập trung vào tương lai rất xa. Các kiến trúc sư, nhà thơ và họa sỹ đều phản đối những truyền thống lãnh đạm. Các kiến trúc sư nổi tiếng Otto Wagner, Adolf Loos và Josef Hoffman đã lập nên phong cách kiến trúc trẻ Jugenstil và phong cách cách mạng; Gustav Klimt1 và các đồng sự bắt đầu khơi “dòng sông nghệ thuật hiện đại rực cháy”; Sigmund Freud tìm kiếm tiềm thức và trở thành cha đẻ của bộ môn phân tâm học. Rất nhiều hạt giống của thế giới hiện đại được gieo và bắt đầu sinh sôi nảy nở trong thời kỳ này.

Các cuộc chiến tranh thế giới làm gián đoạn nhưng không thể chấm dứt con đường đã được chọn. Với nhiều người, mọi thứ không tốt lên. Vết thương mà chiến tranh giáng xuống nước Đức thậm chí còn bị loét sâu hơn do nước này phải bồi thường chiến tranh, như nhà kinh tế học vĩ đại John Maynard Keynes đã dự đoán. Ông là người đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình lúc bấy giờ và cảnh báo về những sự kiện cuối cùng đã thật sự diễn ra.

Keynes tham gia các cuộc đàm phán ký kết hiệp định hòa bình Versailles sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dù ông kịch liệt phản đối khoản bồi thường khổng lồ áp đặt cho nước Đức. Trong cuốn sách The Economic Consequences of the Peace (Hậu quả kinh tế của Hòa bình, 1919), Keynes đã dự đoán rằng khoản bồi thường này sẽ dẫn tới thảm họa; điều đó hiện nay rất dễ hiểu nhưng thời đó lại bị từ chối và phủ nhận vì rất nhiều lý do.

Năm 1945, Friedrich Hayek, nhà kinh tế học người Áo, đã viết cuốn The Use of Knowledge in Society (Sử dụng tri thức trong xã hội), trong đó ông dự đoán về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Ông lý giải điều đó bằng một lập luận vững chắc: Quản lý tập trung thành công sẽ cần phải biết các quyết định của thị trường trước khi quyết định đó được đưa ra và điều này tất nhiên là không thể. (Chương 4 sẽ phân tích kỹ hơn vấn đề này).

Keynes và Hayek không để mình trôi vào những điều chưa biết, cũng không tìm những ngôi sao chưa được phát hiện; họ tìm kiếm trong phạm vi của mình. Các tác phẩm của họ là ví dụ cho thấy chỉ có nghiên cứu khách quan và không thiên lệch về hiện tại mới có thể hé lộ thông tin về tương lai. Sự thù địch và phủ nhận mà họ phải đối mặt từ phía các chính trị gia và đồng nghiệp uy tín cho thấy một số lối tư duy có thể làm lu mờ và đánh lừa cách nhìn của một người nhiều như thế nào.

Sự hiểu biết sâu sắc của ba nhà kinh tế học vĩ đại người Áo, Joseph Schumpeter2 , Friedrich Hayek và Peter Drucker, không thể ngăn châu Âu trở thành bậc thầy của sự phủ nhận. Những lời hứa và dự đoán của các chính trị gia EU bay lên trời như những quả bóng cho đến khi chúng va phải thực tế và nổ tung. Họ tiếp tục với những lời hứa trống rỗng vì lối suy nghĩ phổ biến là phải đúng mà đây là điều không thấy phát triển ở đâu nhiều như trong lĩnh vực chính trị.

Hãy ghi nhớ điều này khi bạn tập trung vào những gì đang được bọc trong hiện tại và hãy tìm nền móng vững chắc trước khi bắt đầu suy xét. Nhưng hãy thận trọng, nói tương lai được bọc trong hiện tại đương nhiên không có nghĩa ngoại suy mọi thứ cho tương lai. Tôi cũng không muốn nói rằng tương lai sẽ chỉ là sự mở rộng hơn một chút những điều trong hiện tại. Điều tôi muốn nói là chúng ta tìm hạt giống của tương lai trên mặt đất, chứ không phải trên bầu trời mênh mông.

KHÔNG THỂ NHÌN THẤY RỪNG NẾU CHỈ TRÔNG VÀO CÂY

Vài năm trước, tôi có dịp phát biểu tại thành phố Panama trong sự kiện liên quan tới việc Mỹ trao trả kênh đào này cho Panama. Để khởi động buổi lễ chính thức trao trả kênh đào, ngoại trưởng Panama, người chủ trì cuộc họp gồm ngoại trưởng các nước đã mời vợ chồng tôi đi thăm kênh đào bằng trực thăng. Chúng tôi đã đọc và biết việc xây dựng con kênh này khó khăn như thế nào và đã lấy đi bao nhiêu mạng người, nhưng chỉ thật sự hiểu được quy mô của nó khi được nhìn ngắm từ trên cao. Một cánh rừng nhiệt đới dày đặc trải dài hàng dặm, một cảnh tượng huy hoàng; khu rừng trông như một tấm thảm xanh tươi và xuyên qua tấm thảm xanh đó người ta đã vẽ nên một dải kênh đào.

Vài ngày sau đó, khi chúng tôi được tham gia vào một chuyến đi bộ xuyên qua cánh rừng, một cảnh tượng khác hẳn đã mở ra: rất nhiều rễ, cây lớn, cây bé, cọ và cây bụi, với các màu xanh, lá và hoa khác nhau cùng với đó là tiếng kêu, tiếng huýt sáo, tiếng chim hót và tiếng kêu của khỉ nhảy trên các ngọn cây, các chi tiết sống động và khác nhau ở mỗi ngả rẽ của con đường. Đó là một thế giới khác, với những viễn cảnh và cận cảnh khác nhau, và cũng là bằng chứng cho thấy bạn sẽ mất tầm nhìn về khu rừng nếu bị cây điều khiển.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể trải nghiệm sự khác biệt giữa các tiểu tiết và một bức tranh lớn theo cách sống động như vậy. Nhưng ý tưởng thì vẫn là một: Bạn không thể thấy rừng nếu chỉ nhìn cây. Nếu muốn phát hiện những sự kiện tạo tiền lệ trên thế giới, bạn phải quan sát nó từ một khoảng cách xa. Nếu để mất khoảng cách, các xu hướng nhất thời có thể dễ dàng chặn tầm nhìn của bạn. Bản thân các mốt được gói ghém trong các xu hướng và là một biểu hiện của chúng. Thay đổi về xu hướng không xảy ra thường xuyên, nhưng mốt nằm trong xu hướng lúc nào cũng tạo cảm hứng cho sự thay đổi – vì thế, từ mốt bao hàm nghĩa nhất thời và một giới hạn nào đó về thời gian.

Một trong những thay đổi lớn là sự chuyển dịch từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin. Gói trong sự chuyển dịch này là xu hướng “ý thức về cơ thể” gần như chắc chắn sẽ theo sau. Trong xã hội nông nghiệp, chúng ta bắt cơ thể làm việc quá vất vả với việc nhà. Tương tự, trong giai đoạn công nghiệp, chúng ta làm những công việc đòi hỏi thể lực (lịch sử rút gọn của nước Mỹ: nông dân, công nhân, nhân viên). Khi chúng ta chuyển sang thời đại của thông tin, yêu cầu về các nỗ lực thể chất giảm đáng kể. Giờ đây, phần lớn chúng ta đều cần rất ít thể lực khi làm việc. Sự dịch chuyển này nghĩa là phần nhiều chúng ta làm công việc bàn giấy, và có liên quan ngày càng nhiều đến việc chúng ta làm gì với cơ thể, và đưa gì vào đó. Đây là hệ quả của sự chuyển dịch lớn hơn sang xã hội thông tin và sẽ không thay đổi.

Trong điều kiện làm việc ít di chuyển, chúng ta tiếp tục phải đối phó với cơ thể, nhưng đối phó thế nào thì ít quan trọng hơn trước kia và phụ thuộc vào các mốt nhất thời. Các mốt nhất thời này là một phần của việc thực hiện các xu hướng, là các dạng thể hiện khác nhau của chúng. Trong một thời gian dài, chạy là cách phổ biến để giữ dáng. Bơi lội cũng từng phổ biến như vậy và bây giờ nhiều người nghĩ học theo vận động viên đua xe nổi tiếng Lance Armstrong là mốt mới, vì vậy, ở Mỹ các huấn luyện viên cá nhân cùng các cửa hàng bán đồ tập thể thao đang mọc lên như nấm. Chúng ta giữ dáng thế nào, thử những phương pháp gì, tất cả đến rồi đi và đó có thể chỉ là những thứ mốt nhất thời, nhưng nhu cầu giữ cơ thể khỏe mạnh vẫn luôn ở lại. Đi kèm với mối quan tâm về thể chất này là các băn khoăn về chế độ ăn uống của chúng ta.

Chế độ ăn và việc ăn kiêng là những thứ mốt nhất thời. Người ta chuyển từ ăn chay, dưa hấu sang ăn ít chất béo, rồi giàu chất béo và chỉ có tinh bột, không tinh bột, nhiều hoa quả, không hoa quả.

Các loại chế độ ăn không ngừng ra đời; dường như không có điểm kết cho các cơ hội tìm đường tắt để giảm cân. Chúng thể hiện cách chúng ta tạm thời đối phó với hậu quả của việc phải ngồi cả ngày. Bạn có thể coi mốt nhất thời là các biểu hiện của một xu hướng lớn, cũng như nhìn nhận rằng xu hướng đến từ những sự dịch chuyển quan trọng trong xã hội.

PHÍA SAU BỨC RÈM

Khi còn nhỏ, hầu hết chúng ta đều chơi trò trốn tìm. Chỗ tôi thường trốn là sau tấm rèm. Việc nhìn ra một số chuyển dịch lớn không khó hơn nhiều lắm so với việc nhìn ra một cậu bé sau tấm rèm – nhưng đó là nếu bạn nhìn.

Một sự chuyển dịch khác là số lượng thành viên công đoàn sẽ tiếp tục giảm và phong trào lao động đã chết. Vì sao?

Đầu những năm 1980, 1/4 lực lượng lao động Mỹ được tổ chức thành công đoàn. Ẩn chứa sau “tấm rèm” đối xử công bằng là sự khập khiễng vô cùng lớn giữa lý tưởng của các tổ chức công đoàn (“đối xử với mọi người hoàn toàn như nhau”) và sự nổi lên của chủ nghĩa cá nhân. Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh của một sự chuyển dịch lớn trong nhân sự sản xuất, khu vực tập trung phần lớn công nhân (nhưng không hề tách rời bản thân sản xuất, mà tốc độ tự động hóa ngày càng cao); cùng lúc đó, công nhân ngày càng trở nên giàu có nên ít tìm kiếm sự bảo hộ trong các tổ chức hơn. Điều đó làm tổ chức công đoàn trông giống loài khủng long ngồi chờ Kỷ Đại Trung Sinh quay lại. Và nó đã không quay lại. Nền móng chính trị bên dưới các tổ chức công đoàn đã dịch chuyển. Giống như loài khủng long, nếu muốn tồn tại thì công đoàn sẽ phải làm mới lại chính mình, thay đổi quan niệm về vai trò của mình. Nhưng họ không làm như vậy.

Từ lúc tôi viết về sự xuống dốc của tổ chức công đoàn Mỹ cho đến nay, tỷ lệ lao động là thành viên công đoàn đã giảm từ 25% xuống chỉ còn 7,8% trong khu vực tư nhân và vẫn đang tiếp tục giảm. Việc công đoàn khu vực dịch vụ và tổ chức Teamsters3 thông báo tách khỏi AFL-CIO4 đã đẩy tổ chức công đoàn xuống dốc xa hơn.

Sự thay đổi căn bản là kết quả hội tụ của các lực lượng, chứ hiếm khi chỉ do một lực lượng (đặc biệt khi điều đó đi ngược lại những quan điểm đã được thừa nhận rộng rãi là đúng). Vì vậy, trước khi đưa ra phán xét nào, bạn hãy luôn xem xét đầy đủ các lực lượng đang vận hành, Không kết luận nào trong Phần II cuốn sách này được đưa ra mà chỉ dựa vào một bằng chứng duy nhất. Nếu bạn không tìm đủ bằng chứng thì bạn nên nhìn lại phía sau tấm rèm.

PHÒNG NGHIÊN CỨU CỦA CẢ HÀNH TINH

Nguồn tri thức khổng lồ giúp vén tấm màn che tương lai chính là báo chí – nó đóng vai trò như một phòng nghiên cứu của cả hành tinh, báo cáo lại những gì đang diễn ra trên mặt đất. Báo chí là “bản nháp đầu tiên của lịch sử”. Đó là lý do vì sao báo chí là nguồn thông tin chủ yếu cho những ai nghiên cứu quá khứ và quan tâm tới tương lai. Sách lịch sử thường liệt kê các tờ báo đương đại là tài liệu tham chiếu chủ chốt, nhưng chúng ta hiếm khi gán vai trò này cho báo chí thời nay. Hãy đọc báo như thể bạn đang ở thời điểm 100 năm tới. Tất nhiên những gì chúng ta tìm kiếm ở báo chí không phải là các ý kiến mà là sự ghi chép lại các sự kiện và tỷ số các trận đấu. Tìm kiếm tỷ số như thế nào và phải lưu ý tìm kiếm điều gì là chủ đề của lối tư duy tiếp theo.

Báo chí là sự lựa chọn bắt buộc trong một hệ thống khép kín. Hãy để tôi giải thích. Báo chí là màn hình lớn phản ánh sự thay đổi của xã hội vì, nói một cách đơn giản, cái cột tin tức – chỗ dành cho các bản tin trên báo – là một hệ thống khép kín. Vì lý do kinh tế, không gian dành cho tin tức trên một tờ báo không thay đổi nhiều qua thời gian, vì thế khi một cái gì mới được đưa vào thì một cái khác sẽ bị loại bỏ hoặc giảm bớt. Bạn không thể cộng thêm nếu chưa trừ đi. Đây là nguyên tắc của lựa chọn bắt buộc trong một hệ thống đóng kín. Chủ bút của tờ New York Times, John Geddes, nói kích thước lỗ thông tin của tờ báo này “không thay đổi trong khoảng tám năm nay”; ông cũng nhấn mạnh “đây là trò chơi zero sum .” Những người viết blog không có “quỹ không gian” như vậy. Họ có thể tiếp tục mà không cần bận tâm vì độ dài hay nội dung.

Trong xã hội có một trường hợp lựa chọn bắt buộc tương tự. Theo một nghĩa nào đó, đây là sự thay đổi thị phần mà nguyên nhân là sự cạnh tranh giữa các mối quan tâm khác nhau trong xã hội. Xã hội giống loài người: tại một thời điểm, một người chỉ có thể giữ một số vấn đề và mối quan tâm trong đầu hoặc trong tim, cũng như một xã hội chỉ có thể giải quyết một số ưu tiên vào một thời điểm nhất định. Nếu những vấn đề hoặc mối quan tâm mới và hấp dẫn được đưa vào, thì một số điều đang tồn tại sẽ bị giảm đi hoặc loại bỏ. Tất cả điều này được phản ánh trong lỗ thông tin tổng hợp, hiện đã trở thành phần trình bày máy móc của một xã hội đang phân loại các mối ưu tiên.

Vấn đề không chỉ là đọc gì mà còn là đọc như thế nào. Với tôi, các báo ghi lại tốt nhất các thay đổi trên thế giới ngày nay là tờ New York Times, Financial Times, Wall Street Journal, Economist và USA Today.

Nhưng cũng đừng cho rằng việc các tờ báo này đưa tin về các con số phản ánh tầm quan trọng lâu dài của chúng. Ví dụ, cuối tháng 3-2006, công ty Ford thông báo sẽ sa thải 30.000 công nhân. Tin được đăng nổi bật trên trang nhất của hầu hết các báo, mặc dù việc cắt giảm sẽ được tiến hành trong ba năm và đó không phải là một bước đi bất ngờ của công ty Ford lúc đang suy thoái. Cùng ngày, Bộ Thương Mại Mỹ thông báo có 280.000 công việc được tạo ra trong tháng hai; đây là một sự phát triển có tác động to lớn hơn nhiều cho một tương lai dài hạn. Tin này bị đẩy xuống trang 10 hoặc 26 gì đó trong tất cả các tờ báo tôi thấy, tức là được nói tới nhưng bị che lấp. Hãy coi trọng tầm quan trọng của diễn biến, chứ không phải vị trí sắp đặt vốn chỉ phản ánh mối quan tâm ở tại một thời điểm.

TRONG DÒNG CHẢY THỜI GIAN, TƯƠNG LAI LUÔN Ở BÊN TA

Những hướng đi, ngã rẽ của thế giới ăn sâu vào quá khứ và hiện tại. Chúng ta thường nhận ra chúng khi chúng đã thuộc về quá khứ, trong khi mục đích của chúng ta là dự đoán những điều nằm ở phía trước. Để làm được điều đó, chúng ta cần giữ một khoảng cách và tầm nhìn sáng suốt.

Báo chí là cộng sự tuyệt vời. Báo chí không chỉ là bản nháp đầu tiên của lịch sử mà còn cho ta cái nhìn tổng quan đầu tiên về tương lai, vì những gì chúng ta đang làm sẽ quyết định tương lai. Báo chí là nguồn thông tin và phạm vi địa lý căn bản. Báo chí mang đến những câu chuyện và dữ kiện về lịch sử, văn hóa, các vấn đề xã hội, sự kiện, xu hướng và mốt. Nhưng báo chí còn mang đến những ý kiến cá nhân, sự tuyên truyền chính trị, những chi tiết tầm phào và những đột biến có thể không phải là chỉ dẫn về tương lai. Dù được chỉ dẫn kỹ càng là điều mấu chốt, nhưng không phải lượng thông tin chúng ta thu được mà việc chúng ta tiếp nhận chúng với tâm thức nào mới là điều có ý nghĩa. Trong quá trình kiểm nghiệm và chọn lọc, chúng ta có thể tìm thấy các yếu tố cùng nhau hợp thành các bức tranh về tương lai.

Chú thích: 

1. Gustav Klimt: họa sĩ theo trường phái Tượng trưng nổi tiếng người Áo. 

2. Joseph Schumpeter: là nhà kinh tế học người Áo gốc Tiệp, được vinh danh là nhà tiên tri đại tài trong lĩnh vực kinh tế. 

3. Một trong những tổ chức công đoàn lớn nhất ở Mỹ. 

4. Liên đoàn Lao động Mỹ – Liên hiệp Công đoàn Công nghiệp. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.