284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

CẦM BÁ THƯỚC



   Cầm Bá Thước người dân tộc Thái, sinh năm 1857 tại chòm Lùm Lưa, xã Điền Lư, tổng Trịnh Vạn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Dòng họ Cầm Bá Thước từng giữ chức cai tổng, tính tình hào hiệp, thương yêu dân. 

   Năm 1883 ông được cử giữ chức Bang biện hai châu Thường Xuân và Lang Chánh. Khi Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn thành lập “Phấn nghĩa quân” ông nắm trong tay nguồn tài sản quý là quế Thanh, ông đã bán lấy tiền giúp Phấn nghĩa quân mua vũ khí, lương thực. 

   Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Tân Sở, Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương, Cầm Bá Thước khi đó là một tù trưởng trẻ, mới 27 tuổi, đã lập tức hưởng ứng. Ông đã lấy ngay xã Điền Lư quê mình làm nơi tụ nghĩa mà trung tâm là Mường Kho. Điền Lư trở thành căn cứ quân sự, trung tâm kháng chiến chống Pháp ở miền núi, trung du Thanh Hoá. Cầm Bá Thước rất có uy tín trong đồng bào Thái, Mường, Việt ở miền Tây -Thanh Hoá. Vì vậy ông vừa xướng nghĩa, trai tráng trong vùng đã đem vũ khí gia nhập rất đông. Nhân dân các dân tộc miền Tây Thanh Hoá tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm, tiền bạc làm quân lương. Nghĩa quân Cầm Bá Thước phát triển nhanh chóng địa bàn hoạt động không chỉ ở Thường Xuân, Lang Chánh mà còn lan sang Ngọc Lặc, Như Xuân (Thanh Hoá). Ông phối hợp với nghĩa quân Lang Văn Thiết, Lang Văn Hạnh ở phủ Quỳ Châu (Nghệ An) đánh Pháp. 

   Tháng 10/1885 quân Pháp kéo đến đánh, ông chỉ huy nghĩa quân đánh bại các cuộc tấn công của giặc Pháp. Tháng 11/1885, Cầm Bá Thước chủ động đem quân tấn công quân Pháp ở đồn Bái Thượng. Sau các trận đánh thắng trên, thanh thế nghĩa quân Cầm Bá Thước ngày càng vang dội. Ngày 12/3/1886, nghĩa quân Cầm Bá Thước phối hợp với nghĩa quân Đinh Công Tráng, nghĩa quân Tống Duy Tân nghĩa quân Trần Xuân Soạn, nghĩa quân Lê Khắc Tháo đánh tỉnh thành Thanh Hoá, chiếm Toà công sứ, đánh bị thương tên phó sứ và tên quan hai. Sáng hôm sau quân Pháp và quân triều đình hợp lực phản công, nghĩa quân đánh trả tiêu hao thêm một số quân địch rồi rút khỏi thành phố. Trên đường rút, nghĩa quân tiến công huyện lỵ Đông Sơn, tịch thu ấn triện, đốt sổ sách rồi thả tù phạm, tước vũ khí của quan quân rồi rút lui an toàn.

   Giữa năm 1886, Cầm Bá Thước tham gia hội nghị Bồng Trung. Các thủ lĩnh nghĩa quân trong tỉnh giao trách nhiệm cho ông xây dựng Trịnh Vạn thành một căn cứ vững chắc. Hội nghị cũng đã thống nhất chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các căn cứ với nhau, chi viện cho nhau khi bị quân Pháp tấn công, tạo thành thế trận liên hoàn, khép kín. Ở hội nghị Bồng Trung trở về, Cầm Bá Thước khẩn trương xây dựng căn cứ Trịnh Vạn.

   Do bị quân Pháp vây ép, Cầm Bá Thước phải chủ động bỏ Trịnh Vạn rút về cứ điểm Cọc Chẻ để bảo toàn lực lượng. Ông xây dựng thêm nhiều hào luỹ, đồn trại, giành lại thế chủ động, đem quân tấn công các đồn lẻ của địch. Nhưng thời gian này giặc Pháp tập trung đông quân để tiêu diệt nghĩa quân của ông; Tình thế không cho phép ông kéo dài cuộc chiến đấu, ông phải rút vào rừng núi giáp với Nghệ An, xây đồn trại, lập căn cứ mới ở Hòn Bòng, xã Xuân Lệ, huyện Thường Xuân. Lực lượng nghĩa quân phục hồi nhanh chóng, từ tháng 2/1895 nghĩa quân liên tục phục kích, tập kích táo bạo vào các cánh quân Pháp đi càn quét. Giặc Pháp tung quân truy kích ráo riết, ngày 13/5/1895, Cầm Bá Thước sa vào tay giặc Pháp ở bản Cà. chúng tìm mọi cách mua chuộc để ông làm tay sai cho chúng, khống chế nhân dân. Ông vẫn kiên cường không khuất phục. Chúng xử tử ông khi ông mới 37 tuổi.

   Cách mạng tháng 8/1945 thành công, tên ông được đặt cho một huyện ở Thanh Hoá là huyện Bá Thước và nhiều đường phố khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.