284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
CHÁNH TÍNH
Nguyễn Đình Tính quê ở xã An Vĩ, tổng An Cảnh, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cả ba anh em ông đều gia nhập lực lượng khởi nghĩa của quan tuần huyện Đinh Gia Quế, ông được phong là Chánh đề đốc.
Chánh Tính chỉ huy nhiều trận đánh, có trận quân ta ở trong bãi sậy lực lượng ít, quân Pháp bao vây kín chung quanh, Chánh Tính cho đốt nhiều đống lửa nghi binh. Quân Pháp tưởng quân ta đông, không dám tấn công phải rút quân. Trong trận đánh quân Pháp càn quét vào làng Ngọc Nha, Chánh Tính đã cho quân nấp dưới cống, tiểu đội Pháp đi tới anh em xông lên diệt gọn cả tiểu đội thu vũ khí…
Nghĩa quân do Chánh Tính chỉ huy đóng ở xã Trung Châu (Khoái Châu), liên tiếp mở các cuộc tấn công vào quân Pháp gây cho chúng nhiều tổn thất.
Trong hoàn cảnh nghĩa quân bị địch vây ráp liên tục, gặp phải rất nhiều khó khăn, Chánh Tính đã tập hợp các tướng, đánh trả các cuộc tấn công của quân Pháp, bảo vệ được căn cứ Bãi Sậy phá tan âm mưu liêu diệt căn cứ Bãi Sậy của giặc Pháp và Hoàng Cao Khải.
Tháng 8/1885, Nguyễn Thiện Thuật về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Chánh Tính rất mừng vì cuộc khởi nghĩa đã có một thủ lĩnh tài giỏi lãnh đạo nên thực hiện ngay mệnh lệnh.
Dưới sự lãnh đạo của Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật, cuộc khởi nghĩa được phục hồi nhanh chóng và phát triển ra các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ gây cho quân Pháp nhiều tổn thất lớn. Ngày 12/8/1888 công sứ Hưng Yên Dalmas và tổng đốc Hoàng Cao Khải hạ lệnh cho lính về An Vĩ bắt Chánh Tính, không bắt được ông, chúng bắt 15 kỳ mục của làng.
Những trận đánh do Chánh Tính, chỉ huy diễn ra liên tiếp gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề.
Tháng 10/1890 Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc giao quyền Tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa cho Nguyễn Thiện Kế, lực lượng nghĩa quân suy yếu. Nhưng theo tài liệu của mật vụ Pháp thì Hai Kế vẫn còn bẩy thủ lĩnh chính trong đó có Chánh Tính, ông vẫn còn trên 200 quân, ba phần tư được trang bị súng bắn nhanh. Nghĩa quân của ông hoạt động mạnh mẽ ở Nam Hưng Yên, Nam Hải Dương gây cho quân pháp nhiều tổn thất lớn, đến nỗi chúng phải kêu lên “Hai toán còn lại tiếp tục chống cự là Đề Tính và Lãnh Điển. Hai toán này hoạt động ở phủ Khoái Châu và mỗi khi cần thiết lại vào ẩn nấp ở vùng Bãi Sậy, họ đã chống cự lại một cách hữu hiệu đối với các cuộc truy kích của binh đoàn”.
Nghĩa quân Chánh Tính hoạt động mạnh chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 6/1891 De Porto Carrero giám binh hạng nhất chết; ngày 27/6/1891 tên La Sage giám binh hạng nhì bị giết cùng nhiều lính Âu-Phi, lính Nam.
Sang tháng 7/1891 Chánh Tính bị đạo quân lớn của Hoàng Cao Khải không ngừng truy kích. Ông phải cùng các Lãnh binh Nguyễn Đình Xuyên, Nguyễn Đình Đề, Lãnh binh Ba Sành đưa 300 quân vượt sông Hồng sang Hà Đông để liên lạc với nghĩa quân của hai thủ lĩnh Đôn và Tây đang hoạt động ở vùng này.
Tháng 8/1891 quân Pháp truy kích Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính mãi không được cuối cùng nhờ tên Lãnh binh Lê Văn Vắn phản bội nghĩa quân đầu hàng Pháp bao vây mới bắt được. Sau khi bắt được ông chúng tiếp tục truy kích bắt được hai ông Lãnh Xuyên, Lãnh Đề. Chúng đưa ba ông về giam ở thành Hưng Yên. Ngày 21/8/1891 chúng xử chém ba ông (ngày 17 tháng 7 năm Tân Mão). Chúng vứt thây ba ông ở đâu không rõ, còn đầu ba ông chúng chôn ở trong thành, lấp đất, đặt kiềng lên trên đun và giao cho Đội Quý canh giữ.
Em gái Lãnh Đề tìm mọi cách không lấy được đầu ba ông sau phải nhận lời lấy Đội Quý, chuốc rượu cho Đội Quý và bọn lính gác say rượu rồi đào lấy đầu ba ông đem về An Vĩ, bí mật chôn ở vườn trầu không, lấy cành dâu làm xương rồi an táng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.