284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

HOÀNG VĂN TUẤN



   Hoàng Văn Tuấn tên thực là Hoàng Văn Liêm, sinh năm 1825 tại làng Phú Khê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nay thuộc xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông học giỏi, sớm có lòng yêu nước. Năm Mậu Ngọ (1858), ông cũng tham gia đoàn quân học trò ở các huyện thuộc Nam Định và ở các huyện Thanh Liêm, Bình Lục thuộc Hà Nội do Phạm Văn Nghị tổ chức Nam tiến. 

   Năm 1873, quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… ông đã cùng các văn thân huyện Ý Yên chiêu mộ tráng đinh đánh Pháp và một số dân công giáo quá khích theo Pháp. Đội quân của ông đã giúp Phạm Văn Nghị giữ Phong Doanh, Ý Yên, đánh đuổi bọn phản động theo Pháp ra khỏi các huyện Thanh Liêm, Phủ Lý. Sau khi triều đình Huế và Pháp ký hòa ước, đội quân của ông truy quét bọn phản động theo Pháp không cho chúng tới cứu nguy cho bọn phản động đã chiếm huyện lỵ Lý Nhân đang bị Tuần phủ Hà Nội Phạm Thận Duật bao vây tiêu diệt. Sau Hòa ước triều đình xét thưởng những người có công thì Tự Đức tự tay viết tám chữ son tặng huyện Ý Yên: “Ý Yên tứ tú: Lý, Nghĩa, Tuấn, Phương”. (Ý Yên có bốn người giỏi (hay ông tú) Lý, Nghĩa, Tuấn, Phương). (Tú tài Phạm Lý ở xã Yên Hòa sau làm bang biện, Cần vương gia nhập khởi nghĩa Bãi Sậy; Tú tài Trần Vãn Nghĩa ở xã Văn Xá; Tú tài Hoàng Văn Tuấn ở xã Phú Khê; Tú tài Lê Văn Phương ở thôn An Hộ, xã Phú Khê).

   Phạm Văn Tuấn đỗ tú tài ba khóa liền, năm Bính Tý (1876), Tự Đức thứ 29, tại trường thi Thanh Hóa ông đỗ thủ khoa, năm 41 tuổi, được bổ làm Tri huyện Nam Xang, khi đó thuộc tỉnh Hà Nội. Ông thấy triều đình Huế liên tục ký những hiệp ước đầu hàng Pháp, dung túng bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo thả sức hoành hành, kéo nhau đi cướp bóc, tàn phá đình chùa, liền cáo quan, triều đình triệu nhiều lần cũng không ra.

   Năm 1882 quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Năm 1883 chúng tung quân đi đánh Nam Định và các tỉnh, Hoàng Văn Tuấn chiêu mộ quân khởi nghĩa, vận động nhân dân trang bị vũ khí, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. ông giữ chức bang biện, đã phân chia nghĩa quân thành cơ, ngũ, cử cai đội, suất đội cai quản, tổ chức huấn luyện kỹ thuật chiến đấu. Năm 1885 ông đã đem quân đánh chiếm lại được thành Phủ Lý. Cũng năm đó ông tổ chức đánh úp một đoàn thuyền giặc trên sông Đáy, chặn đánh bộ binh Pháp ở Bình Lương (Ý Yên). Ông đưa quân đi đánh tiếp ứng cho Bang biện Phạm Lý ở Yên Hòa (Ý Yên). Năm 1888 vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần vương ở các nơi tan rã dần. Quân Pháp cắt đặt quan lại đóng đồn binh ở Cổ Đan cùng tổng với xã Phú Khê, đem quân về đóng giữ đình Quán Chàm ở làng ông. Chúng cho quân đi càn quét nhiều nơi và bắt được ông, giam ở nhà lao Ninh Bình.

   Sau đó giặc Pháp kết án ông 10 năm phát vãng, chúng chuyển lên Hà Nội nhốt ông ở quán Thánh Trấn Võ, đợi ngày đưa đi Côn Đảo.

   Một người học trò cũ của ông là Cả Tương quê ở làng Nham Kênh trên bờ sông Đáy cứu được vợ chồng tên quan 5 người Pháp ở Sở Kiện. Hắn tỏ ý muốn đền ơn, Cả Tương bảo hắn: “Tôi với anh là kẻ thù, tôi có thể giết anh. Nhưng tôi cứu anh là để anh xin tha cho thày học của tôi là cụ Thủ khoa Hoàng Văn Tuấn”. Tên quan 5 nhận lời, đưa ông lên Hà Nội vận động mấy tháng ông mới được tha, nhưng bị chúng quản thúc. Khi bị quản thúc ông vẫn tỏ rõ khí phách căm thù giặc Pháp, một lần, tên hào mục ở nhà thờ Sở Kiện khoe Cố Phước (Puginier), cố Đông (Gendreau) ở Sở Kiện tài giỏi và cứng cổ. Ông ngắt lời bảo hắn: “Cổ cố đạo có cứng bằng gươm không?”. Tên kia chột dạ không dám đến nữa.

   Ông về làng được một năm thì mất, thọ 69 tuổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.