284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ VĂN ĐIẾM



   Đề đốc Lê Văn Điếm quê ở xã Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ông tham gia giữ thành Nam Định.

   Đề đốc Lê Văn Điếm và các quan tỉnh phe chủ chiến, các thủ lĩnh nghĩa quân chăm chú theo dõi các hoạt động khiêu khích của quân Pháp và dân theo đạo Thiên chúa. Bất chấp lệnh bãi binh của triều đình, Lê Văn Điếm vẫn lệnh cho các đồn binh củng cố công sự, sẵn sàng chiến đấu. Trong chừng mực có thể, ông còn giúp vũ khí cho nghĩa quân, cử các Hiệp quản, suất đội có kinh nghiệm giúp các thủ lĩnh nghĩa quân huấn luyện quân sự cho tân binh.

   Trước thái độ tích cực chống Pháp của quan quân, nhân dân nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ. Tầu Carabin đậu ở sông Nam Định cứ đêm đến bị ném đá. Khi quân Pháp cho tầu chiếm ngã ba Độc Bộ cửa ngõ của tỉnh thành Nam Định, Lê Văn Điếm phán đoán quân Pháp sắp đánh chiếm Nam Định. Đến ngày 24/2/1883 H.Rivière tiếp nhận được binh lính và tầu chiến, hắn cho tầu chiến vào chiếm Sông Đào khống chế thành Nam Định.

   Quân dân Nam Định càng khẩn trương chuẩn bị đánh giặc. Người già, đàn bà, trẻ con được lệnh rời khỏi tỉnh thành. Ngày 10/3/1883, Henri Rivière gửi thư cho Thomson, Thống đốc mới ở Nam Kỳ xin cho đánh Nam Định. Ngày 23/3/1883, Henri Rivière chỉ huy quân lính đi trên các tàu chiến Carabin, La Hat sơ, Yatagăng, Tông Canh (Tonkin Kiang Nam và Oăm Poa) (Wampois) và một số thuyền theo sông Hồng về đánh Nam Định. Chúng tới Phủ Lý không bị cản trở, ở qua đêm tại đó rồi hành quân qua sông Đáy, Ninh Bình, không bị quân triều đình ngăn cản. Tới Vĩnh Trụ, thì tàu Pluvier đợi sẵn nhập bọn. Ngày 24/3 chúng tới ngã ba Độc Bộ có tầu Surprise đợi sẵn. Sáng ngày 25/3/1883, Henri Riviere gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Vũ Trọng Bình đòi nộp thành. Vũ Trọng Bình kiên quyết không giao, chúng liền bắn pháo giữ dội vào thành. Đề đốc Lê Văn Điếm cùng các tướng chỉ huy quan quân đánh bật nhiều đợt tấn công của giặc khiến chúng phải rút chạy về tàu.

   Sáng sớm ngày 27/3, tàu chiến Pháp bắn dữ dội vào cửa Đông, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đến trưa. Đề đốc Lê Văn Điếm chỉ huy vòng ngoài giữa vòng vây của giặc, xông pha lửa đạn chỉ huy quân lính đánh bật nhiều đợt xung phong của giặc. Xác chúng ngổn ngang trên đường. ông bị trúng đạn vào bụng, ruột lòi ra ngoài, ông lấy tay ấn vào, lấy khăn chít đầu quấn chặt lại, tiếp tục chỉ huy quan quân đánh giặc. Quân sĩ thấy chủ tướng bị trọng thương vẫn không rời trận địa, tất thảy đều hăng hái xông lên giết giặc. Đề đốc Lê Văn Điếm chiến đấu đến khi ngất xỉu, quân sĩ đưa lên ngựa chạy về cửa Tây tới Biên Dương thì chết. Quan quân đưa thi hài ông về Bồng Trung an táng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.