284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
HOÀNG THỊ TÁM
Hoàng Thị Tám là con gái ông Hoàng Văn Phúc một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở Nam Quảng Bình. Tuy ít tuổi nhưng nhờ giỏi võ, mưu lược, cô trở thành một tham mưu tài giỏi của cha. Khi ra trận cô luôn đi hàng đầu, làm gương cho quân sĩ. Ông Hoàng Phúc hy sinh, nghĩa quân tan rã. Hoàng Thị Tám càng nung nấu chí căm thù giặc Pháp quyết trả thù cho cha và nghĩa quân đã hy sinh. Tới Hà Tĩnh cô thuê một căn nhà mở cửa hàng bán than tìm cách liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng.
Trong khi chưa tìm được chủ soái, cô nghĩ mình xa lạ, lại là phận gái không thể đứng ra chiêu tập nghĩa quân được, song cô có cách đánh riêng đó là làm binh vận. Cô gặp gỡ lính tập, trò chuyện, còn đãi đằng rượu thịt chúng, cô khơi gợi tình nghĩa vợ con, làng xóm đang phải sống lầm than, đất nước thì chìm đắm trong vòng nô lệ. Vậy ai gây nên cảnh đó, chính là giặc Pháp và vua quan bán nước. Cô khuyên họ bỏ súng về nhà, nếu có điều kiện thì đem súng lên rừng tham gia kháng chiến chống Pháp. Thấy cô qua lại trò chuyện, lại đãi đằng cả rượu thịt cho lính tập, dân phố tỏ ý khinh cô ra mặt. Song Tám vẫn bền lòng cam chịu chờ đến thời cơ. Lòng kiên trì của Tám đã đem lại kết quả là một số lính bỏ về quê quán, số khác đem súng lên rừng theo nghĩa quân. Số còn lại không chịu đi tập, đi hành quân đánh nghĩa quân. Giặc đổi số lính tập đó đi nơi khác, cho mật thám theo dõi Tám. Cô liền thuê thuyền tới Hương Sơn nơi có căn cứ của cụ Phan Đình Phùng. Phan Đình Phùng đã biết đến cô gái cắp gươm theo hầu cha từ năm trước khi ông vào gặp tướng Hoàng Phúc. Nhưng vốn là người thận trọng, cụ Phan cho rằng nếu chỉ có lòng căm thù giặc thì chưa thể đánh thắng giặc được, mà phải có tài cầm quân, có mưu lược, nên lưu cô lại đại bản doanh chờ thử thách.
Dăm ngày sau, người chỉ huy đội tuần tra về bẩm báo với Phan Đình Phùng là có khoảng 30 lính tập, vũ trang đầy đủ do một viên quản chỉ huy đến đóng ở ngôi miếu cách căn cứ khoảng 30 dặm. Hoàng Thị Tám tình nguyện xin đi bắt sống bọn lính đó, không tốn một viên đạn, chỉ xin đến ngày thứ ba ông Phan cho 20 nghĩa quân đem thừng đến miếu trói giặc. Tám rời căn cứ, đến cái chợ cách miếu khoảng mươi dặm, cô vào chợ mua quang gánh, nồi niêu, bát đĩa, rượu thịt. Ngay sau đó cô gánh hàng đến gốc đa gần ngôi miếu nơi bọn lính trú quân. Cô bán rẻ, lại nói cười có duyên nên chúng hả lòng, hả dạ. Hôm sau bọn chúng kéo đến đông hơn và đích thân tên quản bảo sáng mai cô đem nhiều rượu thịt vào hẳn trong miếu bán cho chúng. Đúng hẹn, Tám gánh hàng đến, nhưng chúng không thể ngờ rượu đã được bỏ thuốc mê. Cô vừa tới bọn lính đã xúm xít đứa dắt tay đứa kéo cô vào trong miếu. Cô Tám rót rượu cho tất cả mọi đứa, không bỏ sót một ai. Nhưng chỉ đến chén thứ ba, có đứa chưa hết chén thứ hai đã ngấm thuốc, đứa nằm, đứa ngồi gục đầu xuống gối ngủ mê mệt. Chính lúc đó 20 nghĩa quân xuất hiện trói chúng thu súng, dội nước lã cho chúng tỉnh rồi áp giải về căn cứ. Phan Đình Phùng đã khen ngợi cô và giao cho cô chỉ huy đội nữ trinh sát địch vận.
Khi đó Cao Thắng chế tạo được rất nhiều súng bắn nhanh theo kiểu 1874, Reminton của quân Pháp, song thuốc đạn thì hiếm. Hoàng Thị Tám lãnh trách nhiệm sang Xiêm La mua thuốc súng. Cô cùng đội nữ trinh sát, địch vận chuyển nhiệm vụ gánh muối, cá khô, quế thanh sang Xiêm bán, và nhờ những người Việt yêu nước ở Xiêm La mua thuốc súng để đội của cô chuyển về. Trong mấy năm đội của Tám đã chuyển về nước tới năm, bẩy ngàn cân thuốc súng cùng hàng ngàn hạt nổ.
Sau khi Cao Thắng hy sinh được ít lâu thì Phan Đình Phùng bị thương rồi mất, từ đó không ai biết cô Hoàng Thị Tám ở đâu, có người nói cô phẫn uất, lâm bệnh chết trong rừng, có người nói cô ở lại Xiêm. Nay thị xã Đồng Hới có một đường phố mang tên cô Tám.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.