1Q84 - Tập 2

Chương 19: Khi Tử thể thức tỉnh – P1



Aomame

Khi Tử thể thức tỉnh

Tuy là tiểu thuyết kỳ ảo nhưng về cơ bản Nhộng không khí rất dễ đọc. Câu chuyện được kể từ đầu đến cuối qua giọng giản dị, đời thường của một cô bé mười tuổi. Không có những câu từ thâm thuý, những logic khiên cưỡng, cũng không có những đoạn kể lể dài dòng, không có những chỗ biểu đạt cầu kỳ phức tạp. Ngôn ngữ của cô dễ hiểu, ngắn gọn, và đa phần là dễ chịu, nhưng gần như không giải thích gì về các sự kiện xảy ra trong truyện. Cô chỉ lần lượt kể lại theo thứ tự những gì mình tận mắt trông thay. Cô không dừng lại ngẫm nghĩ: “Rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì?” hay “Thế nghĩa là thế nao?” Cô chỉ không ngừng tiến bước, chậm rãi, bằng nhịp điệu phù hợp với câu chuyện. Người đọc nhìn thông qua cặp mắt của cô bé, đi theo bước chân cô, cảm giác hết sức tự nhiên. Rồi từ lúc nào không biết họ đã bước vào một thế giới khác, một thế giới không phải thế giới này. Một thế giới có Người Tí Hon chế tác Nhộng không khí.

Đọc mười mấy trang đầu tiên, Aomame có ấn tượng sâu sắc với phong cách viết. Nếu đây là sáng tạo của Tengo thì anh thực sự là một cây bút tài năng. Tengo ngày trước vốn nổi tiếng là thần đồng toán học. Nhiều bài toán ngay cả người lớn cũng khó lòng giải được, thế mà anh hầu như chẳng tốn chút công sức nào đã có đáp án. Thành tích của anh ở các môn khác tuy không bằng môn toán nhưng cũng đều thuộc hạng ưu. Anh còn có vóc người cao lớn và là một vận động viên toàn năng, nhưng cô chẳng nhớ gì về chuyện anh viết văn hay đến mức nào. Có lẽ tại hồi đó tài năng này còn ẩn dưới bóng môn toán đang ưu trội của anh.

Mặt khác, cũng có thể Tengo chỉ chuyển lời kể của Fukaeri thành văn chương, chứ bản thân anh không góp phần sáng tạo gì nhiều vào phong cách cả. Nhưng, Aomame cảm thấy có lẽ không phải như vậy. Lời văn thoạt tiên đơn giản, nhưng đọc kỹ sẽ thấy thực ra các câu chữ đều được tính toán và điều tiết một cách cực kỳ chu đáo. Không chỗ nào bị viết quá lên, đồng thời những gì cần phải đề cập đến thì đều rất chu toàn. Những biểu đạt mang tính ẩn dụ bị giảm thiểu tối đa, song miêu tả lại chuẩn xác, sống động, màu sắc phong phú. Điểm xuất sắc nhất là, trong lời văn có thể cảm nhận được một thứ âm điệu tuyệt vời. Dẫu không đọc lên thành tiếng, độc giả vẫn có thể nghe thấy trong đó những âm vận sâu xa. Đây chắc chắn không phải là thứ văn chương một cô gái mới mười bảy tuổi đầu có thể viết ra được.

Sau khi chắc chắn điểm ấy, Aomame lại chăm chú đọc tiếp.

Nhân vật chính là một cô bé mười tuổi. Cô thuộc về một cộng đồng nhỏ được gọi là “Tập Thể” ở trong vùng núi sâu. Cha mẹ cô cũng sống chung trong “Tập Thể”. Cô không có anh chị em. Sinh ra chưa được bao lâu, cô bé đã được đưa đến nơi này, vì vậy cô hầu như hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài. Cả ba người trong gia đình đều bận rộn với những công việc thường ngày. Rất hiếm có cơ hội nhàn tản ngồi với nhau nói chuyện, nhưng họ rất hoà thuận. Ban ngày, cô bé đi học ở trường tiểu học địa phương, cha mẹ cô ra đồng làm việc. Nếu có thời gian dư dả, lũ trẻ cũng sẽ giúp cha mẹ làm một số việc đồng áng.

Những người lớn sống trong “Tập Thể” đều chán ghét hiện trạng của thế giới bên ngoài. Cứ hễ có cơ hội là họ sẽ nói, thế giới mình đang sống đây là một “thành lũy”. Một hòn đảo cô độc xinh đẹp trôi nổi giữa biển lớn mênh mông của “chủ nghĩa tư bản”. Cô bé không biết chủ nghĩa tư bản (có lúc họ cũng dùng từ chủ nghĩa vật chất) rốt cuộc là thứ gì. Cô chỉ dựa vào giọng điệu khinh miệt rõ rệt của mọi người khi nói ra các từ này để phán đoán rằng hình như đó là một thứ gì méo mó, đối ngược với tự nhiên và chính nghĩa. Cô bé được dạy rằng, đễ giữ gìn sự thuần khiết của xác thịt và tư tưởng, cô phải tuyệt đối không có quan hệ gì với thế giới bên ngoài. Nếu không, tâm hồn cô sẽ bị ô nhiễm.

“Tập Thể” do khoảng hơn năm mươi người cả nam lẫn nữ còn tương đối trẻ tập hợp lại mà thành, chia thành hai nhóm nhỏ. Một nhóm có mục tiêu làm “cách mạng”, nhóm còn lại thì hướng đến “hòa bình”. Cha mẹ cô bé có lẽ thuộc về nhóm “hoà bình”. Cha cô là người lớn tuổi nhất trong nhóm; từ khi “Tập Thể” ra đời, ông vẫn luôn đóng vai trò hạt nhân của tổ chức.

Dĩ nhiên, một cô bé mười tuổi không thể lý giải một cách rành mạch về kết cấu gồm hai nhóm đối lập nhau trong cùng một tổ chức này, cũng không thể hiểu hết sự khác biệt giữa “cách mạng” và “hoà bình”. Cô chỉ ấn tượng mơ hồ rằng “cách mạng” là lối suy nghĩ có hình dạng sắc nhọn, trong khi “hoà bình” là lối suy nghĩ có hình dạng hơn tròn. Lối suy nghĩ có hình dạng và màu sắc riêng của chúng, và cũng như mặt trăng vậy, có lúc tròn lúc khuyết. Đó là tất cả những gì cô lý giải được.

Cô bé cũng không biết gì về chuyện “Tập Thể” đã hình thành ra sao. Cô chỉ nghe nói, gần mười năm trước, khi cô mới ra đời chưa lâu, có một biến động lớn xảy ra trong xã hội, mọi người từ bỏ cuộc sống nơi đô thị, di cư đến vùng núi sâu tách biệt với thế giới bên ngoài. Hiểu biết của cô về thành phố không nhiều lắm. Cô chưa từng đi tàu điện, chưa từng đi thang máy, thậm chí còn chưa từng nhìn thấy tòa nhà nào cao quá ba tầng. Có quá nhiều điều cô không biết. Tất cả những gì cô hiểu được chỉ là những thứ ở xung quanh, có thể thấy bằng mắt, chạm bằng tay.

Mặc dù thế, đôi mắt luôn nhìn ở tầm thấp và giọng kể không hề hoa mỹ của cô bé vẫn miêu tả cái cộng đồng nhỏ được gọi là “Tập Thể” ấy một cách sinh động, tự nhiên: kết cấu và cảnh tượng ở đó, tập quán và cách suy nghĩ của những người sống trong cộng đồng ấy.

Tuy có sự bất đồng trong lối nghĩ của những người sống ở đó, song tình cảm đồng cam cộng khổ của họ rất mạnh mẽ. Họ có chung niềm xác tín rằng rời xa cuộc sống “tư bản chủ nghĩa” là một điều hay. Và mặc dù hình dạng và màu sắc của lối nghĩ có thể khác nhau, mọi người đều hiểu rõ rằng, nếu không sát cánh bên nhau, họ sẽ chẳng thể nào tiếp tục sinh tồn trên thế giới này. Cuộc sống của họ rất thiếu thốn. Hằng ngày mọi người đều lao động không ngơi nghỉ. Họ cày ruộng, trồng rau, trao đổi sản vật mình làm ra với dân làng sống gần đấy, bán đi sản phẩm thừa, cố tránh không sử dụng các hàng hoá sản xuất hàng loạt của nền văn minh công nghiệp, hầu như toàn sống giữa thiên nhiên. Khi bắt buộc phải sử dụng một đồ dùng điện máy, họ nhặt từ đống phế liệu về rồi tự tay sửa chữa. Quần áo họ mặc cũng hầu như toàn là đồ cũ do người khác quyên tặng.

Cũng có những người không thể chịu được cuộc sống thuần khiết nhưng khắc nghiệt này mà rời khỏi “Tập Thể”. Song cũng có người nghe danh họ tìm đến xin gia nhập. Số thành viên mới nhiều hơn số ra đi. Vì vậy, nhân khẩu của “Tập Thể” dần tăng. Đây là một xu thế tốt. Cộng đồng sinh sống trong một ngôi làng bỏ hoang, có nhiều nhà để trống, chỉ cần sửa chữa đôi chút là có thể ở được, và nhiều ruộng đồng có thể canh tác. Các lao động mới dĩ nhiên được cộng đồng hồ hởi chào đón.

Ở đây có khoảng tám đến mười đứa trẻ. Đa số chúng đều sinh ra trong “Tập Thể”, đứa lớn nhất chính là nhân vật chính của tiểu thuyết, cô bé kể chuyện. Lũ trẻ đi học ở trường cấp một địa phương. Ngày ngày bọn chúng cùng đi học và cùng trở về. Bọn trẻ không thể không đến trường cấp một đi học, vì pháp luật quy định như vậy. Vả lại, những người sáng lập ra “Tập Thể” cho rằng duy trì quan hệ tốt đẹp với cư dân địa phương là nhân tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn của cộng đồng. Tuy nhiên, bọn trẻ sống quanh vùng rất khó chịu với lũ trẻ ở “Tập Thể” nên thường hay xa lánh chúng, không thì bắt nạt chúng. Vì vậy, lũ trẻ ở “Tập Thể” hầu như luôn tập trung lại với nhau, tự bảo vệ mình khỏi những thương tổn thể xác cũng như “ô nhiễm” tâm hồn.

Ngoài ra trong “Tập Thể” cũng có một trường học riêng, mọi người lần lượt dạy học cho lũ trẻ. Trong số họ rất nhiều người có giáo dục rất cao, có người còn có cả bằng sư phạm, nên đây không phải là việc khó. Họ tự biên soạn sách giáo khoa riêng, dạy lũ trẻ đọc, viết và toán, ngoài ra còn dạy cả kiến thức cơ bản về hoá học, vật lý, sinh lý học, sinh vật học, giải thích sự cấu thành của thế giới. Trên thế giới có hai chế độ lớn đối nghịch lẫn nhau, “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng cả hai đều hàm chứa những vấn nạn sâu sắc, nên về đại thể có thể nói thế giới đang phát triển theo hướng không tốt. “Chủ nghĩa cộng sản” vốn ban đầu có tư tưởng xuất sắc với lý tưởng cao đẹp, tiếc rằng nó đã bị những “chính trị gia ích kỷ” lợi dụng khiến cho bị vặn vẹo sang một hình thái sai lầm. Bọn họ từng cho cô bé xem bức ảnh một tay “chính trị gia ích kỷ”. Người đàn ông có cái mũi to, để bộ râu đen rậm ấy khiến cô nghĩ đến chúa quỷ.

Ở “Tập Thể” không có ti vi, radio cũng chỉ được phép dùng trong những dịp đặc biệt. Báo và tạp chí cũng bị hạn chế. Những tin tức được cho là cần thiết sẽ được truyền đạt miệng ở Hội trường lúc ăn cơm tối. Mọi người hồi đáp lại mỗi tin tức nghe được bằng tiếng reo hò hoặc tiếng “hừ” hậm hực – tiếng “hừ” hậm hực có vẻ nhiều hơn gấp bội. Tất cả những gì cô từng nếm trải về truyền thông chỉ có thế thôi. Từ khi sinh ra cô chưa từng xem phim, cũng chưa bao giờ đọc truyện tranh. Chỉ có nhạc cổ điển là được phép nghe. Ở Hội trường có một bộ dàn âm thanh stereo và nhiều đĩa nhạc, chắc là nguyên một bộ sưu tập do ai đó mang đến. Những lúc rảnh, cô có thể đến đó nghe nhạc giao hưởng của Brahms, các bản piano của Schumann, nhạc dành cho đàn phím của Bach, hoặc âm nhạc tôn giáo. Đó là những phút giải trí quý giá của cô bé, cũng gần như là thú vui duy nhất của cô.

Nhưng rồi có một ngày cô bé bị xử phạt. Tuần đó, cô nhận nhiệm vụ chăm lo cho đàn dê nhỏ của “Tập Thể” vào mỗi sáng và mỗi tối, nhưng vì quá tải bài tập ở trường và công việc thường ngày khác nên một đêm nọ cô quên mất. Sáng sớm hôm sau, mọi người phát hiện ra con dê chột mắt già nhất đã chết, toàn thân lạnh cóng. Và cô bé phải nhận hình phạt, bị cách ly khỏi “Tập Thể” trong mười ngày.

Mọi người cho rằng con dê ấy có ý nghĩa đặc biệt, nhưng nó đã già lắm rồi. Có một thứ bệnh, tuy không ai biết là bệnh gì, đã bấu móng vuốt vào tấm thân già nua yếu ớt của nó, cho nên có người chăm sóc hay không thì cũng vậy, chẳng hy vọng gì con dê ấy khoẻ lại được. Sớm muộn gì nó cũng chết thôi. Nhưng hình phạt với cô bé không vì thế mà giảm nhẹ đi. Không chỉ vì cái chết của con dê, cô còn bị phạt vì lỗi lơ là nhiệm vụ được giao. Ở “Tập Thể”, cách ly là một trong những hình phạt nặng nhất.

Cùng với xác con dê, cô bé bị nhốt vào một căn nhà kho vừa cũ vừa nhỏ, bốn bức tường dày đắp bằng đất bùn. Căn nhà kho đất này được gọi là Phòng phản tỉnh. Những ai vi phạm quy định của “Tập Thể” đều được dành cho cơ hội phải tỉnh lại những sai lầm của mình ở đây. Trong thời gian chịu phạt, không ai nói chuyện với cô. Cô bé phải chịu đựng mười ngày hoàn toàn câm lặng. Một lượng nước và thức ăn tối thiểu được đưa tới, nhưng trong nhà kho vừa tối vừa lạnh, lại ẩm ướt nhớp nháp và ngập ngụa mùi toả ra từ xác con dê. Cửa bị khoá trái từ phía ngoài, cái bô vệ sinh đặt trong một góc nhà. Phía trên có một bức tường có khoét một cửa sổ nhỏ, ánh mặt trời hoặc ánh trăng từ đó chiếu vào. Nếu không có mây, cô còn có thể trông thấy vài ngôi sao. Ngoài ra không còn nguồn sáng nào nữa. Cô nằm trên tấm nệm trải trên sàn nhà bằng gỗ, quấn hai chiếc chăn len cũ kỹ, run rẩy qua đêm. Tuy đã là tháng Tư nhưng ban đêm trong núi vẫn rất lạnh. Khi màn đêm buông xuống, mắt con dê chết chớp chớp phát quang dưới ánh sao, khiến cô bé sợ, không thể nào ngủ được.

Đến đêm thứ ba, miệng con dê mở rộng. Cái miệng bị đẩy cho mở ra từ bên trong, và có những người nhỏ xíu lần lượt chui ra. Tổng cộng có sáu người. Lúc mới chui ra họ chỉ cao khoảng mười xăng ti mét. Nhưng vừa đặt chân xuống đất, họ liền như cây nấm mọc vọt lên sau cơn mưa, thoắt cái đã lớn lên. Nhưng rồi họ cũng chỉ cao khoảng sáu mươi xăng ti mét. Họ tự xưng là Người Tí Hon.

Giống kiểu “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, cô bé nghĩ. Hồi nhỏ cô từng được cha đọc cho nghe chuyện này. Có điều thiếu mất một người.

“Nếu cô cảm thấy bảy người tốt hơn, chúng tôi có thể đến bảy người,” một Người Tí Hon giọng trầm trầm nói. Dường như họ có thể đọc được ý nghĩ của cô bé. Sau đó cô đếm lại thì thấy họ không phải sáu người nữa mà là bảy. Nhưng cô bé không cảm thấy chuyện này kỳ quái cho lắm. Khi Người Tí Hon chui từ trong miệng con dê ra, quy tắc của thế giới đã thay đổi rồi. Từ sau khoảnh khắc đó, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

“Tại sao các người lại chui từ trong miệng con dê chết ra thế,” cô bé hỏi, đồng thời nhận ra giọng mình nghe lạ, kiểu nói chuyện cũng khác hẳn thường ngày. Chắc tại ba ngày liền không nói chuyện với ai nên mới thế.

“Bởi vì miệng dê biến thành đường hầm,” một Người Tí Hon giọng khàn khàn đáp. “Chúng tôi cũng vậy, mãi đến khi ra xong chúng tôi mới biết đó là một con dê chết.”

Một Người Tí Hon có giọng the thé nói: “Chúng tôi chẳng quan tâm. Dê, cá voi hay đậu Hà Lan cũng thế, chỉ cần là đường hầm là được rồi.”

“Cô đã tạo ra đường hầm ấy. Vì vậy chúng tôi thử một phen, xem nó thông đến đâu,” Người Tí Hon có giọng trầm trầm kia nói.

“Tôi đã tạo ra dường hầm ấy sao?” cô bé nói. Nghe vẫn không giống giọng của cô chút nào.

“Cô đã làm một việc tốt giúp chúng tôi,” một Người Tí Hon giọng rất nhẹ nói.

Mấy người còn lại lên tiếng biểu đồng tình.

“Chúng ta làm nhộng không khí chơi đi,” một Người Tí Hon có giọng nam cao đề nghị.

“Phải đó. Đằng nào cũng mất công đến đây rồi,” một người giọng nam trung nói.

“Nhộng không khí?” cô bé hỏi.

“Rút tơ từ trong không khí để làm nhà. Càng làm càng to,” Người Tí Hon có giọng thấp trầm nói.

“Làm nhà? Cho ai?” cô bé hỏi.

“Rồi cô sẽ thấy,” người có giọng nam trung nói.

“Đến lúc đó khắc biết,” người giọng trầm nói.

“Hô hô…” một Người Tí Hon khác hòa theo.

“Tôi giúp mọi người làm được không,” cô bé hỏi.

“Còn phải nói,” người giọng khàn khàn bảo.

“Cô đã giúp chúng tôi một chuyện tốt. Chúng ta cùng dệt thôi,” Người Tí Hon giọng nam cao nói.

Khi đã quen rồi thì rút tơ từ trong không khí không phải chuyện khó lắm đối với cô bé. Cô vốn khéo tay nên thoáng cái đã nắm bắt được kỹ xảo một cách thành thục. Nhìn thật kỹ sẽ thấy trong không khí nổi trôi các loại tơ đủ màu sắc và hình dáng. Chỉ cần muốn thấy thì tự nhiên sẽ thấy.

“Đúng đúng, chính thế đấy. Làm vậy là được,” Người Tí Hon có giọng rất nhẹ nói.

“Cô rất thông minh. Học rất nhanh,” người giọng the thé lên tiếng.

Bọn họ mặc quần áo giống hệt nhau, gương mặt cũng như đúc từ một khuôn ra, chỉ có giọng nói là khác biệt rõ rệt.

Quần áo những Người Tí Hon này mặc là những thứ hết sức bình thường có thể thấy ở bất cứ đâu. Nói thì nghe kỳ quặc, nhưng không còn cách nào khác để mô tả. Một khi đã rời mắt đi chỗ khác, ta liền không thể nào nhớ nổi họ mặc quần áo gì. Gương mặt họ cũng vậy. Không xấu cũng không đẹp, là những bộ mặt có thể gặp ở bất cứ đâu. Một khi đã chuyển ánh mắt ra nơi khác, ta sẽ không thể nào nhớ nổi bộ mặt họ như thế nào. Đầu tóc cũng vậy, không dài cũng không ngắn, chỉ là tóc. Vả lại, bọn họ còn không có mùi nữa.

Khi bình minh đến, gà trống gáy vang, bầu trời phía Đông bắt đầu rạng lên, bảy Người Tí Hon dừng công việc lại, vươn vai vặn mình. Sau đó, họ giấu cái nhộng không khí màu trắng mới hoàn thành một nửa, to bằng con thỏ con vào trong góc nhà kho. Chắc là để người đưa cơm đến không trông thấy.

“Sáng rồi,” Người Tí Hon giọng rất nhẹ lên tiếng.

“Đã qua một đêm,” người giọng trầm thấp nói.

Cô bé nghĩ, họ có đủ loại giọng, vậy thì tổ chức luôn một đội hợp xướng cho rồi. “

“Chúng tôi không có bài hát nào cả,” Người Tí Hon giọng nam cao nói.

“Hô hô…” Người Tí Hon phụ trách bè kêu lên.

“Cũng như lúc đến, những Người Tí Hon thu nhỏ người lại đến khi chỉ còn cao khoảng mười xăng ti mét, xếp hàng chui vào trong miệng con dê chết.

“Đêm nay chúng tôi lại đến,” trước khi miệng con dê chết ngậm lại, Người Tí Hon giọng rất nhẹ ở bên trong nói với ra với cô bé. “Không được kể về chúng tôi với ai đâu nhé.”

“Nếu cô kể cho người khác biết về chúng tôi thì sẽ có chuyện rất tệ xảy ra,” người có giọng khàn dặn dò thêm một câu.

“Hô hô…” Người Tí Hon phụ trách bè kêu lên.

“Tôi không nói với ai đâu,” cô bé nói.

Dù mình có kể thì cũng chẳng ai tin. Cô bé từng nhiều lần bị người lớn xung quanh trách mắng vì tội nói ra suy nghĩ của mình. Họ thường bảo cô không biết phân biệt giữa hiện thực và tưởng tượng. Hình dạng và màu sắc của tư tưởng cô dường như rất khác những người còn lại. Cô bé không hiểu mình có gì không đúng. Nhưng dù gì đi nữa, chuyện về Người Tí Hon tốt nhất là không nên kể với ai.

Sau khi Người Tí Hon biến mất và con dê khép miệng lại, cô bé tìm kiếm một hồi lâu ở chỗ họ giấu cái nhộng không khí song không sao tìm được. Họ đã giấu rất khéo. Không gian chật hẹp như vậy thế mà cô không thể nào tìm được. Họ có thể giấu vào đâu nhỉ?

Sau đó, cô bé cuốn người vào trong chăn và ngủ thiếp đi. Đã lâu lắm rồi cô không có giấc ngủ nào yên bình như vậy: không nằm mơ, không tỉnh giấc giữa chừng. Cô ngủ ngon đến lạ.

Cả ngày con dê chết vẫn đờ ra đó, thân thể cứng ngắc, con mắt đục ngầu trông như quả cầu thuỷ tinh. Nhưng mặt trời vừa lặn, bóng đêm phủ xuống gian nhà kho bằng đất, mắt nó liền lấp lánh phát sáng dưới ánh sao. Dường như ánh sáng ấy điều khiển cho miệng con dê mở lớn, rồi Người Tí Hon từ bên trong chui ra. Lần này ngay từ đầu đã có bảy người.

“Chúng ta tiếp tục việc hôm qua thôi,” Người Tí Hon giọng khàn khàn nói.

Sáu người kia lên tiếng tán đồng, mỗi người theo một cách riêng.

Bảy Người Tí Hon và cô bé ngồi quanh nhộng không khí, bắt tay làm tiếp công việc, rút những sợi tơ trắng trong không khí, quấn thêm vào kén nhộng. Họ hầu như không nói chuyện, chỉ lẳng lặng tập trung làm. Lúc chuyên tâm vào đôi tay không ngừng chuyển động, cô bé không còn cảm thấy hơi lạnh của đêm. Cô hầu như không cảm nhận được thời gian trôi đi, không thấy chán hay buồn ngủ. Kén nhộng cứ thế to dần lên, chậm chạp, nhưng có thể nhận ra bằng mắt thường.

“Càng lớn càng hay,” Người Tí Hon giọng the thé đáp.

“Đến một cỡ nhất định nó sẽ tự vỡ ra,” người có giọng nam cao vui vẻ nó.

“Và sẽ có thứ gì đó chui ra,” giọng nam trung mạnh mẽ vang lên

“Thứ gì?” cô bé hỏi.

“Cái gì sẽ chui ra?” Người Tí Hon giọng nhỏ nhẹ nói.

“Cứ chờ sẽ biết,” Người Tí Hon giọng trầm thấp nói.

“Hô hô…” Người Tí Hon phụ trách bè kêu lên.

“Hô hô…” sáu Người Tí Hon còn lại đồng thanh phụ họa.

Văn phong của cuốn tiểu thuyết toát lên một cảm giác tăm tối kỳ dị mà rất đặc biệt. Aomame khẽ nhíu mày lại khi phát hiện ra đặc điểm ấy. Đây là một câu chuyện giàu màu sắc mộng ảo, như truyện cổ tích, nhưng sâu bên dưới nó có một dòng chảy ngầm mạnh mẽ mắt thường khó có thể nhận ra. Từ trong những câu chữ ngắn gọn mộc mạc, Aomame có thể nghe ra dư âm chẳng lành của dòng chảy ấy. ̉n chứa trong đó là sự u ám báo hiệu rằng bệnh tật sắp đến, một thứ bệnh chết người lặng lẽ đục ruỗng tinh thần con người từ bên trong. Và kẻ mang thứ bệnh tật này đến chính là bảy Người Tí Hon như một đội hợp xướng kia. Đích thực có cái gì không lành mạnh ở đây, Aomame nghĩ. mặc dù vậy, trong giọng nói của họ Aomame vẫn nghe ra thứ gì đó rất gần với mình, thân thuộc đến mức gần như là số mệnh.

Aomame ngẩng đầu lên khỏi sách, nhớ lại những gì Lãnh Tụ nói về Người Tí Hon trước lúc chết.

“Từ thời viễn cổ, chúng ta đã luôn sống chung với họ rồi. Từ thuở thiện và ác vẫn còn chưa tồn tại, từ thuở ý thức của con người vẫn còn ở trong bóng tối.”

Nàng tiếp tục đọc sách.

Người Tí Hon và cô bé tiếp tục làm việc, mấy ngày sau nhộng không khí đã lớn bằng một con chó to.

“Ngày mai là hình phạt kết thúc, tôi sẽ phải ra khỏi đây,” lúc trời sắp sáng, cô bé nói với Người Tí Hon.

Bảy Người Tí Hon im lặng nghe cô nói.

“Vì vậy tôi không thể cùng làm nhộng không khí với các bạn nữa rồi.”

“Tiếc quá,” Người Tí Hon giọng nam cao nói, với vẻ hết sức tiếc nuối.

“Cô giúp được chúng tôi bao nhiêu là việc,” người giọng nam trung lên tiếng.

Người Tí Hon giọng the thé nói: “Nhưng nhộng cũng sắp làm xong rồi. Chỉ thêm một chút xíu nữa là đủ.”

Người Tí Hon xếp thành hàng, nhìn chằm chằm vào cái nhộng không khí đã làm trong nhiều ngày, như thể đang đo kích cỡ của nó.

“Còn thiếu một chút nữa thôi,” Người Tí Hon giọng khàn khàn nói, như đang lĩnh xướng một nhịp đơn của dân chài.

“Hô hô…” Người Tí Hon phụ trách bè kêu lên.

“Hô hô…” sáu người còn lại phụ hoạ theo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.