11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

PHẦN I: LỐI TƯ DUY



Phần I của cuốn sách đặt nền móng cho việc điều chỉnh cách tư duy của bạn. Khi áp dụng 11 lối tư duy được giới thiệu, đôi khi bạn sẽ thấy cần đưa tư duy vào khuôn khổ và có lúc lại thấy chỉ cần để dòng tư duy của mình cứ thế trôi. 

LỐI TƯ DUY #1 

Nhiều điều thay đổi, nhưng đa phần mọi thứ vẫn giữ nguyên 

TRONG THỜI ĐẠI TRUYỀN THÔNG 24/7 

SỰ THAY ĐỔI THƯỜNG BỊ PHÓNG ĐẠI 

Ngày 8-8-2006, trang web Amazon.com liệt kê 56.170 nhan đề sách có từ change (thay đổi), 11.195 có cụm từ business change (thay đổi trong kinh doanh) và 2.404 có cụm từ global change (thay đổi toàn cầu). Một lượng không đếm xuể gồm báo, tạp chí và kênh tin tức 24 giờ dùng đủ mọi cách để khẳng định mọi thứ đang thay đổi. Giờ đây, liệu có ai trên thế giới có thể bắt kịp sự thay đổi này? Không ai cả.

Nhưng bạn hãy đừng bận tâm.

Hầu hết các doanh nghiệp đều ở trạng thái ổn định. Sản phẩm và thị trường luôn thay đổi, phần lớn theo hướng tốt lên và các công cụ chúng ta sử dụng cũng thay đổi. Mặc dù có vô số sách vở và thông lệ kinh doanh – với cốt lõi là mua và bán, tạo lợi nhuận – phần lớn vẫn giữ nguyên trong suốt 40 năm qua.

Cho dù chúng ta có thể xem tivi bằng điện thoại di động hoặc gọi điện qua Internet, bồn tắm có thể tự dâng đầy nước trong khi ta cởi áo quần, tủ lạnh tự mở khi dạ dày ta sôi, nhưng đó vẫn chỉ là những việc quen thuộc được làm theo một cách khác – dễ hơn, nhanh hơn, xa hơn… – và đây không phải là điều căn bản trong cuộc sống. Chúng ta đi học, kết hôn, có con rồi cho chúng đi học, đó là những điều mà Chúa cũng biết là sẽ không thay đổi, dù người ta có hô hào cải cách giáo dục đến mức nào. Nhà cửa, gia đình và công việc là những hằng số lớn.

Cuộc sống của nông dân không thay đổi nhiều kể từ khi tôi còn bé. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp giảm nhẹ công việc của nhà nông nhưng mùa màng vẫn quyết định nhịp điệu cuộc sống. Phần lớn nông dân vẫn làm công việc chăn nuôi và trồng trọt tại nông trang. Will và Ariel Durant1 từng nói khi mở đầu cuốn Story of Civilization (Câu chuyện văn minh): “Nền văn minh là một dòng chảy có bờ. Dòng chảy đó đôi khi chứa đầy máu của những người giết nhau, trộm cắp, la hét và làm những việc mà các nhà sử học thường ghi lại, trong khi ở trên bờ, dù không được để ý tới, người ta vẫn xây nhà, yêu nhau, nuôi dưỡng những đứa trẻ sắp chào đời, hát ca, làm thơ và thậm chí là tạc tượng.

Và câu chuyện của nền văn minh là câu chuyện về những gì diễn ra ở trên bờ.”

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA “CÁI GÌ” VÀ “NHƯ THẾ NÀO”

Bạn đã lập danh sách những điều hay thay đổi hoặc có thể thay đổi chưa? Hãy nhớ đó không phải danh sách chúng ta làm mọi việc như thế nào, mà chúng ta làm gì.

Với ngành trồng trọt, điều thay đổi là người nông dân làm nông nghiệp như thế nào. Tiến bộ phụ thuộc vào việc họ linh hoạt điều chỉnh các kỹ năng sao cho phù hợp với công nghệ mới và sự thay đổi trong hành vi của khách hàng. Nhưng người nông dân vẫn ở nguyên vị trí của mình, làm nông dân, dù phương pháp canh tác đã thay đổi. Một số tìm được vị trí thích hợp, tự điều chỉnh theo các thay đổi của nhu cầu trên thị trường. Một số khác, vì những lý do khác nhau, không làm được điều đó đã bỏ nghề nông.

Phần lớn các thay đổi không nằm trong những gì chúng ta làm, mà nằm ở việc chúng ta làm như thế nào. Ở giữa sự cường điệu, nếu phân biệt được những yếu tố bất biến và biến đổi, thì chúng ta có thể phản ứng hiệu quả hơn với thị trường mới và tận dụng sự thay đổi tốt hơn.

Thể thao là một ví dụ tốt.

Quy định cho các môn thể thao đồng đội khá ổn định – chỉ đôi khi có những thay đổi rất nhỏ, thường xuất phát từ sự thay đổi trong cách chơi của các cầu thủ. Một thay đổi lớn được nhiều người biết đến là sự phổ biến của lối chuyền bóng hiện đại do Knute Rockne khởi xướng vào thập niên 1920. Mục tiêu vẫn là ghi bàn nhưng việc các cầu thủ làm thế nào để tiếp cận vạch gôn thì thay đổi.

Đôi khi phong cách cá nhân của một cầu thủ sẽ làm thay đổi cả một môn thể thao.

Đêm 30-12-1936, đám đông hơn 17.500 người đến sân vận động Madison Square Garden ở New York để xem đội Đại học Long Island đấu với đội Standford. Kết thúc trận đấu, Standford chấm dứt chuỗi chiến thắng của Long Island với tỷ số 45-31, nhưng điều quan trọng hơn đã xảy ra.

Khán giả đến sân phần nhiều là để xem Hank Luisetti, chàng cầu thủ sinh viên năm hai, với chiều cao 1m88 và nặng 92kg. Anh là cầu thủ duy nhất được biết tới với khả năng ném bóng một tay khi treo mình trong không trung; đây là cách làm không giống phong cách chơi bóng rổ truyền thống. Mọi người thường ném bóng theo cách giơ cao bóng và ném bằng hai tay. Phong cách của Luisetti không làm thay đổi mục tiêu đưa bóng vào rổ, nhưng nó đã vĩnh viễn thay đổi cách chơi môn thể thao này. Tuy nhiên, vẫn có những phản ứng ngoan cố. Giới bóng rổ chính thống cho là đó không phải là cách làm đúng. Nat Holman, huấn luyện viên huyền thoại của đội City College, New York nói: “Đó không phải là bóng rổ. Nếu các chàng trai của tôi ném bóng một tay, tôi sẽ từ bỏ nghề huấn luyện viên.”

Luisetti được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất năm 1937 và 1938. Anh xếp thứ hai sau George Mikan trong cuộc thăm dò ý kiến của hãng truyền thông Associated Press bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất cho nửa đầu thế kỷ XX.

Hank Luisetti mất ngày 17-12-2002. Ông đã sống và chứng kiến những tên tuổi như: Earl Monroe2, Julius Erving, Michael Jordan hoàn thiện và bổ sung sắc màu cho phong cách chơi của mình.

Thay đổi kỹ thuật thường mở ra cánh cửa đến với tiềm năng rộng lớn hơn. Vận động viên điền kinh của Mỹ, Dick Fosbury, đã thật sự phát triển một bước nhảy thành một kỷ nguyên mới. Thay vì nhảy đối diện xà ngang và xoay một chân trước rồi sau đó xoay chân còn lại qua xà, Fosbury xoay ngay khi nhảy, xoay lưng cong qua xà, rồi đến chân, tiếp đất bằng vai. Fosbury, khi còn là học sinh trung học tại Medford, Oregon, đã bắt đầu nhảy cao và sử dụng kỹ thuật giạng chân, nhưng thành tích khá bình thường cho đến khi anh bắt đầu tự tìm một phong cách riêng. Anh không nghĩ tới cách nhảy truyền thống, cũng không nghĩ về hình thức nhảy. Anh nói: “Tôi thậm chí không nghĩ về việc nhảy cao. Đó là cách suy nghĩ tích cực. Đơn giản là tôi để nó tự diễn ra.”

Tại Thế vận hội Olympic Mexico năm 1968, kỹ thuật nhảy “đầu trước” của anh đã mê hoặc khán giả khi anh lần lượt vượt qua các mức và đạt 2,32 m. Với thành tích 2,57 m trong lần nhảy thứ ba, Fosbury đã lập kỷ lục Olympic mới và giành huy chương vàng.

Sự tiến bộ trong môn nhảy cao này không chỉ dựa trên kỹ thuật mới. Kỹ thuật mới có thể áp dụng là do có thay đổi về điểm rơi: hố cát được chuyển thành giường cao su kích thước lớn, cho phép người nhảy dùng kỹ thuật “đầu trước” mà không gặp nguy hiểm khi rơi. Dù bản thân môn thể thao không thay đổi nhưng phong cách mới của Fosbury, cú rơi Fosbury, đã trở thành phương pháp phổ biến.

TỶ LỆ TỬ VONG CAO CỦA SỰ THAY ĐỔI

Chúng ta vẫn được nghe và đọc rằng “điều duy nhất chắc chắn là sự thay đổi”. Câu nói này có cả bề nổi và bề sâu. Điểm bề mặt liên quan đến các nhà tư vấn quản lý sự biến đổi. Bề sâu là người ta bị lái theo sự quá khích về việc sự thay đổi có mặt khắp nơi. Cuối thập niên 1990, thương mại điện tử có vẻ sẽ làm thay đổi mọi thứ. Khẩu hiệu đưa ra sẽ là bán tất cả những hàng bạn có tại các hệ thống bán lẻ; hãy quên các cửa hàng được xây từ vữa và gạch.

Toàn bộ khái niệm thời trang, như mọi người nghĩ, chính là sự thay đổi. Phần lớn khái niệm thời trang chỉ là sự phô trương của những kiểu mốt nhất thời. Nhưng có điều không đổi trong thế giới thời trang hơn 150 năm qua là quần jeans; nó là độc hiệu của Levis trong khoảng 100 năm cho tới khi chúng ta có thêm nhiều lựa chọn khác. Giờ đây mỗi nhà thiết kế đều có các mẫu jeans của riêng mình, dù chúng có thể đến rồi đi.

Sự phấn khích trong thời trang dành cho nam giới nằm ở chính đặc điểm không đổi của nó. Đừng cố đưa cái gì mới. Thị trường này hầu như không bao giờ thay đổi và nếu có thì chỉ một chút xíu. Theo kinh nghiệm của tôi, điều thay đổi duy nhất là độ rộng của chiếc cà-vạt nam – sau 20 năm. Có nhiều thứ giống với thời trang nam hơn là thời trang nữ.

Các loại nước hoa thay đổi theo tính thất thường của thời trang nữ. Vòng đời của quần áo cũng khó nắm bắt như nước hoa dành cho chúng. Trong số 100 loại nước hoa mới, 95 loại bay hơi hoàn toàn. Nhưng người ta vẫn tiếp tục sản xuất nhiều hơn thế vì lợi nhuận cao đến nỗi nếu bạn là một trong năm nhãn hiệu tồn tại được thì cũng đã là quá tuyệt vời. Sự thay đổi lớn về thời trang là ở chỗ nó đã trở nên gắn bó mật thiết với lĩnh vực hội họa, kiến trúc và trở thành một trải nghiệm hoàn toàn mới về nghệ thuật thị giác.

Tháng 11-2005, Coca-Cola tuyên bố chuẩn bị chấm dứt nhãn hiệu Coke hương Vani, bổ sung nhãn hàng này vào danh sách những sản phẩm chết yểu. Trong số 30.000 mặt hàng tiêu dùng mới được tung ra thị trường năm đó, có đến hơn 90% không tồn tại được. “Chúng tôi vẫn thấy ổn với những gì mình đang có” là câu trả lời của người tiêu dùng. Tầm quan trọng của tính liên tục được nhấn mạnh trong cuốn sách Build to Last (Xây dựng để trường tồn) của Jim Collins và Jerry Poras, trong đó các tác giả đã làm rõ “điều hoang đường về sự biến đổi”. Trong cuốn sách có đoạn: “Một công ty có tầm nhìn xa sẽ bảo vệ các giá trị cốt lõi như bảo vệ một thứ tôn giáo, nếu họ có thay đổi thì cũng chỉ là hiếm hoi.” hay “Các giá trị cốt lõi của một công ty có tầm nhìn hình thành nên một nền móng vững chắc và chúng không trôi theo các xu hướng, mốt thời trang trong ngày.”

Trong kinh doanh, kỹ thuật mới đôi khi mang đến một sự ổn định mới. Kỹ thuật “quản lý quy trình”(xuất hiện trong xã hội Mỹ những năm 1980 do nỗi sợ người Nhật Bản sẽ thống trị thế giới) cùng với phương pháp ngôi sao, phương pháp Six Sigma3 (do Bill Smith làm việc cho Motorola đi tiên phong) đã trở thành chân lý phổ biến mới trong lĩnh vực quản lý chất lượng. Giờ đây, nhà vô địch vĩ đại của kỹ thuật này, Jack Welch, CEO của GE, đã nghỉ hưu và phương pháp này dần ít được sử dụng vì nhiều người coi nó là rào cản của sự sáng tạo. Nhưng nó đã được sử dụng trong 25 năm.

CÓ PHẢI MỌI THỨ ĐỀU MỚI LẠ DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI?

Đã qua từ lâu những ngày khi vua Solomon4 (3.000 năm TCN) viết những dòng nổi tiếng: “Điều đã có rồi sẽ có, chuyện đã làm rồi sẽ làm; dưới ánh mặt trời nào có chi những điều mới lạ.” Giờ đây, người ta nói mọi thứ đều mới lạ dưới ánh mặt trời.

Đầu năm 2005, tuần báo Newsweek cho chạy một quảng cáo lớn cùng với lời trích dẫn: “Thế kỷ XX sẽ là thế kỷ của sự thay đổi. Trong 10 năm tới sẽ có nhiều điều thay đổi ở nhiều nơi hơn trong 100 năm qua. Hầu hết các quốc gia đều chưa sẵn sàng cho chuyến đi chóng mặt này – chắc chắn nước Mỹ thì chưa.”

Không có gì ngạc nhiên khi tuyên bố này làm chúng ta tập trung hơn vào tương lai, tuyệt vọng tìm kiếm nơi chân trời dấu hiệu thay đổi tiếp theo, mỗi gợn mây đều có thể là dấu hiệu của một cơn cuồng phong. Có thể các nhà báo của Newsweek có khả năng nhìn quá chân trời, thấy nhiều điều hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Nhưng chắc chắn không có nghiên cứu định lượng nào từng được tiến hành, cộng dồn tất cả các thay đổi trong 100 năm qua đã đủ khiến người ta nản lòng, mà hiện tại cũng không thể liệt kê số việc “sẽ thay đổi nhiều nơi hơn nữa trong 10 năm tới.” Đây chỉ là một tuyên bố nhằm gây chú ý trong đám sương mù phán đoán. Đối với tôi, tuyên bố này chỉ ấn tượng mà không có ích lợi gì. Tốt hơn, hãy lập một danh sách những điều bạn nghĩ sẽ thay đổi trong 10 năm tới và những gì bạn nghĩ có thể vẫn giữ nguyên. Tuyên bố “chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, đó là sự đổi thay” vừa nhan nhản khắp nơi vừa lố bịch. Điểm mấu chốt tôi muốn đưa ra là câu nói “điều chắc chắn duy nhất trong kinh doanh là sự thay đổi” không đúng.

SỰ THAY ĐỔI, NHƯ CHUỖI XOẮN KÉP ADN, 

DI CHUYỂN THEO HÌNH XOẮN ỐC QUANH CÁC CỘT CỐ ĐỊNH 

Sự biến động giống như thực phẩm nuôi dưỡng ngành truyền thông. Sự ngon miệng của nó được thỏa mãn bằng sự cạnh tranh và tin tức đưa 24/7: tầm quan trọng của một sự kiện chính là bản thân sự kiện đó, chất lượng và ý nghĩa của nó phụ thuộc vào nguồn cung cấp và dễ dàng bị lái theo hướng tầm phào, vô giá trị.

Mục đích của 11 lối tư duy được đưa ra trong cuốn sách này là giúp chúng ta không bị lạc lối giữa những thứ không cần thiết và thay vào đó, tập trung vào những điều có hoặc sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong cuộc sống.

Hầu hết chúng ta không săn lùng tin tức và sự thay đổi, mà tìm định hướng cho tương lai, tìm sự rõ ràng trong một thế giới khó hiểu. Chất lượng là yếu tố quyết định. Dù kiểu thông tin đang dồn dập tấn công bạn có là gì, thì hãy phân biệt giữa thay đổi bản chất và thay đổi hình thức, giữa thay đổi cơ bản và thay đổi nhất thời, và hãy nhớ trong lịch sử thế giới, hầu hết mọi thứ đều giữ nguyên.

Hãy phân biệt

Cái cốt lõi và sự màu mè

Quy luật và kỹ thuật

Xu hướng và mốt nhất thời

Đột phá và cải tiến

Chú thích: 

1. Will Durant (1885 – 1981): là một trong những sử gia lớn nhất thời hiện đại. Bộ sử ông viết cùng vợ Ariel Durant gồm 11 tập The Story of Civilization (Câu chuyện của nền văn minh) được coi là một trong những bộ sử thành công nhất từ trước đến nay và từng đoạt giải Pulitzer. 

2. .Earl Monroe, Julius Erving, Michael Jordan: các ngôi sao bóng rổ tên tuổi của Mỹ. 

3. Hệ phương pháp cải tiến quy trình kinh doanh. 

4. Vua Solomon: là vị vua thứ 3 của Israel, người thành lập vương quốc Edom và được mệnh danh là “nhà thống trị vĩ đại nhất của Israel”. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.