284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

ĐỘI QUYÊN



   Đội Quyên tên thật là Lê Quyên, còn gọi là Lê Văn Quyên hiệu Đại Đẩu sinh năm 1859 tại làng Nội Yên nay thuộc xã Đa Phúc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình làm ruộng và thợ rèn. Ông cũng là một thợ rèn giỏi đã chế tạo được súng kíp.

   Năm 1885, Lê Quyên tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Ninh, người La Sơn, Hà Tĩnh lãnh đạo. Năm 1887, Lê Ninh mắc bệnh qua đời ở ngay căn cứ Cổ Ngư, Lê Quyên cùng với Lê Phất người làng Trung Lễ còn gọi là Kiểm Phất cùng các em Lê Ninh là Lê Khai, Lê Phác, Lê Trực gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng.

   Tướng quân Phan Đình Phùng biết hai ông Lê Quyên, Lê Phất là thợ rèn giỏi liền phân công về xưởng sản xuất vũ khí do Cao Thắng phụ trách. Lê Quyên đã cùng với Cao Thắng nâng cao chất lượng súng trường bắn nhanh theo mẫu súng 1874 của Pháp mà Cao Thắng đã sản xuất từ trước. Lê Quyên đã cùng Cao Thắng phải tôi thép qua nhiều công đoạn. Nòng súng được chế tạo bằng hai cách là dùng thép cây dựng ngược dùng sức nước khoan theo phương pháp cổ truyền. Phương pháp thứ hai được các ông sáng tạo là dát thép mỏng thành thép tấm nung đỏ quấn lại rồi rèn. Tuy vậy nòng súng các ông chế vẫn không làm được rãnh xoắn như của Pháp.

   Với phương pháp sản xuất thủ công và trí tuệ, những người thợ rèn của nghĩa quân Phan Đình Phùng đã chế tạo ra hàng trăm khẩu súng trường kiểu 1874. Lê Quyên được phong chức đội.

   Ngày 21/11/1893, Cao Thắng bị trọng thương rồi hy sinh trong trận đánh đồn Nu (nay thuộc xã Xuân Thành, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), thì Đội Quyên là người quản đốc sản xuất vũ khí, Lê Phất là trợ thủ của ông. Trong trận đánh đồn Quả Cảm năm 1895, Lê Phất hy sinh, một mình Đội Quyên phải gánh vác công việc sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho nghĩa quân. Ông còn phải tổ chức một đội quân mạnh để bảo vệ xưởng sản xuất vũ khí.

   Ngày 28/12/1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất vì bị bệnh nặng ở căn cứ. Quân Pháp thừa cơ đánh phá căn cứ. Đội Quyên cho chôn giấu các bán thành phẩm vũ khí, đốt xưởng rồi dẫn quân ra Đông Thành (Nghệ An) cùng Lãnh Ngợi tập hợp nghĩa quân tập kích các đồn binh Pháp, trừng trị bọn tay sai, bán nước.

   Khi Lãnh Ngợi hy sinh. Đội Quyên đã về Hà Tĩnh theo Lãnh binh Ngô Quảng nhưng không gặp. Ông ra Nam Đàn, Nghệ An tìm Phan Bội Châu. Ông Phan thấy ông là người có tài năng về quân sự, phân công ông gây dựng cơ sở chống Pháp ở Nam Đàn. Tại đây ông được sự giúp đỡ nhiệt tình của tú tài Hoàng Xuân Hành, cử nhân Vương Thúc Quý, đặc biệt là của cô Nguyễn Thị Thanh. Khi giặc Pháp truy lùng hai ông gắt gao nhất, cô Thanh đã đưa hai ông về nhà mình ở Kim Liên ẩn náu. Cô còn tìm nơi an toàn, bố trí người canh gác để ông mở lớp dạy võ cho thanh niên.

   Trong chuyến Đội Quyên về huyện Quỳnh Lưu vận động cách mạng thì bị giặc Pháp bắt. Bọn Pháp chưa biết ông là Đội Quyên – một người gây cho quân Pháp bao nỗi kinh hoàng nên chỉ giam tạm ở đồn Can Lộc. Ông đã thuyết phục viên quyền trưởng đồn cho mình trốn thoát.

   Năm 1904, Lê Quyên có mặt trong ngày thành lập hội Duy tân ở Quảng Nam do Phan Bội Châu, Nguyễn Thành chủ trương. Dự Hội nghị xong ông được phân công trở về Nghệ An làm công tác vận động tài chính cho hội, để đưa thanh niên đi Đông du.

   Năm 1905, Đội Quyên cùng Tú Ngô, Giám Hành tức Hoàng Xuân Hành, người làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, cử nhân Vương Thúc Quý người làng Kim Liên, cô Nguyễn Thị Thanh phát động phong trào Cần vương trong huyện. Lê Võ thực hiện chủ trương của Phan Bội Châu đã ra Bắc, lên Yên Thế thoả thuận với thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lập “đồn điền Tú Nghệ” ở Phồn Xương, đồng thời phát động phong trào chống Pháp ở Nghệ An, Hà Tĩnh để phối hợp với Yên Thế chống Pháp. Làm xong nhiệm vụ này, Đội Quyên về Nghệ An xây dựng căn cứ Bố Lư ở huyện Thanh Chương, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, vũ khí để khi khởi sự đã có sẵn thực lực.

   Năm 1912, do thắng lợi của Cánh mạng Tân Hợi (Trung Quốc), Phan Bội Châu giải tán Duy Tân hội thành lập Việt Nan Quang phục hội thì Đội Quyên và Nguyễn Thị Thanh lại chuyển sang hoạt động cho tổ chức Việt Nam Quang phục hội. Bằng kinh nghiệm chế tạo súng bắn nhanh khi cùng Cao Thắng tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, ông đã thành lập xưởng chế tạo súng bắn nhanh trang bị cho Quang Phục quân.

   Tại hội nghị các thủ lĩnh tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở Nghệ An – Hà Tĩnh đã giao cho Đội Quyên làm Tổng chỉ huy Việt Nam Quang Phục quân Nghệ – Tĩnh. Ông gấp rút xây dựng căn cứ kháng chiến ở Bố Lư, tích cực luyện tập các động tác chiến đấu, cách sử dụng vũ khí, đặc biệt là súng bắn nhanh cho thanh niên. Ông còn cho mở một con đường từ căn cứ Bố Lư tới biên giới Lào để khi gặp nguy hiểm có thể qua Lào thoát sang Xiêm La mà ông đã chuẩn bị. Trong một đợt đi công tác Đội  Quyên bị ốm phải nằm lại nhà bạn là Đặng Nguyên Cẩn ở Lương Điền thì bị bọn tay sai của giặc Pháp dò biết báo cho giặc Pháp đến bắt. Mặc dù bị ốm ông vẫn chống cự kịch liệt, giết chết vài tên bằng khẩu súng lục và giành một viên cho mình để tự sát vào đêm 20 tháng 8 năm 1917, hưởng thọ 57 tuổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.