284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỖ QUANG



Đỗ Quang còn gọi là Đỗ Tông Quang, tên chữ là Huy Cát, người làng Phương Điếm, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nay Phương Điếm thuộc xã Phùng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm Giáp Thìn (1808) trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm Mậu Tý (1828), khi ông 21 tuổi đỗ Hương cống khoa thi Hương năm Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng 13 (1832) khi ông 29 tuổi, đỗ Tiến sĩ, đứng hàng thứ nhất. Khi đỗ Tiến sĩ ông không ngồi kiệu, võng mà đi bộ về làng. Đỗ Quang lần lượt giữ các chức “Hàn lâm Trực học sĩ biên tu; Tri phủ Diễn Châu; Phúc khảo quan trường Gia Định, Lang trung bộ Công, Án sát sứ Quảng Trị. Năm đầu Thiệu Trị (1841) cất làm Thị lang bộ Công, lại đổi Trực học sĩ Viện Hàn lâm sung sử quán Toản tu. Năm Ất Tỵ Thiệu Trị thứ 5 (1845) chuyển Thị lang bộ Lại. Ông được sung làm Kinh diên giảng quan và tham gia duyệt quyển thi Đình. Năm 40 tuổi, thăng chức Tham tri bộ Lễ, Tự Đức năm đầu (Mậu Thân – 1848), được bổ làm thự Tuần phủ Định Tường.

Đỗ Quang làm quan nổi tiếng thanh liêm, ông thường xuống tận các thôn xóm tra xét bọn quan lại ức hiếp, chiếm ruộng của dân. Bọn quan lại, hào lý kinh hãi đem vàng bạc đến biếu, ông không nhận. Sau vì tầu ngoại quốc trốn thuế ông bị tội miễn quan. Hôm ông đi, dân khóc như mưa. Vua bảo: “Nghe tin Đỗ Quang ở Định Tường bị khứ chức, dân hạt ấy khóc như mưa, nếu không phải ngày thường được lòng dân sao có như thế”. Cho khởi phục làm Hàn lâm viện Trước tác rồi lãnh Án sát Nghệ An, lại chuyển Hồng lô Tự khanh, sau thăng Bố chính Nghệ An, cho cái án trước ở Định Tường phải di chuyển, bồi thường. Tổng đốc là Tôn Thất Cáp dâng sớ nói là người lương chinh xin miễn cho; xuống chế cho miễn, lại lãnh Bố chánh Nam Định. Năm Tự Đức thứ 9 (1856), đổi Quang tộc tự khanh, sung Biên lý bộ Lại, sung Kinh diên giảng quan. Vua khen cách giảng luận lời lẽ đơn giản tỏ rõ cùng với Tô Trân xấp xỉ ngang nhau, tiến Lại bộ Thị lang.

Năm Tự Đức thứ 13 (1860) ông là thự Tuần phủ Gia Định. Mùa xuân năm 1861, quân Pháp cử binh đổ bộ lên đánh. Quân ta ở các tỉnh và Đại đồn tạm thua. Lúc ấy Đỗ Quang đóng ở Biên Hòa vì chuyện này mà bị cách chức, nhưng vẫn được lưu dụng. Đỗ Quang bí mật sai người tới dụ các hào mục và sĩ dân ở Gia Định khuyên họ đứng ra mộ quân để đợi thời cơ. Mùa đông năm đó, quân Pháp vây hãm Biên Hòa, ông bèn tới Tân Hòa để cùng Phó Lãnh binh Trương Định đem quân đến chiếm giữ những chỗ hiểm yếu để chống cự  (Đại Nam chính biên liệt truyện, đệ nhị tập, quyển 31).

Tự Đức năm thứ 15 (1862), triều đình Huế nhu nhược, đầu hàng giặc, ký Hòa ước và lệnh bãi binh, điều ông về kinh đô Huế thăng chức Tham tri bộ Hộ, bổ ông giữ chức Tuần phủ Nam Định. Lần này ông khéo léo nhưng kiên quyết từ chối, đưa ra những lời lẽ yêu nước rất thắm thiết để phản đối triều đình cắt đất cầu hòa: “Ngày thần ra về, kẻ sĩ và nhân dân đón chật đường mà nói rằng: “Từ nay cha bỏ con, quan bỏ dân, quan về quan lại làm quan, còn dân thì không được làm dân của triều đình nữa”. Tiếng khóc nghẽn đường, thần cũng phải gạt nước mắt ra đi. Trộm nghĩ, thần tầm thường, kém cỏi, không tài cán, nhưng lần này quanh quẩn với dân vốn không dám nghĩ đến ngày được sống trở về. Nay thần được gọi về triều đình, còn nghĩa dân thì không được gọi về triều đình mà góp sức đóng của nữa, không biết đặt mình vào đâu. Như thế là thần trên phụ triều đình, dưới phụ trăm họ rõ ràng không thể chối cãi được. Nếu thần lại nhận chức ở Nam Định thì đối với nhân dân Gia Định biết nói sao đây? Đối với công luận thiên hạ, biết thế nào? Thần còn chút lòng biết xấu hổ nên cúi xin (Thượng hoàng) tha cho về vườn ruộng để cho hả cái nỗi phẫn oán của nhân dân và còn giữ được tiết liêm xỉ của kẻ hạ thần”.

Vua xem xong lời tâu, và cho triệu kiến dụ rằng: “Trẫm đã biết lòng nhà ngươi là Đỗ Quang, mà ngươi là Đỗ Quang cũng nên biết bụng trẫm, không nên như thế”. Tờ sớ giao cho bộ Các giữ. Gặp lúc quê mình ở Hải Dương có quân thổ khấu làm rối loạn, mẹ Quang và gia quyến phải lánh nơi khác, Tổng đốc Nam Định là Nguyễn Đình Tân dâng sớ kể tình trạng, vua sai hậu cấp cho rồi cho về thăm mẹ và cho bạc cùng thuốc men. Quang đón mẹ về làng, rồi liền đó cáo lệnh được chỉ hậu cho.

Mùa đông năm sau tới kinh, được thự Tham tri bộ Hộ, vua nói: “Đỗ Quang ngày nay đổi khác không như trước, và chí khí người trượng phu có nhầm lẫn về sáng như thu công về chiều, vậy ngày xây dựng công nghiệp còn nhiều, người chớ lấy đó mà nhụt chí, nên cố gắng lên”.

Tự Đức năm thứ 17 (1864), Quang làm thự Tuần phủ Bắc Ninh vào bệ từ. Vua dụ rằng: “Ngươi vốn có khí tiết, hễ gặp việc phần nhiều hay tranh chấp lý luận, nhưng việc có kinh, có quyền, không nên cố chấp, phải khả thủ thương lượng, châm chước mới được việc”. Rồi đổi thự Tham tri bộ Binh, kiêm Hữu phó đô ngự sử ở viện Đô sát, sung Tham tán quân vụ Hải An quân thứ, lại thự Tuần phủ Lạng Bình, rồi mắc bệnh xin giả hạn. Rồi có chỉ đổi Hộ Tuần phủ tỉnh Bắc Ninh. Vua bảo Đỗ Quang từ khi Nam Kỳ trở về đến nay, thường vin là bất tài, vô dụng, không từng làm được một việc gì, ý thường như bất mãn, muốn nghỉ việc về hưu, trẫm thường răn bảo, giao bộ theo chỉ, sức cho gấp chữa bệnh, để chóng khỏi tới nhận chức, rồi theo lời tới tỉnh Bắc làm việc.

Tự Đức năm thứ 19 (1866) việc ngoài biên đã cáo xong, lại dâng sớ trần tình xin nghỉ, được sắc ủy lạo lưu lại vào bảo: “ý trẫm gấp dùng người, mà ngươi cứ lấy tình riêng làm rườm tai ta mãi, lòng ngươi có yên không”. Lại gia cho ban thưởng và nói: “biết ngươi tình cảnh thanh bần nên ban cho”. Được hơn tháng, bệnh nặng thêm, cho về nghỉ, về đến nhà rồi chết, thọ 60 tuổi. Tin cáo phó tới tai vua, vua dụ rằng: “Đỗ Quang ra làm quan 30 năm có lẻ, thanh bạch, trung chính, chăm chỉ, cẩn thận, được tiếng trong ngoài, trước đây ở Nam Kỳ dẫu gặp gian nan vẫn giữ một tiết, kịp tham tán quân vụ ở Hải An tỏ có công lao. Hàng năm tới nay nhân ngoài biên có báo động nên đặc cách khởi phục còn trong khi có lệnh để vỗ yên nơi trọng khẩn, không ngờ lệnh thê ngày thêm, bèn cho nghỉ việc về làng. Ta vẫn nghĩ tới người, đương lúc cần dùng không may vội chết, thực là đau xót”, cho truy tặng Lễ bộ thượng thư, còn con đợi chỉ sẽ lục dụng, lại ban lộc cho mẹ để sinh sống và sai hữu tư thình tới hỏi thăm. Em Quang là Vinh cũng đỗ Hương tiến”. (Đại Nam chính liên liệt truyện).

Triều đình Huế ban chế rằng: “Cố Tuần phủ Đỗ Quang nổi danh khoa giáp, rạng rỡ hàng quan. Trong triều, ngoài triều, từng trải đã lâu, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, cần mẫn, thận trọng từ Nam ra Bắc mấy bận bôn ba, vất vả, tận tụy, khổ ải gian nan , người người ca ngợi”.

Ngoài các chức tước đã phong, nhà vua còn phong ông tước “Tự thiện đại phu”. Dân làng Phương Điếm lập đền thờ ông, sau tôn ông làm Thành hoàng, thờ cùng Nguyễn Chế Nghĩa (phò mã nhà Trần).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.