284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

CÔN PÚA



   Côn Púa, chưa rõ năm sinh, nhưng khi vua Hàm Nghi xuất bôn (7/1885) thì Côn Púa đến tuổi cưa răng (15 tuổi) đã theo cha là Ariay (già làng) đưa đường, bảo vệ, khuân vác vận chuyển đồ đạc cho đoàn xa giá từ Tân Sở, Cam Lộ ngược lên Mai Lĩnh.

   Khi ông phát động cuộc khởi nghĩa chống Pháp thì cả đồng bào Tà Ôi và Vân Kiều đều tham gia tích cực và đều coi ông là thủ lĩnh, là người của dân tộc mình.

   Giặc Pháp biến cái đồn nhỏ ở biên giới Việt Lào của triều đình mở rộng thành nhà tù Lao Bảo đày đọa những người chống Pháp chúng gọi là “quốc sự phạm”. Già làng Côn Púa đã cùng đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều giúp đỡ anh em lương thực, quần áo chăm sóc người ốm. Bà con còn đưa đường cho anh em tù “quốc sự phạm” sang tỉnh Savanakhét, nước Lào. 

   Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa Việt Nam. Côn Púa đã chỉ huy đội vũ trang sử dụng cung nỏ với những mũi tên tẩm thuốc độc tấn công giết sạch một toán lính Pháp. Côn Púa biết bọn Pháp sẽ đến đánh báo thù, ông liền huy động dân làng làm hầm chông, bẫy đá để diệt địch. Quân Pháp điều quân từ Đông Hà, Quảng Trị tấn công vào các làng Tà Ôi, Vân Kiều. Giặc đánh ráo riết. Côn Púa đưa dân làng vào rừng sâu dựng lũy cao, hào sâu làm hầm chông, cạm bẫy đánh Pháp. Côn Púa cũng cho đồng bào phát nương trên núi cao để sản xuất. Ông tập hợp các trai tráng thành đội vũ trang đánh giặc. Côn Púa phát động đồng bào Tà Ôi, Vân Kiều đứng lên đánh Pháp trên một vùng rộng lớn.

   Cuộc kháng chiến chống Pháp của người Tà Ôi, Vân Kiều do Côn Púa phát động từ Hướng Hóa lan nhanh tới A Lưới, đồng bào các dân tộc ở dọc đường số 9, đến các xã miền núi huyện Bến Hải ngày nay. Đồng bào người Việt ở Cam Lộ, Cùa cũng ủng hộ nghĩa quân Côn Púa.

   Mãi đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi già làng Côn Púa đã già yếu nhưng vẫn là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc Tà Ôi, thì có những toán quân Pháp chạy vào rừng. Côn Púa lập tức đưa đội vũ trang đến tiêu diệt toàn bộ toán quân Pháp thu vũ khí cùng quân trang.

   Tháng 8 năm 1945, đúng vào ngày 24 tháng 8 khi Việt Minh huyện Hướng Hóa lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa cướp chính quyền huyện, thì già làng Côn Púa dẫn đầu đội vũ trang của đồng bào Tà Ôi được trang bị cung, nỏ và súng cướp được của Pháp vượt rừng núi về tham gia cướp chính quyền.

   Cách mạng tháng Tám thành công, Côn Púa được bầu là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện. Ông vận động nhân dân Tà Ôi, Vân Kiều, Êđê trong huyện xây dựng cuộc sống mới, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở các xã. Toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, Hướng Hóa thành lập Đội biệt động đường 9. Côn Púa tuy đã già nhưng vẫn cùng các chiến sĩ trong đội võ trang năm xưa truyền lại kinh nghiệm xây dựng đơn vị, lập làng chiến đấu, chế tạo và sử dụng các loại chông, các loại bẫy đá… để diệt giặc Pháp.

   Năm 1947, Côn Púa quá già yếu (khoảng 78, 79 tuổi) đã mất. Chính quyền cách mạng, Mặt trận Việt Minh huyện, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Hướng Hóa vô cùng thương tiếc vị lão chỉ huy du kích trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, cách biệt với thế giới bên ngoài vẫn cống hiến cả cuộc đời dài 60 năm (1885 – 1947) cho cuộc kháng chiến chống Pháp, cho độc lập của dân tộc.

(Theo Danh nhân Bình Trị Thiên – NXB Thuận Hóa).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.