11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #3



Tập trung vào kết quả

THỂ THAO – CHÍNH TRỊ: 1 – 0

Bạn đọc báo thế nào? Tôi đọc từ cuối lên, tin thể thao đầu tiên – không hẳn vì thể thao là một cách để tôn vinh thành tích của loài người và trở nên quan trọng hơn trong một thế giới được công nghệ hóa, mà còn do tôi thích thể thao. Tôi luôn hứng thú với chủ đề này. Ngoài ra, tôi cho rằng tin thể thao có độ tin cậy cao nhất – và độ tin cậy này giảm đi khi bạn đọc tới tin tức trên trang nhất. Nếu tôi đọc được là đội Boston Red Sox đã thắng đội New York Yankees với tỷ số 7-3, thì tôi có thể chắc chắn gần như 100% rằng điều đó đã xảy ra.

Trong những năm qua, trên trang nhất tờ Financial Times, cựu Thủ tướng Đức, Gerhard Schroeder, thường tự hào nói về một nước Đức kinh tế hùng mạnh. Các vấn đề thế giới không rõ ràng như thể thao nhưng cũng có thống kê. Trên báo, tôi tìm thấy những kết quả khác: tháng trước, ở Đức có thêm 44.000 người mất việc, đưa tỷ lệ thất nghiệp lên 10,4%. Chính phủ thông báo rằng tốc độ tăng trưởng năm 2005 là 1,5% 1, nhưng hãy nhìn vào kết quả: nó bằng 0, và quý vừa rồi âm. Điều đầu tiên mà bà Angela Merkel2 đã làm trong tháng 1-2006 là yêu cầu Bộ kinh tế Đức bỏ thói quen đưa ra các dự đoán tăng trưởng kinh tế quá lạc quan. Một khởi đầu tốt đẹp.

THIẾU THỰC TẾ

Năm 2000, những người đứng đầu chính phủ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Lisbon. Họ đã đưa ra cam kết biến châu Âu thành “nền kinh tế tri thức năng động và có tính cạnh tranh cao nhất trên thế giới vào năm 2010”. Rõ ràng, châu Âu đang thách thức Mỹ để giành vị thế cao nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Hàng năm, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn nhắc lại cam kết này (giờ đây được biết đến với tên gọi Chương trình Nghị sự Lisbon), những bong bóng hứa hẹn và dự đoán vẫn đang bay cao lên trời.

Vậy thực tế là gì? Kết quả thế nào? Từ sau năm 2000, năm nào châu Âu cũng đánh mất vị thế kinh tế của mình so với Mỹ. Dù tuyên bố về các mục tiêu tham vọng của EU rất hấp dẫn, nhưng các bước hành động để biến những tham vọng đó thành hiện thực mới quan trọng. Nếu bạn muốn biết tình hình EU và các nước thành viên ra sao, đang ở vị trí nào và sắp đi tới đâu, bạn sẽ phải liên tục kiểm tra kết quả. Số việc làm tăng hay giảm? Tỷ lệ tăng trưởng hiện tại là bao nhiêu? Có biện pháp cải cách kinh tế nào đang được tiến hành không? Chính phủ chỉ có thể tạo ra một số ít việc; người thật sự có thể tạo ra công việc mới là các doanh nhân. Môi trường khởi nghiệp cho các công ty thuận lợi như thế nào? Năng suất lao động có tăng không?

Dù bạn đọc được điều gì về châu Âu, hãy đặt ra những câu vừa rồi. Bong bóng chỉ bay đến khi chúng nổ tung thôi.

MỘT BA LÔ CHẤT ĐẦY NHỮNG GÁNH NẶNG

Trong khi châu Âu công khai cuộc đấu tranh xã hội thì General Motors (GM), biểu tượng còn sót lại của sức mạnh công nghiệp Mỹ đang phai nhạt dần, che giấu cuộc vật lộn trong một cái ba lô. Tháng 1-2006, GM (tổng doanh thu trên toàn thế giới đạt 192,6 tỷ đô-la) công bố khoản thua lỗ lớn nhất trong hơn một thập kỷ, 10,6 tỷ đô-la, và công khai các thách thức GM đang phải đối mặt: chi phí lao động tăng, cạnh tranh khốc liệt từ châu Á và doanh thu giảm tại thị trường nội địa. GM đang gặp rắc rối trầm trọng. Chiếc ba lô của hãng đầy thêm với chi phí 1.600 đô-la/xe nằm trong cái gọi là chi phí trước hoạt động, chủ yếu là phúc lợi y tế và lương hưu.

GM đã chạm đến ngưỡng nguy hiểm trong quá trình suy yếu kéo dài tới bốn thập kỷ và sắp để Toyota chiếm mất vị trí hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới; hiện tại vòng quay tiền mặt của GM là âm. Lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 1990, GM tiêu nhiều hơn số tiền mặt thu được từ sản xuất xe. Tờ BusinessWeek có viết:

Thông thường, một công ty trong tình trạng eo hẹp như thế sẽ thu nhỏ lại cho đến khi đạt được cân bằng. Một GM khỏe mạnh trông sẽ như thế nào? Đáng lẽ công ty nên giảm đi 5 nhà máy lắp ráp, sản xuất 4 triệu xe mỗi năm tại Bắc Mỹ thay vì 5,1 triệu. Điều đó sẽ làm giảm 20% thị phần của công ty tại Mỹ, nhưng các nhà máy sẽ hoạt động sát với nhu cầu, ít bị thiệt hại vì bán rẻ, bán tháo/khuyến mãi và bán các loại xe cho thuê. Công nhân sẽ có chương trình chăm sóc sức khỏe tiết kiệm chi phí hơn và được hưởng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ trong những thời điểm khó khăn buộc phải sa thải. Ngân quỹ dành cho nghiên cứu dồi dào hơn nhờ doanh số bán và hoạt động tài chính có lãi, hoặc tập trung vào bốn hoặc năm bộ phận thay vì tám. 

Nhưng với GM, thu nhỏ không có vẻ là một lựa chọn. Vì các thỏa thuận với công đoàn, hãng không thể đóng cửa nhà máy hoặc cho công nhân nghỉ việc mà không bị phạt nặng; hãng phải cho các nhà máy hoạt động với tối thiểu 80% công suất dù chúng có làm ra tiền hay không. Kể cả khi cho các dây chuyền lắp đặt tạm nghỉ, GM vẫn phải trả lương các công nhân bị thôi việc và chi trả những khoản phúc lợi chăm sóc sức khỏe và lương hưu hết sức hào phóng. Nếu GM không đạt được những nhượng bộ lớn từ phía công đoàn, các chi phí đó sẽ là cố định, ít nhất cho tới các buổi đàm phán lại hợp đồng diễn ra vào hai năm sau. 

Mỗi năm GM bỏ 8,7 tỷ đô-la để trả lương cho bộ phận công nhân lắp ráp. Công ty đã nuôi sống gần 900.000 công việc – từ công nhân sản xuất các bộ phận xe đến những người viết quảng cáo, nhân viên bán hàng và bán các thiết bị văn phòng. Năm 1998, khi đóng cửa 54 ngày, GM đã làm giảm 1% tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý đó. Vì thế, không thể phủ nhận là điều tồi tệ với General Motors cũng sẽ là tồi tệ với nước Mỹ. 

Hơn 100 năm trước, nhà máy Piquette của Henry Ford đã khởi đầu cho ngành công nghiệp ô tô hiện đại ở Mỹ. Bill Ford hiện phải đối mặt với khả năng phải chủ trì hồi cáo chung của nó. Tháng 1-2006, CEO của Ford đưa ra tuyên bố kỳ lạ: “Từ nay, sản phẩm của chúng tôi sẽ được thiết kế và sản xuất để thỏa mãn khách hàng, không phải chỉ để chất đầy nhà máy.” Hãy tưởng tượng xem!

Trong kinh doanh, chính trị hay cuộc sống, khoảng cách giữa lời nói và thực tế rộng ra khi niềm tự hào cá nhân xen vào. Thường đó không phải là lời hứa được đưa ra mà là vấn đề bị che giấu. Trong cuộc chiến thành tích, sức mạnh của việc phải đúng thường chiếm ưu thế. Đừng nhầm lẫn; hãy kiểm tra kết quả.

Đó là điều các cố vấn chiến lược vẫn làm. Các công ty trả hàng triệu đô-la cho các nhà tư vấn chủ yếu chỉ để được họ nói cho biết kết quả trò chơi mình tham gia. McKinsey & Company và các công ty tư vấn khác phân tích các con số – dữ kiện và thống kê – của công ty, phân tích hiệu quả của từng đơn vị và công nhân, phân tích thị trường trong đó công ty hoạt động và đưa ra những lời khuyên xuất phát từ thực tế. Họ được trả rất nhiều tiền vì hầu như lúc nào họ cũng đúng. Bạn có thể làm điều tương tự bằng cách phân tích các kết quả trong thế giới xung quanh.

LÁ CỜ XUẤT SẮC

Kết quả có thể bao gồm số giải Nobel đã được trao – ít nhất trong lĩnh vực khoa học, một lĩnh vực ít nặng tính chính trị hơn những lĩnh vực như văn chương hay hòa bình.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu giành 109 Giải Nobel khoa học, trong khi số giải dành cho Mỹ là 13. Từ năm 1969, tình hình đảo ngược: châu Âu nhận được 90 giải và Mỹ 171 giải – một sự chuyển dịch khổng lồ về vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học toàn cầu.

Một vài năm trước, tôi tới giảng dạy tại Tokyo; khi đó tôi đang nói về việc nhập cư không ngừng bổ sung tài năng cho Mỹ ra sao và không phải tình cờ mà Mỹ có hơn 300 người giành giải Nobel và Nhật Bản chỉ có bốn. Một chàng trai nói: “Đúng, nhưng phần lớn những người đạt giải Nobel của Mỹ đều đến từ các quốc gia khác. ”Tôi trả lời: “Cảm ơn vì đã nói lên quan điểm của tôi.”

LẠNH? ẤM? LẠNH?

Những năm cuối thập kỷ 1930 và 1940, nỗi lo lớn lúc đó là “thời kỳ băng hà đang tới”. Phát ngôn hùng hồn này sau đó lại trở lại vào thập kỷ 1970 và về “hiện tượng lạnh toàn cầu”!

Năm 1974, nhà báo người Mỹ từng đạt giải Pulitzer George Will viết: “Một số nhà khí hậu học tin rằng nhiệt độ trung bình ở bán cầu Bắc có thể giảm hai hoặc ba độ vào cuối thế kỷ. Sự thay đổi đó, nếu nó xảy ra, sẽ khiến hàng triệu người chết và sẽ gây ra biến động xã hội vì việc sản xuất ngũ cốc tại các vùng vĩ độ cao (Canada, các vùng phía bắc Trung Quốc và Liên Xô) sẽ giảm.” Những năm cuối thế kỷ đã đến rồi qua đi và hiện nay người ta cho rằng trái đất đang ấm lên.

Cũng trong thập kỷ 1970, một nhóm các nhà khí hậu học hàng đầu gặp nhau tại Bonn và cảnh báo: “Các dữ kiện về biến đổi khí hậu hiện nay khiến ngay cả các chuyên gia lạc quan nhất cũng sẽ cho là mất mùa gần như chắc chắn sẽ xảy ra ở các vụ mùa chính trong vòng một thập kỷ (do trái đất lạnh đi). Nếu các chính sách quốc gia và quốc tế không xét tới những thất bát gần như chắc chắn này, hàng loạt người sẽ bị chết đói và sẽ xảy ra hỗn loạn, bạo lực, lúc đó tổng thiệt hại có thể còn khủng khiếp hơn.”

Cuốn sách bán chạy nhất thời kỳ này là The Cooling: Has the Next Ice Age Begun? Can We Survive it? (Nhiệt độ giảm: Kỷ Băng hà tiếp theo đã bắt đầu? Chúng ta có thể sống sót không?). Tác giả Lowell Ponte cho biết một số nhà khoa học thận trọng nhất đã cảnh báo về một kỷ băng hà sắp bắt đầu trong một tương lai gần. Ông nói: “Trái đất lạnh đi buộc loài người phải đối mặt với những thách thức xã hội, chính trị và thích nghi trọng yếu nhất trong 10.000 năm qua. Đóng góp của chúng ta vào quyết định liên quan tới hiện tượng lạnh toàn cầu có vai trò tối quan trọng đối với sự tồn vong của bản thân, con cháu chúng ta và cả loài người.”

Năm 1975, Nigel Calder, biên tập viên Tạp chí New Scientist của Anh đã nói: “Nguy cơ về một kỷ băng hà mới hiện phải đứng cùng chiến tranh hạt nhân, như một nguồn gốc có thể gây chết chóc hàng loạt và bất hạnh cho loài người.”

Một số nhà khoa học đã từng quá kích động về hiện tượng lạnh toàn cầu nay lại sôi sục lên vì vấn đề trái đất nóng lên.

Mùa thu 2005, Hãng hàng không British Airways của Anh thông báo sẽ cho hành khách tham gia đảm nhiệm vai trò ổn định khí hậu thế giới bằng cách để họ trả thêm một vài đô-la tiền vé, số tiền này sẽ được dùng để bù đắp lượng carbon thải ra từ chuyến bay. Kết quả là chưa đến 1/200 hành khách sẵn lòng tham gia. Điều này có vẻ không phù hợp với câu trả lời mọi người đưa ra trong các cuộc thăm dò ý kiến về thay đổi khí hậu. Điều này có phản ánh điều mà các nhà kinh tế học gọi là “những ưu tiên được tiết lộ” (nói thì dễ nhưng quyết định của mọi người khi tiền của họ bị đe dọa mới là chỉ dẫn tốt nhất về những gì họ thật sự tin)?

Các tuyên bố về viễn cảnh môi trường ảm đạm sẽ được đọc ra sao trong thập kỷ tới? Ngày 28-1-2006, trong một bài diễn văn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nói: “Chúng ta phải cùng tiến hành một nỗ lực nghiêm túc trên toàn cầu nhằm phát triển một tương lai năng lượng sạch để tránh phải bắt đầu một kỷ băng hà nữa.”

Sau đó, ngày 4-2-2006, Báo cáo năng lượng của cơ quan Quản lý Khoáng sản Mỹ lưu ý: “Cái chết của những con gấu trắng Bắc Cực là một tín hiệu mạnh về các hậu quả của việc trái đất nóng lên.”

BỐI RỐI GIỮA MỘT RỪNG THÔNG TIN

Chúng ta phải tin ai và điều gì? Bắt đầu ở đâu? Đọc 963 cuốn sách, một con số lớn, về hiện tượng trái đất nóng lên được liệt kê trên trang Amazon.com và để cân bằng, đọc 1.054 cuốn (tháng 7-2006) về vấn đề lạnh toàn cầu và kỷ băng hà đang đến?

Giữa tất cả các tuyên bố và lời khuyên trái ngược, đôi khi khó mà biết phải tin ai về vấn đề môi trường. Tôi không thể tạm dừng cuộc đời mình, dành hai hoặc mười năm tới để trở thành một chuyên gia về môi trường hoặc sự bền vững. Không ai trong chúng ta có thể làm thế. Tôi chỉ có thể dùng kinh nghiệm và những đánh giá tốt nhất của mình.

Cuộc tranh luận còn bị trầm trọng hóa do giọng điệu trịch thượng của những người quá chắc chắn về việc trái đất nóng lên. Trái đất nóng lên đã trở thành một thứ tôn giáo và những người không mua cho mình viễn cảnh ảm đạm đó trở thành những kẻ ngoại đạo và bị xua đuổi khỏi bất kỳ diễn đàn công cộng nào.

Tôi tin môi trường phải được bảo vệ và quy định là cần thiết. Không cần biết ai đúng về môi trường và tính bền vững, tôi ủng hộ việc quan tâm đến môi trường vì các biện pháp khắc phục hậu quả đều rất hấp dẫn. Tôi muốn không khí và nước sạch cho tất cả mọi người. Tôi bỏ phiếu cho thiên nhiên. Nhưng thổi phồng vấn đề mà không có lấy một ý niệm đích thực nào về kết quả sẽ làm ưu tiên xã hội trở nên méo mó và khiến người dân cũng như các nhà lãnh đạo khó có thể đưa ra các quyết định tốt nhất.

GÀ TRỐNG CỦA AI GÁY TO NHẤT?

Các nhà môi trường thường phóng đại vấn đề để cảnh báo mọi người và để nhận được sự ủng hộ cho chương trình. Trong cuốn sách The Sinking Ark (Con thuyền đang chìm), Norman Myers, nhà sinh thái học tại Đại học Oxford, ước tính cứ cách một ngày lại có một loài bị tuyệt chủng. Năm 1999, Paul Van Develder của tờ Seattle Times viết: “Chúng tôi biết rằng 20 năm sau, các nhà động vật và thực vật học sẽ ước tính các hoạt động khác nhau của loài người sẽ đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng tới con số làm tê dại tâm trí, nghiền nát tinh thần: 75 loài/ngày”.

Con số đó đưa tổng số lên 27.375 loài/năm. Chẳng mấy chốc, nó sẽ được thổi phồng lên thành 40.000 loài/năm. Trực giác và lý trí bảo bạn rằng điều này là không thể. Nó không dựa trên bất kỳ bằng chứng nào mà chỉ dựa vào khẳng định thiếu suy nghĩ của Myers trong một bài báo công bố năm 1979 rằng 1 triệu loài có thể sẽ biến mất trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 2000 và tính ra tương đương với 40.000 loài/năm. Con số 40.000 không ngừng được nhắc lại trên các phương tiện truyền thông mà không hề được kiểm chứng. Tự nó có cuộc sống của mình.

Hiệp hội Bảo tồn Thế giới, tổ chức duy trì cuốn sách ghi lại danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng, nói năm 1992, số chim và các loài có vú bị tuyệt chủng là rất nhỏ và tổng số loài tuyệt chủng, trên tổng số khoảng 30 triệu loài, có thể là khoảng 2.300 loài/năm. Nhưng không ai thật sự biết.

Trong khi đó, Myers gần đây vẫn nhắc lại con số ước lượng 40.000/năm và cảnh báo rằng “chúng ta đang bước vào giai đoạn mở màn cho một sự hủy diệt sinh học do con người gây ra”. Sự coi thường bất cẩn và vô trách nhiệm của ông ta đối với tính toàn vẹn khoa học cũng là đặc trưng của một số nhà môi trường và cũng cho thấy họ xem thường những sức mạnh bền vững của tự nhiên.

Những kịch bản khủng khiếp sẽ bay hơi nếu được nhắc đi nhắc lại mà không có chuyện gì xảy ra. Chưa kể, một vài hiểm họa không đủ hấp dẫn để giữ được vị trí của mình trong bảng xếp hạng báo cáo những tin dữ hàng ngày.

NÚP BÓNG CÁ MẬP

Cô là một trong những người đầu tiên có mặt trên bãi biển. Tử thần đến gần với bước chân êm ru. Một tiếng rắc nhẹ khi vật đó lìa cây, một âm thanh cô không hề chú ý trước khi, chỉ một phần của một giây sau đó, quả dừa rơi trúng đầu cô.

Tin nóng trên CNN? Quả dừa giết người lại đang hoành hành? Tên quỷ nâu giết hại du khách? Không hề. Những tên sát nhân dừa không bán được tin. Chúng không có những chiếc răng gớm ghiếc, không có những chiếc vây xé làn nước gây nên nỗi kinh hoàng trên bãi biển; chúng chỉ có quy luật về quả chín, trọng lực và sự ngẫu nhiên. Tuy người ta lờ nó đi nhưng có nhiều người bị thương nặng hoặc chết do dừa rụng hơn là bị cá mập tấn công. Tuy thế, các vụ liên quan đến cá mập, luôn tìm được cách xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. “Cá mập! Cá mập!” bán được tin.

Theo George Burgess3, “Mỗi năm, dừa rụng giết chết 150 người trên toàn thế giới, gấp 15 lần so với số thiệt mạng có thể quy cho cá mập”. Trong năm 2002, 2003 và 2004, tổng số người thiệt mạng do cá mập tấn công trên toàn thế giới chỉ có 14.

Cá mập tấn công là tin tức, còn những quả dừa nâu lông lá rụng thì không. Đó không phải là khả năng mà là nơi cái chết diễn ra. Và khi cái cây kinh hoàng này gần như bị lãng quên, thì nó lại được chú ý đến và liên quan tới một giải thưởng trong bóng tối: Giải Ig Nobel4 .

GIẢI IG NOBEL

“Các chấn thương do dừa rụng” là tiêu đề một bài báo được đăng trên tờ Journal of Trauma (một tạp chí chuyên về Chấn thương) trong đó Tiến sĩ Peter Barss đưa tin về chín trường hợp chấn thương ở Papua New Guinea. Ông chỉ ra rằng một cây dừa ở khu vực này có nhiều cao trung bình khoảng

22,5 m và một quả dừa có thể nặng 2 kg hoặc hơn, có nghĩa là một quả dừa có thể rơi với vận tốc 80 km/h với trọng lực khoảng 1.000 kg. Một số nạn nhân đã bị vỡ sọ.

Bài báo được công bố năm 1984 nhận được giải Ig Nobel năm 2001. Giải này được các biên tập viên của cuốn Annals of Improbable Research (Kỷ yếu các Công trình Nghiên cứu Không tưởng) trao hàng năm tại Harvard để ghi nhận các nghiên cứu “không thể hoặc không nên lặp lại”. Rõ ràng là tin đó cũng phải mất một thời gian mới tới được Cambridge.

RẠP XIẾC CỦA NHỮNG TIN GIẬT GÂN

Tin xấu thường có đời sống của riêng nó. Kết quả thay đổi, không thường xuyên trong thể thao nhưng lại đều đặn trong cuộc sống, đặc biệt với các thảm họa khi chính trị tham gia dưới những hình thức nào đó. Đối với thảm họa, các con số ban đầu cao hay thấp không chứng minh điều gì. Trong những trường hợp này, chúng ta nên khôn ngoan chờ những thống kê đáng tin cậy. Tổng thiệt hại về trận sóng thần ở châu Á năm 2004 rất bi kịch với con số cuối cùng lên tới hơn 250.000 người chết. Tuy nhiên, khá thường xuyên, kết quả giảm xuống khi ý kiến, không phải sự thật, là tác giả của các con số đó.

Các con số ước tính đầu tiên đưa tin về cơn bão Katrina, có tâm bão ở New Orleans năm 2005, lên tới mức 10.000 người thiệt mạng, thậm chí là 100.000 người theo một số bài báo. Giờ đây chúng ta biết tổng số người chết là khoảng 1.000, cũng đã đủ khủng khiếp.

Khi lò phản ứng hạt nhân ở Ukraine nổ vào tháng 4-1986, người ta đưa cảnh báo tiên đoán thảm họa là đàn gia súc ở một khu vực châu Âu sẽ giảm mạnh. Người dân Đức và Áo, cùng các quốc gia khác, được tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh phóng xạ. Một số chuyên gia dự đoán sẽ có thêm khoảng 800.000 trường hợp ung thư ở người trong những thập kỷ tới. Các nghiên cứu mới của Liên hợp quốc và các cơ quan chính phủ giờ đây tiết lộ rằng có 56 người chết vì các nguyên nhân liên quan tới phóng xạ Chernobyl, 47 trong số đó là các nhân viên nhà máy chết do vụ nổ hoặc hỏa hoạn xảy ra sau đó. Khoảng 4.000 trẻ em có phát triển dạng ung thư tuyến giáp nhưng hầu hết đều được chữa khỏi và chỉ có em chết.

Bản chất của con người là bẻ cong thông tin theo hướng kết luận họ mong muốn.

KẾT QUẢ KHÔNG THỂ BỊ MUA CHUỘC

Hãy dùng thể thao làm mẫu. Khi một trận bóng kết thúc 27-17, đó chính là tỷ số trận đấu. Kết quả không thay đổi vì những lời bào chữa, khen ngợi hay sự giải thích từ phía đội thắng hay đội thua. Trong kinh doanh, các công ty không làm ăn tốt hơn chỉ vì những lời lẽ hùng hồn của các CEO. Lĩnh vực địa chính trị và các hoạt động văn hóa được hình thành không bởi những điều được nói ra mà bởi những việc đã hoặc chưa được làm. Những điều đang xảy ra trên mặt đất mới là quan trọng. Hãy tập trung vào tỷ số của trò chơi bạn tham gia, so sánh với bảng tỷ số trong bóng chày và bóng rổ. Sự đơn giản và độ tin cậy chính là tiêu chuẩn để đánh giá sự chính xác và đáng lưu tâm của thông tin. Sự phức tạp thường được sử dụng làm công cụ ngụy trang, đơn giản hóa sẽ hỗ trợ sự minh bạch. Tất cả điều này là phương tiện giúp hiểu rõ thực tại, là bước đầu tiên để hiểu được tương lai.

Chú thích: 

1. Cuốn sách này được xuất bản năm 2006. 

2. Angela Merkel: nữ thủ tướng đầu tiên của Đức, năm 2005 bà được bầu chọn là một trong 100 người phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới. 

3. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc tế các Vụ tấn công của cá mập thuộc Đại học Florida đồng thời là một nhà nghiên cứu uy tín về cá mập. 

4. Ig Nobel là giải thưởng nhại giải Nobel trao cho những phát minh vô bổ, nhưng xét về mặt lý thuyết, rất khoa học và thể hiện những ý tưởng kỳ lạ. Những cá nhân tham gia phần lớn là những nhà khoa học danh tiếng bởi họ muốn chứng tỏ mình cũng hiểu biết như thế nào về sự hài ước của cuộc sống. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.