284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ NGỌC TOẢN



   Lê Ngọc Toản người xã Cổ Định (nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, trong một gia đình có thế lực trong vùng. Ông đỗ cử nhân được bổ nhiệm làm tri phủ Đoan Hùng (Phú Thọ). 

   Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, Lê Ngọc Toản hưởng ứng, bỏ quan về quê dấy nghĩa. Lúc đầu khi mới dựng cờ khởi nghĩa, ông xây dựng căn cứ ngay tại làng Cổ Định. Về sau ông xét thấy địa hình Cổ Định không có lợi thế về quân sự nên đã chọn Ngàn Nưa – nơi địa thế hiểm trở, xưa đã từng là căn cứ địa của Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh xây dựng căn cứ.

   Lực lượng nghĩa quân Lê Ngọc Toản có khoảng 200 người, đa số là tráng đinh các tổng Cổ Định, Lai Triều, Hữu Định, Đô Xá tham gia. Nghĩa quân huấn luyện tại triền núi Nưa hiểm trở, xa khu dân cư. Ông xây dựng đồn binh ở Ba Động và Sả Hèo nằm cách nhau 1 km. Bộ chỉ huy cũng đóng tại đây. Hai đồn này nằm trên trục đường nối liền hai tổng Cổ Định – Lai Triều, lại có đường thông tới các huyện Thọ Xuân, Như Xuân. Đồn tiền tiêu đóng ở làng Tương Định nay thuộc xã Tân Thọ án ngữ đường Cầu Quan – Quán Giắt.

   Bộ chỉ huy nghĩa quân đóng ở đồn Ba Động. Lê Ngọc Toản cử Lê Duy Tán làm quản binh, đảm trách nhiệm vụ huấn luyện, chỉ huy tác chiến. Lê Ngọc Toản rất coi trọng lương thực, ông cử Lê Xuân Trường là người quen biết rộng, có uy tín trong vùng làm Đốc vận quân lương.

   Hoạt động của nghĩa quân chủ yếu ở vùng Tây Bắc huyện Triệu Sơn (xưa thuộc Nông Cống) chủ yếu là đoạn đường từ Cổ Định đi Quán Giắt ra Cầu Thiều. Nghĩa quân thường xuyên quấy rối địch ở đồn Hoàng Lộc gần Quán Giắt, chặn đánh các toán quân do thám, tuần tiễu của giặc Pháp gây nhiều khó khăn cho việc lùng sục, càn quét của chúng.

   Cuộc khởi nghĩa của Lê Ngọc Toản chịu sự chỉ huy chung của bộ chỉ huy chung của tỉnh Thanh Hoá do Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn và Chánh sứ sơn phòng Tống Duy Tân chỉ huy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.