284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỖ PHÁT



   Đỗ Phát tự là Tử Tuấn, sinh năm Quý Dậu (1813) tại thôn Quần Anh, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

   Năm Canh Tý (1840) ông 28 tuổi, đỗ cử nhân. Khoa thi Hội năm Quí Mão (1843) ông 31 tuổi, đỗ tiến sĩ.

   Năm Mậu Thân (1848), Tự Đức nguyên niên, ông được bổ làm Tri phủ ở Ứng Hòa rồi thăng Đốc học Nghệ An. Sau thăng Tư nghiệp Quốc Tử giám. Không bao lâu, ông mắc bệnh, phải xin về quê nghỉ.

   Vào khoảng năm 1862, ông được cử làm Tham biện, chiêu mộ quân ra dẹp giặc dã ở Quảng Yên, bảo vệ vùng bờ biển và các đảo ở vùng Đông Bắc. Sang năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864), ông được thăng hàm Quang lộc Tự khanh, sung làm Toản tu ở Quốc sử quán. Sau ông xin vê quê ở Nam Định chiêu mộ dân khai hoang vùng ven biển và thành lập các đồn binh “hải phòng” bảo vệ bờ biển. Do ông làm tốt việc chiêu dân khai hoang lập trại ấp mới, quy hoạch đồng ruộng, kênh mương để dân ổn định cuộc sống, nên được thăng làm Hồng lô Tự khanh giữ chức Doanh điền phó sứ ở Nam Định kiêm Thương biện lo phòng thủ mặt biển.

   Khi các vùng dân cư mới được ổn định, các đồn “hải phòng” được thiết lập giữ việc đảm bảo an ninh, tuần tra vùng biển được thiết lập, ông được điều về kinh làm Tế tửu Quốc tử giám. Nhưng do sự ráo riết chuẩn bị xâm lược Bắc Kỳ của thực dân Pháp, chúng trang bị vũ khí cho nhiều toán thanh niên ở xứ đạo để hậu thuẫn cho chúng khi chúng đánh ra Bắc Kỳ, ông lại được điều ra Nam Định làm Doanh điền Phó sứ kiêm tuần phòng mặt biển. Ngày 21 tháng 10 năm Quý Dậu (10/12/1873), tầu chiến Pháp từ sông Vị Hoàng bắn đại bác vào cửa Đông thành Nam Định, do việc chuẩn bị phòng thủ không tốt, súng đại bác của giặc có sức công phá lớn, nên cửa thành Đông bị vỡ, quân Pháp tràn vào thành. Thành mất, vua Tự Đức đổ tội để mất thành cho các quan tỉnh Nam Định, các quan đều bị giải về kinh, riêng ông xin ở lại để ổn định tình hình, thu thập tàn quân, hợp lực với nghĩa quân chống Pháp, vua chuẩn cho.

   Ông đã cùng các quan trong phe chủ chiến và các thủ lĩnh nghĩa quân lập nhiều căn cứ chống Pháp trong tỉnh, đánh thắng quân Pháp nhiều trận. Ông đang cùng với các tướng lo đối phó với giặc Pháp thì triều đình Huế lại đưa vụ án để mất thành Nam Định ra nghị bàn. ông phải chịu phạt trượng và đi đầy. Con ông là Bình Thành xin chịu tội thay cha, vì thế ông chỉ bị cách chức, cho lập công chuộc tội. Ông một lòng vì nước, vì dân nên vẫn cùng các tướng phe chủ chiến và thủ lĩnh nghĩa quân, củng cố đồn lũy đánh giặc Pháp. Một thời gian sau, ông được khôi phục hàm Biên tu, lĩnh chức Dinh điền sứ.

   Năm Nhâm Ngọ, Tự Đức thứ 35 (1882) ông qua tuổi 70 xin về hưu được thăng chức Thị lang. Ông mất năm Quý Tỵ (1893), thọ 81 tuổi.

   Nhân dân ở những nơi ông chiêu dân lập ấp khai hoang ở Giao Thủy, Hải Hậu nhớ công ơn, lập đền miếu thờ ông.

   

(Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn 
– Lược truyện các tác gia Việt Nam do Trần Văn Giáp chủ biên).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.