284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỐC NHÔNG



   Tháng 9 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật họp hội nghị các tướng và làm lễ tế cờ ở Văn chỉ Bình Dân, Khoái Châu. Nguyễn Văn Nhông, Tuần Khấu, ông Quân cũng được triệu tập về dự. Tại lễ Tế cờ, Nguyễn Thiện Thuật nhận được sắc của vua Hàm Nghi phong là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, gia chấn Trung tướng quân. Nguyễn Thiện Thuật phong cho Nguyễn Văn Long chức Chánh tuần huyện, ông Quân được phong là Đề đốc, Nguyễn Văn Nhông được phong là Đốc binh nên thường gọi là Đốc Nhông.

   Ngày 26/10/1884, Đốc Nhông có mặt trong trận đánh quân Pháp ở cầu Quan Âm, Bắc Lệ, Lạng Sơn. Đốc Nhông còn tham gia nhiều trận quân ta đánh Pháp ở Phủ Lạng Thương, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

   Sau khi dự lễ Tế cờ ở Văn chỉ Bình Dân về, Đốc Nhông góp phần tích cực cùng Chánh tuần Khấu chiêu mộ thêm nghĩa quân, trang bị vũ khí, quyên góp lương thực. Các ông cũng xây dựng xã Hương Lãng, xã Phượng Trì, xã Xuân Ao thành những làng chiến đấu.

   Trong khi các ông đang khẩn trương trang bị vũ khí, luyện quân thì nhận được tin bọn chỉ huy Pháp ở đồn Bần Yên Nhân đang ráo riết tập hợp quân ở các nơi để tấn công vào các căn cứ Hương Lãng, Xuân Ao, Phượng Trì. Đốc Nhông đưa ra ý kiến là phải đánh phủ đầu trước. Kế hoạch trên được Chánh tuần Khấu và Đề Quân nhất trí. Ngay tối hôm đó nghĩa quân tổng Thái Lạc làm lễ Tế cờ ở đình Chạ xã Hương Lãng, xuất quân đánh đồn Bần Yên Nhân. Trận này do Đề Quân trực tiếp chỉ huy, Đốc Nhông bảo vệ căn cứ.

   Cuối năm 1888, Nguyễn Thiện Thuật điều động 100 nghĩa quân tổng Thái Lạc do Đốc Nhông chỉ huy vào đội quân cơ động do Nguyễn Thiển Kế, Đề Vinh chỉ huy hoạt động ở Bắc Hải Dương, Nam Bắc Ninh.

   Tháng 10 năm 1890, nhận thấy tình hình trong nước khó khăn, Nguyễn Thiện Thuật giao binh quyền cho Nguyễn Thiện Kế rồi sang Trung Quốc mưu tính một cuộc vận động mới. Song tình thế đã khác, việc không thành, ông cũng không thể về nước được.

   Trong những năm tháng khó khăn đó, Đề Vinh, Quan Bá Học, Đốc Nhông vẫn giúp Nguyễn Thiện Kế duy trì được đội quân thường trực trên 300 người. Đội quân này cùng với các tướng Đề Ban ở Ân Thi, Đốc Cọp ở Kim Động, Đốc Sung, Lãnh Tháu ở Yên Mỹ, Chánh Tính, Lãnh Điển ở Khoái Châu duy trì cuộc chiến đấu. Một cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là 409 quân Pháp, trang bị vũ khí hiện đại, có đại bác yểm trợ, một bên là 70 nghĩa quân do Đề Vinh, Quan Bá Học, Đốc Nhông chỉ huy và khoảng 40 nghĩa quân làng Ngô Phần do Hai Dĩnh chỉ huy.

   Song nghĩa quân dựa vào hào lũy kiên cố đã bắn chết, làm bị thương hơn 10 tên Pháp. Quân Pháp nhận được quân tiếp viện từ Bắc Ninh do tên sĩ quan Pierrot, Feleppit, Vilian… kéo tới cùng hai khẩu pháo. Chúng tấn công ác liệt vào Ngô Phần. Nghĩa quân đợi chúng tiến sát lũy tre mới bắn, giết chết tên Desmot, bắn trọng thương giám binh Lambert cùng trên 20 lính Pháp, lính Nam. Song nghĩa quân cũng bị tổn thất, Hai Dĩnh cùng 30 nghĩa quân hy sinh. Đề Vinh, Đốc Nhông, Quan Bá Học quyết định đi ngược luồng đạn của giặc để thoát khỏi vòng vây. Đó là quyết định táo bạo và sáng suốt, vì nếu còn ở lại trong làng sẽ bị chết dưới làn đạn đại bác và đạn bắn thẳng của giặc. Nhưng cả 30 chiến sĩ trong đó có Đề Vinh, Đốc Nhông, Quan Bá Học, Am đều hy sinh. Song trong trận phá vây táo bạo này quân Pháp cũng bị chết năm tên trong đó có tên Montillion, bảy tên khác bị thương.

   Ba ngày sau xác của Đốc Nhông trôi lập lờ trên sông Bích Khê đổ ra cống huyện lỵ Cẩm Giàng đổ ra sông Cẩm Giàng. Những người dân ven sông vớt lên an táng trên bờ sông. Song sợ giặc khủng bố, họ đánh dấu bằng một tảng đá lớn, rồi đắp một cái mộ giả cách đó một quãng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.