11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #4



Hiểu được sức mạnh của việc tạo ra lối đi riêng

MỘT KẺ CỨNG ĐẦU NHŨN NHẶN

Đó không phải khởi đầu tuyệt vời cho chàng trai trẻ. Học vật lý tại Trường Bách Khoa Zurich, nhưng đồ án của anh bị đánh trượt. Vị giáo sư nói: “Anh khá thông minh, nhưng anh có một nhược điểm lớn. Anh không bao giờ chịu lắng nghe.” Đó giống như một lời nhận xét thích đáng về người tin rằng “làm nô lệ cho quyền lực là một trong những kẻ thù lớn nhất của sự thật”.

Đầu thế kỷ XX, thái độ đó không giúp mở ra cơ hội và chàng trai là một trong bốn sinh viên tốt nghiệp trong lớp không tìm được một công việc hàn lâm. Nhưng sự tự tin của anh vẫn không hề lay chuyển: “Sự cứng đầu muôn năm! Đó chính là vị thần hộ mệnh của tôi trong thế giới này.” Sau một thời gian dạy học tại một ngôi trường ở Schaffhausen, anh cũng được nhận vào làm nhân viên kiểm tra bằng sáng chế tại Bern. Chàng trai đó là Albert Einstein.

Từ năm 1902, ông dành 48 giờ một tuần sau bàn làm việc tại phòng cấp bằng sáng chế, với niềm tin rằng mình sinh ra để làm ra một thứ gì đó vĩ đại. Năm 1905, Einstein viết thư cho nhà toán học Conrad Habicht, người bạn từ thời ông dạy ở Schaffhausen:

Habicht thân mến, 

Một không khí im lặng đầy trang nghiêm đã bao phủ mối quan hệ của chúng ta khiến tôi có cảm giác mình sẽ mắc tội phạm thượng khi phá vỡ nó bằng những lời lẽ lảm nhảm vụn vặt. Anh thích thế nào đây hả tên cá voi đông lạnh, mẩu cá bơn hun khói, sấy khô, đóng hộp? Tại sao anh vẫn chưa gửi cho tôi đồ án của anh? Chẳng lẽ anh không biết tôi là một trong số 1,5 kẻ sẽ đọc nó với niềm thích thú, hả anh bạn khốn khổ? Tôi hứa sẽ đáp lại anh bằng bốn bài. 

Bài thứ nhất là về phóng xạ và các đặc tính năng lượng của ánh sáng, nó có tính cách mạng, như anh sẽ thấy nếu gửi cho tôi công trình của anh trước. Bài thứ hai về cách xác định kích thước chính xác của nguyên tử. Bài thứ ba chứng minh rằng các vật thể với độ lớn 1/1000 mm, lơ lửng trong môi trường chất lỏng, chắc chắn phải thực hiện một chuyển động ngẫu nhiên có thể quan sát được, do chuyển động nhiệt gây ra. Bài thứ tư vào thời điểm này mới chỉ là một bản nháp thô về điện động lực của các vật thể chuyển động; vấn đề này dùng đến một dạng biến đổi của lý thuyết về không gian và thời gian. 

Cái mà chàng trai Einstein 26 tuổi gọi là “những lời lẽ lảm nhảm, vụn vặt” là câu lảm nhảm đáng kinh ngạc nhất mà một con người từng nói ra. Nó phóng ngành vật lý từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX và khiến tác giả trở thành thiên tài vĩ đại của thế kỷ. Làm sao một người có thể làm rung chuyển các nền tảng của ngành vật lý? Chắc chắn đó không chỉ bởi tinh thần cao độ của tuổi trẻ khiến chàng trai trở thành trường hợp độc nhất vô nhị. Năm 1905, ông đưa ra không chỉ thuyết tương đối mà còn cả sự dịch chuyển lớn thứ hai trong tư duy về ngành cơ học lượng tử. Với hai công trình này, ông đã tạo ra nền móng mới để những người kế nhiệm xây nên ngôi nhà của ngành vật lý hiện đại.

Có vẻ những nỗ lực này chưa đủ nên cuối năm đó Einstein đã đưa chúng lên đỉnh cao. Habicht nhận được một bức thư nữa về ý tưởng mà Einstein cho là không chỉ hấp dẫn mà còn rất ngộ nghĩnh: “Tôi băn khoăn không biết liệu Chúa có cười vì Người đang đùa bỡn dẫn tôi đi sai đường.”

E = mc2 ra đời.

Einstein đã soi sáng vũ trụ thời gian và không gian còn đang bị che giấu. Một trong những người viết tiểu sử Einstein, Albrecht Fossling, coi việc “một người với điều kiện như vậy không muốn tranh luận với các nhà khoa học hàng đầu mà đắm mình trong suy tưởng, trong thế giới riêng của mình” là một lợi thế. Albert Einstein chọn sự tự do tưởng tượng, tự do đưa ra các mối liên tưởng mà ông đã không nhận thấy nếu làm khác đi. Ông tập trung vào vật chất, không phải vào bản ngã.

Rất nhiều người đang cố gắng lý giải về tài trí của Einstein. Chuyên gia về trí thông minh tại Harvard, Howard Gardner, tin rằng Einstein phát hiện được rất nhiều bí mật của tự nhiên là vì ông chưa bao giờ đánh mất sự ngây thơ con trẻ và gọi ông là “đứa bé vĩnh cửu”. Đương nhiên, mối quan tâm lớn của Einstein không phải là những cố gắng của ông có bị bác bỏ hay không, mà là liệu ông có bỏ lỡ một ngã ba trên đường đi hay không. Ngày 22-9-1911, ông viết cho William Julius:

Bạn đồng nghiệp kính mến: 

Nếu những đường [quang phổ mặt trời] này rất mảnh thì tôi tin rằng lý thuyết của tôi đã bị các quan sát này bác bỏ. Tôi sẽ rất vui nếu anh thẳng thắn nói cho tôi biết ý kiến của anh về vấn đề này. Thật ra, tôi biết rất rõ rằng lý thuyết của tôi dựa trên nền móng không vững chắc. Con đường tôi chọn có thể sai nhưng nó vẫn phải được thử. 

Ngày 27-10-1912, ông viết cho nhà vật lý thiên văn Erwin Freundlich:

Các nghiên cứu lý thuyết của tôi đang tiến triển nhanh chóng sau những tìm tòi tỉ mỉ không sao tả hết được, vì vậy bây giờ nhiều khả năng là các phương trình cho lực hấp dẫn sắp được thiết lập. Vẻ đẹp của nó nằm ở chỗ người ta có thể tránh được những giả định tùy tiện, để không còn cái gì “chắp vá”, tất cả sẽ chỉ là đúng hoặc sai. 

Khi sắp đạt được một khám phá gây rung chuyển, cám dỗ đấu tranh để khẳng định mình đúng giành được rất nhiều sự ủng hộ. Nhưng để đứng lên và đảo ngược các khái niệm thời gian và không gian, năng lượng và vật chất đã được thiết lập thì không có chỗ cho nhu cầu phải đúng. Einstein, với tất cả những cảm giác, nỗi lo sợ và hy vọng của mình, kiếm tìm những quy luật phổ quát và không thể thay đổi, cho những điều đúng chứ không phải cho những ai đúng.

Ít người trong chúng ta vươn xa được như Einstein, nhưng nhu cầu từ bỏ việc phải đúng không hề ít đi với các mục tiêu khiêm tốn hơn. Cái gì đúng, không phải ai đúng, vẫn là chuẩn mực trong cuộc sống, kinh doanh và chính trị.

Khi viết về tương lai, tôi không thể lo liệu một ngày nào đó những kết luận của mình có thể bị chứng minh là sai. Cuối cùng, tôi phải đưa ra một nhận xét và nó phải được hướng dẫn càng kỹ càng tốt. Nhưng nếu tôi không cần phải đúng, tôi mới có thể tưởng tượng và gợi ý mọi thứ. Dù sao một số tuyên bố cũng không có khả năng xảy ra vào thời điểm tôi viết.

DÁM THÁCH THỨC

Một trong những kết luận tôi đưa ra trong cuốn Megatrends gây phản ứng mạnh mẽ là: các mạng truyền hình quốc gia nổi tiếng – NBC, CBS, ABC – đang trượt dốc dài vì các khán giả của họ sẽ bị hút sang truyền hình cáp đang nổi lên (nhưng vẫn còn khá sơ khai vào thời điểm đó). Lúc bấy giờ (năm 1982), nếu ai đó nghĩ rằng những gã khổng lồ trong mạng lưới giải trí này sẽ làm được bất kỳ việc gì, trừ việc trở nên quan trọng hơn, thì có thể gây cười cho hầu hết mọi người. Tôi nhớ đã từng đưa ra một phát biểu về vấn đề này trong cuộc họp thường niên của Avertising Association of America (Hiệp hội Quảng cáo Mỹ) tại khu nghỉ mát Greenbrier. Ngày hôm sau, người chịu trách nhiệm chuyên mục quảng cáo cho tờ New York Times viết về phát biểu của tôi: “Có mất trí mới tin vào điều này!” Có thể là tôi sai nhưng, với tôi, dường như các công cụ đa năng ở Mỹ đang mất dần vị thế ở khắp nơi. Các tạp chí đa chức năng như Life, Look và Saturday Evening Post với tổng số phát hành 10 triệu bản, đã co lại, nhường chỗ cho hàng trăm tạp chí chuyên đề. Với tôi, rõ ràng là ABC, CBS và NBC cũng sẽ trở thành Life, Look và Post trong những năm tới, khán giả sẽ bị lôi kéo bởi các lựa chọn truyền hình cáp với chất lượng ngày càng được cải tiến. Hiện nay, tổng thị phần của ba mạng chính này đang dao động quanh mức 11%.

LÁI XE NGƯỢC DÒNG

Liệu có thể nào tất cả mọi người đều sai không?

Trong hàng thập kỷ, một lý thuyết y học hầu như được chấp nhận trên toàn thế giới là nguyên nhân gây ra các vết loét là do hút thuốc và rượu gây ra. Người ta cho rằng căng thẳng khiến cơ thể sản xuất dư axit dạ dày và số lượng dư thừa này ăn mòn lớp niêm mạc. Vì vậy, cách điều trị thông thường là phẫu thuật.

Sau đó, hai bác sỹ người Úc, Robin Warren và Barry Marshall, nói rằng các vết loét do một dòng vi khuẩn (lúc đó còn chưa được xác định) gây ra, một tuyên bố kỳ quặc như việc lái xe đi vào đường ngược chiều và khăng khăng rằng tất cả mọi người, trừ bạn, đang đi sai.

Năm 1983, bác sỹ Marshall bắt đầu điều trị thành công các bệnh nhân bị loét dạ dày bằng kháng sinh. Cũng trong năm đó, tại một hội thảo tại Bỉ về căn bệnh này, khi được hỏi: “Ông có nghĩ vi khuẩn gây ra một số vết loét dạ dày không?”, Marshall đã đưa ra một câu trả lời bi kịch, rằng ông tin vi khuẩn gây ra tất cả các vết loét dạ dày. Vậy có phải, tất cả các chuyên gia đang đi sai đường? Làm sao có thể như thế được?

“Không thể phá bỏ một tín điều,” sau này ông nói. Ông bị phản đối trong hội thảo đó cũng như tại các buổi họp khoa học khác. “Chương trình của họ là khiến tôi im miệng và tống tôi ra khỏi ngành viêm dạ dày ruột và đi hành nghề ở những vùng xa xôi hẻo lánh”, vị bác sỹ trẻ đến từ Perth nói. Cộng đồng y học thế giới đứng vững trước ý kiến xấc xược về một loài vi trùng gây lở loét.

Tháng 10-2005, bác sỹ Warren và Marshall được trao giải Nobel y học cho phát hiện về “loài vi trùng gây lở loét”. Giới y học mất hơn một thập kỷ để từ bỏ việc kê thuốc kháng axit và bắt đầu dùng kháng sinh. Thật kinh hoàng khi nghĩ tới việc tính toán tổng chi phí và những đau đớn mà nguyên nhân là quyết tâm không chịu chấp nhận mình sai của ngành y học.

CÁCH NGHĨ “PHẢI ĐÚNG” GIAM HÃM TRÍ TUỆ CỦA BẠN

Con người, bị quy định về văn hóa buộc “phải đúng”. Cha mẹ đúng, thầy cô đúng, ông chủ đúng. Việc ai đúng quan trọng hơn việc cái gì đúng. Các cặp vợ chồng lớn tiếng với nhau về những chuyện nhỏ nhặt chỉ vì muốn phân định xem ai thắng.

Các đảng chính trị thể chế hóa việc “phải đúng”. Có khi nào một đảng chính trị hoan nghênh quan điểm của đối phương? Hãy tưởng tượng nếu tất cả năng lượng dành cho nỗ lực chứng minh phe kia sai được chuyển vào việc suy nghĩ về những điều tốt nhất cho cuộc tranh luận, bất chấp vấn đề đang bàn là gì, thì điều gì sẽ xảy ra? Tồi tệ hơn, “phải đúng” trở thành một rào cản cho việc học hỏi và tìm hiểu. Nó ngăn không cho bạn trưởng thành, vì không sự trưởng thành nào không cần thay đổi, sửa chữa và tự vấn.

Nếu bạn “phải đúng” thì bạn đã tự đặt mình vào một lối đi có hàng rào bao quanh, nhưng một khi bạn trải nghiệm sức mạnh của việc không cần “phải đúng”, bạn sẽ thấy mình đang đi qua một cánh đồng trải rộng, viễn cảnh rộng mở và bước chân tự do rẽ vào bất cứ ngả nào bạn muốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.