284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
ĐỐC ĐEN
Đốc Đen đánh úp các toán quân của triều đình do phe chủ hoà chỉ huy, lấy vũ khí. Ông còn tập kích vào các huyện lỵ Quỳnh Côi, Đông Quan, Phụ Dực, Kiến Xương. Đốc Đen liên hợp với các thủ lĩnh nghĩa quân như Đốc Nhưỡng ở Đô Kỳ, Lãnh Hoan ở Thọ Vực.
Phong trào kháng chiến chống Pháp ở Thái Bình lên mạnh và quyết liệt từ tháng 7/1885 sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn; hạ chiếu Cần vương. Tri phủ Hoàng Văn Hoè từ quan theo Tạ Hiện cùng Đốc Đen chiêu mộ quân đánh Pháp. Từ năm 1885 đến năm 1888, Đốc Đen hoạt động mạnh ở Thanh Quan, Đông Quan (Thụy Anh), lan sang cả Thần Khê.
Ngày 25/8/1888, Đốc Đen tập kích đồn Bình Cách (Đông Xá, Đông Hưng), Pháp phải đưa lính ở Thuỵ Anh tới cứu viện.
Đêm 23/11/1888, trong khi nghĩa quân Nam Định tiến công đồn Vụ Bản thì Đốc Đen chỉ huy 300 quân đánh vào đồn Thanh Quan, hai tên thiếu uý Đây véc giơ (Duvergé) và I luyếc xi (Illiercy) phải liều chết đốc thúc quân lính dưới quyền chống cự mới giữ được đồn.
Đêm 21/9/1889, quân Pháp cho tên Khải người cùng làng Đốc Đen chà trộn vào hàng ngũ nghĩa quân chỉ điểm. Đốc Đen phát hiện ra liền tương kế, tựu kế, cố tình để lộ việc mời các thủ lĩnh về nhà mình ăn uống, bàn cách đánh kho gạo Kiến Xương. Tên Khải thám thính được vội vàng báo cho Bùi Phụng, Tuần phủ Thái Bình và tên thiếu uý Rivière chỉ huy đồn Phụ Dực biết. Hai tên này vội vàng đưa lính đến làng Yên Lũ, Bùi Phụng thúc lính vây kín chung quanh làng, Đốc Đen cho số quân ít ỏi phục ngoài vườn còn mình và các tướng vẫn ngồi trên sập uống rượu. Rivière vừa vào tới sân thì nghĩa quân phục ở ngoài vườn nổ súng. Đốc Đen cầm mã tấu xông ra sân, chém cụt đầu tên thiếu uý Pháp. Tên Khải đi sau vội kêu lên: “Ối quan phủ ơi nó giết mất quan một rồi”. Hắn chưa dứt lời thì cũng bị nghĩa quân xông vào chém đứt đầu hắn như tên đồn trưởng Pháp rồi xách đầu hắn chạy. Bùi Phụng phải vượt qua lưới đạn của nghĩa quân để khênh cái xác không đầu của Rivière ra khỏi làng.
Trận đánh phá vây nổi tiếng uy danh Đốc Đen càng lừng lẫy, đích thân tên công sứ Nam Định Lamothe de Ranier lệnh cho phó sứ bố chánh Nam Định, từ phủ Thái Bình đem quân đi càn quét để bắt Đốc Đen.
Từ cuối năm 1889 , phong trào chống Pháp ở Thái Bình khó khăn, Tạ Hiện, Phạm Huy Quang, Bang Tốn hi sinh. Căn cứ Đô Kỳ của Đốc Nhưỡng, căn cứ Thọ Vực của Lãnh Hoan bị quân Pháp càn đi, quét lại nhiều lần. Quân Pháp sau khi phá vỡ các cuộc càn quét khác đã tập trung binh lực, bao vây, truy quét Đốc Đen. Tuy vậy ông vẫn khôn khéo tránh các mũi nhọn của địch, đánh nhiều trận tập kích, phục kích xuất sắc. Tiêu biểu như các trận cuối năm 1889, Đốc Đen chỉ huy nghĩa quân đánh một trận ác chiến với quân lính của tên quan phủ Kiến Xương. Tháng 1/1890, Đốc Đen chỉ huy nghĩa quân đánh một trận lớn ở phía bắc phủ Kiến Xương, ở chùa Tương An, Đốc Đen còn tấn công huyện đường Thư Trì.
Tháng 3/1890, Đốc Đen nhận được tin tên công sứ chở gạo từ Gia Định về để bán với giá cắt cổ cho dân bị mất mùa, ông phối hợp với quân của Lãnh Hoan, Đốc Nhưỡng đánh trận Bình Cách để cướp gạo.
Các hoạt động của Đốc Đen vang dội, Tạ Quang Hổ – con trai Tạ Hiện, Cả Tiến, con rể Phạm Huy Quang cùng về liên hệ, bàn kế hoạch tác chiến.
Để đối phó với quân Pháp tập trung quân mở các cuộc càn quét lớn vào các khu vực hoạt động của nghĩa quân, Đốc Đen chia quân thành những toán nhỏ, mặc quần áo của lính khố xanh, khố đỏ, hành quân giữa ban ngày tiến đánh các đồn bốt giặc, các lỵ sở của bọn quan phủ huyện làm tay sai cho giặc Pháp.
Tháng 11/1889, Đốc Đen phối hợp với các thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa ở Nam Định. Hưng Yên đánh phủ lỵ Kiến Xương và phủ lỵ Thư Trì. Các ông tập trung ở căn cứ của Lãnh Bí, tên chánh đội Phạm Biểu làm phản báo cho tri phủ Kiến Xương là Trần Thuỳ, tên này báo cho quân Pháp rồi đưa lính đến bao vây. Hai bên đánh nhau ác liệt từ chiều đến đêm, cả hai bên điều bị thiệt hại rồi cùng rút lui.
Tháng 12/1889, Đốc Đen chỉ huy nghĩa quân đánh thẳng vào huyện lỵ Thư Trì. Song quân triều đình đã được tăng viện lính và vũ khí chống trả dữ dội nên trận đánh không hiệu quả.
Năm 1890 , tỉnh Thái Bình mất mùa, Đốc Đen đánh úp các đoàn tải lương của quân Pháp. Ông cùng với Đốc Nhưỡng, Lãnh Hoan hợp quân đánh thẳng vào Bình Cách, phủ lỵ Thái Bình, các huyện lỵ Đông Quan, Thanh Quan, Kiến Xương. Nhưng kế hoạch bị lộ, tri phủ Bùi Bổng phi báo cho Pháp đưa quân đến bao vây. Cuộc chiến diễn ra ác liệt từ 9 giờ sáng đến hơn 4 giờ chiều. Lực lượng quân Pháp đông gấp nhiều nghĩa quân, Đốc Đen phải mở đường máu rút lui về chùa Trực Nội. Tên chánh tổng báo cho tri huyện thư Trì là Vũ Văn Trinh. Tên này báo cho quân Pháp bao vây chùa, Vũ Văn Trinh xông vào chùa bị Đốc Đen bắn liền chạy ra. Đốc Đen cùng mấy nghĩa quân bắn mạnh, mở đường máu xông ra ngoài, thì bị quân Pháp bắt được. Chúng giải ông ra Hà Nội cho tên Thống sứ Bắc Kỳ biết mặt rồi đưa ông về làng Yên Lũ chặt đầu để uy hiếp nhân dân. (Theo Thái Bình thông chí của Phạm Văn Thụ thì sau trận Bình Cách, Đốc Đen chạy về Trực Nội, huyện Thanh Quan và bị bắt ở một ngôi chùa do một nhà sư phản bội).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.