201 Câu Hỏi Hay Nhất Có Thể Đặt Ra Cho Nhà Tuyển Dụng

CHƯƠNG 6: CÂU HỎI CHO CÁC NHÀ “SĂN ĐẦU NGƯỜI”, ĐẠI LÝ TUYỂN DỤNG VÀ MÔI GIỚI VIỆC LÀM



ĐÂY LÀ NHỮNG NGƯỜI TRUNG GIAN QUAN TRỌNG ĐƯA BẠN ĐẾN VỚI CÔNG VIỆC BẠN MONG MUỐN

Các tay “săn đầu người” và những nhà tuyển dụng có thể sẽ là những người bạn tốt trong quá trình tìm việc làm của bạn. Họ có thể giới thiệu bạn cho hàng tá những nơi có nhu cầu tuyển dụng. Họ có thể tư vấn cho bạn cách viết sơ yếu lý lịch và các kỹ năng trả lời phỏng vấn. Thường thì họ còn có thể tiếp cận với những thông tin phản hồi về bạn mà những người chủ kinh doanh hiếm khi tin tưởng để tiết lộ cho các ứng viên riêng lẻ.

Nhưng hãy nhớ một điều là những nhà tuyển dụng này không trực tiếp nhận bạn vào làm. Họ chỉ là trung gian, làm tăng thêm giá trị cho khách hàng bằng cách chọn lọc và giới thiệu những ứng viên đủ tiêu chuẩn. Chứng nhận của họ ít khi đóng vai trò quan trọng. Nếu họ đề cao bạn, bạn có nhiều cơ hội được nhận vào làm hơn. Nhưng bản thân những nhà tuyển dụng không thể cho bạn công việc . Chỉ khách hàng của họ (các ông chủ) mới có thể nhận bạn vào làm.

Đại lý tuyển dụng trả trước hoặc trả sau

Có 2 loại đại lý tuyển dụng: đại lý tuyển dụng trả sau và trả trước. Một số đại lý trung gian có thể thực hiện cả hai chức năng này. Nhưng nhìn chung, trung gian tuyển người trong trường hợp bất ngờ (đại lý tuyển dụng trả sau) chỉ được trả công nếu họ giới thiệu được một ứng viên chấp nhận công việc. Còn đại lý tuyển dụng trả trước thì vẫn nhận được thù lao cho dù họ có giới thiệu được ứng viên hay không nhưng họ thường kiếm được nhiều tiền hơn khi họ giới thiệu được những ứng viên có năng lực.

Chính vì thế cả 2 loại đại lý tuyển dụng này đều thích bạn, hoặc ít nhất họ cũng tin rằng bạn làm được việc. Họ muốn tiến cử bạn cho khách hàng của họ. Họ muốn khách hàng cũng công nhận rằng bạn đúng là có năng lực như họ tin tưởng ở bạn. Họ chỉ nhận được thù lao khi có đủ 3 điều kiện: Một, khách hàng chấp nhận bạn vào làm; hai, bạn chấp nhận công việc; và ba, bạn thành công trong công việc đó – hoặc ít nhất là bạn cũng trụ lại với công việc đó trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là 3 tháng đến 1 năm. Vì thế, nếu bạn có đủ năng lực cần thiết, họ sẽ làm mọi việc có thể để đưa bạn đến với công ty và đưa công ty đến với bạn.

Mức độ và nội dung của cuộc phỏng vấn với những nhà tuyển dụng thường khác với các ông chủ. Trong một số trường hợp, bạn sẽ không hề được biết tên công ty mà nhà trung gian đại diện cho đến khi nhà tuyển dụng cảm thấy thỏa mãn với năng lực của bạn. Bạn có thể hỏi những người đại lý tuyển dụng này những câu hỏi vốn không thích hợp để hỏi các ông chủ. Chẳng hạn như các câu hỏi về tiền bồi thường, thường thì bạn sẽ khó đề cập với các ông chủ, nhưng lại rất thích hợp để hỏi người đại lý tuyển dụng.

Vì vậy, chiến lược đưa ra câu hỏi cho người môi giới tuyển dụng và “săn đầu người” gồm 2 phần:

• Thể hiện rằng bạn có đủ năng lực cho công việc và sẽ sẵn sàng làm việc nếu

được nhận.

• Thu thập những thông tin quan trọng mà bạn không thể trực tiếp lấy được từ công ty.

Những nhà tuyển dụng còn có một đặc điểm rất hay nữa là họ đại diện cho hàng chục, thậm chí trong một số trường hợp là hàng trăm công ty. Cho dù cơ hội này có qua đi nhưng nếu bạn để lại ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng, họ sẽ nhớ tới bạn và sẽ nghĩ ngay tới bạn khi có công việc tuyển dụng khác.

25 CÂU HỎI HAY NHẤT BẠN CÓ THỂ ĐẶT RA

CHO CÁC NHÀ “SĂN ĐẦU NGƯỜI”, ĐẠI LÝ TUYỂN DỤNG VÀ CÁC TRUNG GIAN GIỚI THIỆU VIỆC LÀM

6-1

Làm thế nào ông biết về tôi?

Các nhà “săn đầu người” ghét nghe câu hỏi này, nhưng dù sao bạn cũng phải hỏi, vì câu trả lời sẽ cho bạn biết nguồn thông tin nào (các trang tìm việc làm, mạng lưới, hay các dịch vụ) có thể mang lại cơ hội xứng đáng hơn trong quá trình tìm việc làm của bạn.

6-2

Đây là công việc ông làm đại lý tuyển dụng theo kiểu trả sau hay trả trước?

Câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa người đại lý tuyển dụng và ông chủ (khách hàng) của họ. Nói chung thì các trung gian (retainer) có quan hệ mật thiết hơn với khách hàng, và sự chứng nhận của họ về bạn cũng có trọng lượng hơn.

6-3

Ông đang làm việc với người phụ trách nhân sự của khách hàng hay ông liên hệ trực tiếp với người quản lý?

Đừng ngại hỏi. Bạn muốn biết người đại lý tuyển dụng này có ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng mà. Một cuộc tìm kiếm nhân sự trong đó đại lý tuyển dụng được liên hệ trực tiếp với người quản lý thường đem lại cơ hội nhận được việc làm cho bạn rất lớn.

6-4

Ông đã làm việc với công ty khách hàng này bao lâu rồi?

Câu hỏi này giúp bạn biết được người đại lý tuyển dụng có biết rõ về công ty khách hàng hay không. Hãy tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài giữa người đại lý và công ty khách hàng.

6-5

Cá nhân ông đã giới thiệu bao nhiêu ứng viên cho công ty khách hàng này rồi?

Hãy tìm người đại lý tuyển dụng nào có kinh nghiệm thành công lâu dài với khách hàng, hay thậm chí tốt hơn là với nhà quản lý. Người đại lý tuyển dụng cần hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để có thể xác định liệu bạn có phù hợp với vị trí tuyển dụng, với nhóm cộng tác, và với văn hóa doanh nghiệp hay không. Nếu nhà tuyển dụng chưa từng giới thiệu được ứng viên nào cho công ty, có thể họ thực sự không có sẵn công việc hay vị trí nào cho bạn. Điều họ đang làm chỉ là lôi kéo ứng viên để có thêm dữ liệu cho những công việc tuyển dụng sau này của họ mà thôi.

6-6

Hãy kể cho tôi biết tại sao ông lại chọn nghề tuyển dụng?

Không chỉ người đại lý tuyển dụng đang chọn lọc bạn, hãy cho họ thấy rằng bạn cũng đang chọn lọc họ. Hãy tìm hiểu thêm kỹ năng và kinh nghiệm của họ trong nghề tuyển dụng. Nếu người đại lý tuyển dụng đó mới chỉ có chưa đầy 2 năm kinh nghiệm, thì chứng tỏ họ vẫn còn đang trong quá trình học nghề.

6-7

Đến khi nào tôi mới được biết tên công ty khách hàng?

Mối quan hệ giữa người đại lý tuyển dụng và ứng viên cần được xây dựng trên cơ sở tin cậy, chân thực và tôn trọng lẫn nhau. Hầu hết các đại lý tuyển dụng sẽ cung cấp cho bạn thông tin về khách hàng ngay sau khi họ giới thiệu lý lịch của bạn tới khách hàng đó. Nếu nhà tuyển dụng không đồng ý với những điều khoản trên, bạn nên yêu cầu họ giải thích lý do tại sao họ phải giữ kín thông tin và sau đó quyết định xem bạn có muốn người này đại diện cho bạn để tìm việc nữa hay không.

6-8

Có thể cho tôi một bản mô tả công việc cụ thể hay không?

Có lẽ văn bản này không tồn tại, và cho dù có loại văn bản này thì bạn cũng không thể xin được; nhưng vẫn cứ nên hỏi. Nếu bạn nhận được một thứ gì đó liên quan, những thứ đó sẽ có thông tin quan trọng về các kỹ năng cần thiết, trách nhiệm, và có lẽ có cả khoản bồi thường khi nghỉ việc nữa. Ít nhất bạn cũng cần biết chức vụ và mức độ của vị trí mà bạn đang ứng cử.

6-9

Địa điểm làm việc ở đâu?

Bạn cần phải biết liệu công việc này có phù hợp với những yêu cầu về địa lý của mình hay không.

6-10

Trụ sở chính của công ty này ở đâu?

Bạn muốn biết liệu bạn có được làm ở trụ sở chính hay làm ở một chi nhánh. Trong trường hợp làm ở chi nhánh, bạn sẽ muốn biết nếu làm ở xa, bạn có cơ hội thăng tiến trong tương lai hay không.

6-11

Công việc này đòi hỏi tôi phải báo cáo với ai? Chịu trách nhiệm trước ai?

Bạn cần biết tên, hoặc ít nhất là chức vụ của cấp trên.

6-12

Anh có thể cho tôi biết tác phong quản lý của người lãnh đạo điều hành tôi không?

Bạn muốn có thông tin về người sẽ hướng dẫn bạn trong công việc càng nhiều càng tốt.

6-13

Tại sao vị trí công việc này còn để ngỏ?

Bạn muốn biết chi tiết về vị trí này. Đây có phải là vị trí mới hay không? Nếu không thì chuyện gì đã xảy ra với người tiền nhiệm? Anh/cô ta bỏ việc? Nếu vậy thì tại sao?

Hay là anh/cô ta được thăng chức?

6-14

Điều gì xảy ra với người trước đây giữ chức vụ này?

Hãy tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy người giữ chức vụ này trước đây đã được thăng tiến trong công ty.

6-15

Đây có phải là vị trí công việc mới hay không?

Nếu đó là vị trí công việc mới, điều này cho thấy công ty đang phát triển.

6-16

Vị trí này để ngỏ bao lâu rồi?

Câu hỏi này cho bạn biết được cơ hội của bạn và mức độ đắt giá của vị trí này. Nếu vị trí này đã bị bỏ ngỏ hơn 3 tháng thì hẳn phải có điều gì đó không ổn. Bạn cần tìm hiểu về vị trí này hoặc về công ty tại sao vị trí này lại khó kiếm người đảm nhận đến vậy.

6-17

Ông bắt đầu tìm kiếm nhân sự cho hợp đồng này từ bao lâu rồi?

Nếu người đại lý tuyển dụng cũng phải mất hơn 3 tháng để tìm người cho vị trí công việc này thì điều này quả là đáng nghi ngờ. Bạn cần tìm ra nguyên nhân của nó.

6-18

Mức lương công việc này là bao nhiêu?

Trong khi được những người phụ trách nhân sự hay quản lý tuyển dụng phỏng vấn, việc bạn đề cập vấn đề lương và bồi thường trước khi người phỏng vấn nêu ra là một điều tối kỵ. Còn trong trường hợp này thì câu hỏi kiểu này lại hoàn toàn chấp nhận được. Chẳng có lý do gì để phí phạm thời gian của nhau nếu yêu cầu của bạn và cấu trúc lương của vị trí này không phù hợp với nhau.

6-19

Tôi có phải tính đến những khoản giới hạn về lương hay bồi thường nào không?

Câu hỏi này cho phép người đại lý tuyển dụng nói về mức lương sàn và lương trần cho vị trí này. Một số người đại lý tuyển dụng được chỉ đạo là không giới thiệu cho công ty khách hàng những ứng viên yêu cầu mức lương cao hơn mức công ty chấp nhận được. Trong trường hợp như vậy, bạn cũng cần được biết.

6-20

Ông có thể cho tôi biết qua về người sẽ phỏng vấn tôi hay không?

Nếu người đại lý tuyển dụng đề cử bạn, bạn cần biết đôi điều về người tiếp theo sẽ phỏng vấn bạn.

6-21

Hãy cho tôi biết vị trí, chức vụ và tác phong quản lý của người phỏng vấn tiếp theo của tôi?

Bạn muốn biết người tiếp theo phỏng vấn bạn là “người gác cổng” hay là người có quyền tuyển dụng thực sự.

6-22

Ai sẽ là người đưa ra quyết định tuyển dụng cuối cùng?

Nếu câu hỏi trước không mang lại cho bạn những thông tin cụ thể mà bạn cần, hãy hỏi thẳng câu hỏi này.

6-23

Sau khi ông giới thiệu lý lịch của tôi, khi nào tôi sẽ nhận được thông tin về tình trạng của công việc đó?

Hãy đề đạt với người đại lý tuyển dụng nguyện vọng được thường xuyên cập nhật thông tin về vị trí ứng cử của bạn. Bạn cũng nên đề nghị người đại lý tuyển dụng thông báo cho bạn nếu có những cơ hội nghề nghiệp khác và xin phép bạn trước khi giới thiệu bạn đến những khách hàng khác. Câu hỏi này cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một tay chuyên nghiệp.

6-24

Ông có thể mô tả chi tiết phương thức công ty cân bằng các vấn đề giữa công việc và đời sống cá nhân không?

Câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu thêm về mức độ say mê công việc trong công ty.

6-25

Những điều gì vi phạm đến văn hóa công ty trong cuộc phỏng vấn?

Mô tả văn hóa doanh nghiệp là việc rất khó nhưng đặt câu hỏi thế này giúp câu trả lời dễ hiểu hơn nhiều và giúp bạn tránh được những sơ suất vi phạm đến văn hóa công ty.

5 cách để những người đại lý tuyển dụng đứng về phía bạn

Chúng ta ai cũng cần tận dụng mọi sự giúp đỡ có thể. Mối quan hệ thân thiết với một đại lý tuyển dụng chuyên nghiệp có thể giúp bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp. Bạn có thể tiến hành tạo lập niềm tin bằng cách làm theo những nguyên tắc sau. Hãy nhớ rằng chủ doanh nghiệp sẽ trả tiền cho những người đại lý tuyển dụng. Nhưng đó là vị thế hai bên cùng có lợi. Họ có lợi khi giới thiệu được cho bạn một công việc mà bạn chấp nhận. Vì vậy hãy:

1. Đề cập ngay nhu cầu và mục tiêu tài chính của bạn.

2. Bỏ thời gian tìm hiểu thói quen của người đại lý tuyển dụng và những thị trường mà anh/cô ta hoạt động.

3. Đặt ra những quy luật nền tảng về việc bạn dự định làm việc cùng nhau và tránh tổn hao nỗ lực như thế nào.

4. Đưa ra tên của những ứng viên có thể phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng sẽ cảm kích mà sắp xếp nhiều cuộc phỏng vấn hơn cho bạn.

5. Những nhà tuyển dụng luôn muốn bạn thành công. Hãy đề nghị họ hướng dẫn bạn trong những cuộc phỏng vấn do họ sắp xếp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.