284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ CHÍNH



   Lê Chính còn gọi là Bang Hiền là con cụ Lê Đức có theo học chữ nho, nhưng không đi thi, ở nhà dạy học. Mặc dù theo học nghiệp văn, song ông chuộng cả văn lẫn võ. Do gia cảnh nghèo, nên mãi đến năm 1850 ông mới đỗ cử nhân khoa thi Hương ở Nam Định.

   Năm Kỷ Mão (1879) Lê Chính vào Huế thi Hội, thi Đình và đỗ Phó bảng.

   Lê Chính vốn nặng lòng yêu nước, trong thời gian ở Huế đã dâng biểu lên vua Tự Đức về chiến lược phòng thủ đất nước, về các chính sách kinh tế, phát triển công nghiệp, tu bổ đê đập, khơi sông ngòi, dẫn thuỷ nhập điền. Những bản tường trình của ông về các vấn đề trên được Tự Đức đưa ra viện cơ mật thảo luận, song không được thi hành.

   Cũng trong thời gian lưu lại kinh đô, ông đã được tiếp xúc với Tôn Thất Thuyết là một trong những người đứng đầu phe chủ chiến trao đổi về tình hình đất nước, đặc biệt về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh ở các địa phương. Tôn Thất Thuyết rất ủng hộ ý kiến của ông. Lê Chính quyết tâm đi theo con đường vũ trang đánh Pháp.

   Khi Tự Đức mất, Ưng Lịch nối ngôi, lấy hiệu là Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã cử ông về Thanh Hoá tham gia lực lượng kháng chiến do Trần Xuân Soạn tổ chức. Ông được cử giữ chức Bang biện quân vụ tổng Văn Trinh, huyện Quảng Xưởng. Ông đã thống nhất lực lượng vũ trang của các xã thành một lực lượng nghĩa quân thống nhất tổng Văn Trinh.

   Với nhãn quan của người đã từng nghiên cứu binh thư, ông đã chọn “Cồn Cá Gáy” rộng tới 18 mẫu có cây um tùm, chung quanh là ruộng chiêm trũng, nước ngập sâu để xây dựng cứ điểm.

   Căn cứ vào quân số có sẵn ở các xã trong tổng và địa hình, ông chia quân làm bốn đơn vị do thủ lĩnh nghĩa quân các xã chỉ huy đóng ở các chốt quan trọng như núi Văn Trinh, núi Hoà Trung, núi Đá Chẹt…

   Khi giặc Pháp từ Nghệ An đánh ra tỉnh Thanh Hoá, chúng bị nghĩa quân tổng Văn Trinh chặn lại tiêu diệt ở các cứ điểm trên. trong đó phải kể đến trận đánh ở núi Hoà Trường do Cử Lưỡng chỉ huy. Lê Chính bố trí quân trong đám cây cỏ rậm rạp ở bến sông Hoằng. Bọn giặc vừa từ ca nô lốc nhốc kéo lên bãi, nghĩa quân đồng loạt bắn tên tẩm thuốc độc giết chết nhiều tên. Trong khi bọn giặc hoảng loạn thì nghĩa quân nhất tề xông ra dùng mã tấu, đoản đao, kiếm đánh giáp lá cà giết chết gần hết bọn chúng. Bọn còn lại trên ca nô tháo chạy mặc những tên chết, những tên bị thương gào khóc.

   Trận này nghĩa quân thắng lớn, thu được nhiều vũ khí, quân trang. Giặc bị chết gần hết, xác phơi trên bãi, nổi lềnh bềnh trên sông Hoằng.

   Quân Pháp muốn tấn công tỉnh thành Thanh Hoá từ phía Nam nhất thiết phải san phẳng được các cứ điểm tổng Văn Trinh. Ngày 24 tết năm Bính Tuất (1886) quân Pháp huy động hàng trăm canô chở đầy lính theo sông Hoà Trường tiến vào. Lê Chính lệnh cho dân cư ở cồn Cá Gáy và các làng lân cận tản cư vào huyện Nông Cống, chỉ còn nghĩa quân ở lại. Ông bố trí trận địa mai phục và khôn khéo cải trang dẫn chúng tới trận địa phục kích rồi biến mất trong những bụi cây. Cũng lúc đó tên, đạn của nghĩa quân phục ở hai bên bắn ra cấp lập. Bọn giặc hốt hoảng tháo chạy.

   Sau trận này, quân Pháp càn quét liên tục vào tổng Văn Trinh, nhưng Lê Chính vẫn chỉ huy nghĩa quân hoạt động liên tục trong 10 năm, đến năm 1895 mới tan rã. Các đồng chí của ông như Đỗ Đức Mậu, Đốc Nhất, Cử Lưỡng hy sinh, ông rút lên miền núi cùng chiến đấu với Cầm Bá Thước. Khi ông Thước hy sinh, ông cải trang ra dạy học ở Hà Nam, mất năm 1922 thọ 98 tuổi. (Theo bài Đội nghĩa quân Văn Trinh trong phong trào Cần vương tỉnh Thanh Hoá cuối thế kỷ XIX của giáo sư Đinh Xuân Lâm, TCLSQS).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.