284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
LÊ TRUNG ĐÌNH
Lê Trung Đình sinh năm 1863 là con thứ sáu tiến sĩ Lê Trung Lượng, người làng Nhơn Phú, huyện Sơn Tịnh, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Lê Trung Đình có tướng lạ, hai lòng bàn chân cong lại không hề dính đất. Ông thông minh, lỗi lạc về văn chương, thơ phú và tính tình rất khí khái trong đối nhân xử thế. Năm Lê Trung Đình 15 tuổi đã thuộc làu kinh sử, giỏi đối đáp. Có lần Lê Trung Đình cùng cử nhân Trần Bá Võ, thủ khoa Điện ra Huế thi, ba người ngồi sát nhau. Các sĩ tử Nghệ An biết tiếng Lê Trung Đình liền cho hai cô gái người Nghệ An ra vờ thăm hỏi rồi ra vế đối:
“Tam nhân đồng toạ, thượng hạ lục đầu”
Cử Đình liền đáp:
“Nhị nữ song hành tung hoành tứ khẩu”.
Thơ Lê Trung Đình phần lớn mang tính trào lộng, đả kích. Song ông cũng có những bài thơ nồng nàn, đằm thắm yêu thương, như bài thơ: Giã vợ đi thi Hội:
Tên cỏ, cung dân vẫn chắc phần
Cực vi biển ái lại nguồn ân
Khúc đàn cầm sắt vui từng nhịp
Chén rượu quan hà nặng mấy cân
Trướng liễu dù vui xuân chín chục
Võ môn ai lướt sóng ba từng
Dặn lòng vàng đá, em đừng ngại
Chán biết hoàng châu mấy sắc xuân.
Song phần lớn thơ của ông mang khí tiết hiên ngang. Ông mượn cảnh thiên nhiên tái hiện cảnh sống lầm than cùng cực của nhân dân trước ách cai trị của giặc Pháp. Bài thơ cũng ý thức được trách nhiệm của “Trai thời loạn” và bày tỏ tâm sự của mình trong bài thơ Lụt:
Mưa từng chặp, gió từng hồi
Đoái lại giang san nước khoá rồi
Lũ kiến bất tài tha trứng chạy
Bầy rêu vô dụng kết bè trôi
Líu lo rừng vắng nghe chim hót
Lủm khủm giường cao thấy chó ngồi
Nỡ để dân đen chìm đắm bấy
Nào ông Hạ Võ ở đâu ơi!
Năm 1879 Lê Trung Đình dự khoa thi Kỷ Mão ở Bình Định, vì sơ ý để chữ “Nhất” (-) xuất vận nên bị đánh trượt. Năm thi Hương Nhâm Ngọ (1882), ông đi thi, cầm chắc đỗ Thủ khoa, nhưng chỉ được đỗ hạng nhì.
Sau hiệp ước Patơnốt(1884) Tôn Thất Thuyết đã soạn thảo kế hoạch đánh Pháp lâu dài. Ông biết Lê Trung Đình là người kiên quyết chống Pháp, nên ngay sau khi soạn thảo xong bản kế hoạch đánh Pháp lâu dài, ông đã mật giao cho Lê Trung Đình tập hợp những người có nghĩa khí ở tỉnh Quảng Ngãi lặng lẽ chuẩn bị lực lượng Hương binh để sẵn sàng đánh giặc Pháp. Lê Trung Đình trở về Quảng Ngãi cùng Nguyễn Tự Tân và các sĩ phu trong tỉnh thành lập Nghĩa hội Quảng Ngãi, tổ chức các đoàn kiệt và Hương binh.
Giờ Tý ngày 1 tháng 6 năm Ất Dậu (1885) Lê Trung Đình họp nghĩa quân ở chiến khu Truyền Tung (Bình Sơn) rồi kéo quân về chiếm tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Lê Trung Đình được cử làm Chánh quản Hương binh, Tú tài Nguyễn Tự Tân và Vũ Hội được cử làm Phó quản Hương binh, Nguyễn Văn Hoành được cử làm Thương biện.
Đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 Kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị lãnh đạo nhân dân đánh Pháp. Nhận được chiếu của vua Hàm Nghi, Lê Trung Đình đã liên lạc với Thành thủ uý Nguyễn Côn và Hiệp quản Trần Tư ở thành Quảng Ngãi tập hợp lực lượng chống Pháp. Nghĩa quân làm lễ tế cờ tại bãi cát Văn Thánh vào ngày 12 tháng 7 năm Ât Dậu rồi chia quân làm ba đạo vượt sông Trà Khúc tiến về tỉnh thành Quảng Ngãi. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, Lê Trung Đình bị bắt. Giặc Pháp tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc ông ra làm quan cho triều đình nhưng ông không khuất phục, chửi mắng chúng, Nguyễn Thân, Nguyễn Hội xử ông tội chết chém.
Lê Trung Đình bị tên Việt gian Nguyễn Thân xử tử ngày 18/7/1885, khi chưa tới 22 tuổi. Hiện nay mộ Lê Trung Đình vẫn toạ lạc ở ấp Phú Nhơn cách tỉnh lỵ 5 cây số về phía Đông Bắc. Con cháu cúng giỗ ông vào ngày 11 tháng 6 âm lịch.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.