284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
LÊ VĂN TỐN
Lê văn Tốn sinh năm 1852, quê ở thôn Kinh Truật, nay thuộc xã Liên Sơn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ tú tài khi mới 18 tuổi. Noi gương Tam Đăng Phạm Văn Nghị, ông bỏ học văn theo học võ và tìm đọc các sách binh thư với mong muốn trở thành một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận chống Pháp.
Năm 1873 quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, Lê Văn Tốn đã chiêu mộ nghĩa quân xuống An Hoà tham gia nghĩa quân Phạm Văn Nghị đánh Pháp. Ông chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc được phong chức Bang biện. Tháng 2/1874, Triều đình Huế ký hoà ước với Pháp buộc thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa giải tán nghĩa quân, ông trở về quê. Ông biết dã tâm của bọn Pháp là thôn tính cả nước Việt Nam, trước sau chúng sẽ đưa quân ra đánh Bắc Kỳ lần nữa, nên không ngừng luyện tập võ nghệ và liên kết với hào kiệt trong vùng để khi đất nước có biến thì chiêu mộ quân đánh Pháp.
Năm 1882 quân pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai rồi đem quân đi đánh các phủ huyện (nay thuộc tỉnh Hà Nam ) Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình. Ông cùng các chiến hữu chiêu mộ quân đột kích quân Pháp và đánh bọn “giáo dũng” làm tay sai cho Pháp đi đánh chiếm các phủ huyện.
Sau trận 19/5/1883 tiêu diệt Henri Riviere ở Cầu Giấy, Đinh Công Tráng về Hà Nam, Nan Định phát động phong trào khởi nghĩa đánh Pháp thì Lê Văn Tốn cùng với tiến sĩ Ngự sử Lê Văn Mai lập tức đưa quân bản bộ đến gia nhập nghĩa quân Đinh Công Tráng.
Ông đã giúp Đinh Công Tráng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân quyên góp lương thực nuôi quân Lê Văn Tốn cũng là nhà quân sự đa mưu, túc kế, đã cùng tiến sĩ, ngự sử Lê Văn Mai, Cai Hành bầy mưu tính kế cho từng trận đánh, khiến cho nghĩa quân ra quân trận nào là thắng ròn rã trận đó như các trận ở Trang, Thông, Bưởi.
Trong trận nghĩa quân tiến đánh Kẻ Non là huyện lỵ Thanh Liêm do lực lượng quân Pháp mạnh lại có bọn “giáo dũng” tiếp sức Lê Văn Tốn bị quân Pháp bắt đưa về giam giữ ở Hà Nội. Trong thời gian ở tù, Lê Văn Tốn đã chiến thắng những lời dụ dỗ được ông, giặc Pháp đã dùng mọi cực hình tra tấn, song ông vẫn hiên ngang bất khuất, trơ như đá, vững như đồng ở nơi tù ngục ông đã làm bài thơ tỏ rõ ý chí của mình, của nghĩa quân:
Ở TÙ
Biết mấy năm nay tới tỉnh Ninh
Quan quân đón rước thật là vinh
Sớm trưa đủng đỉnh gông trên cổ.
Lính tráng canh giờ giáo cửa dinh
Tiêu tướng ngày xưa không khác tớ(*)
Chu Vương thưở nọ cũng như mình
Rồi ra mới hết thân là quý
Gặp gỡ tao mày thực thánh minh.
(*) Tức Tiêu Hà, thừa tướng của Hán Cao tổ, bị Cao tổ bắt tù. Văn Vương nhà Chu bị vua Trụ bắt đi tù).
Ngày 17/12/1886, giặc Pháp xử chém ông ở Hà Nội. Trên đường ra Pháp trường ông ung dung đọc bài thơ.
ĐỌC LÚC RA PHÁP TRƯỜNG
Ai ơi chớ nghĩ tớ là thường,
Nào đã công thần, đã bá vương.
Lính tráng đón đưa năm bảy lũ,
Tiếng tăm lững lẫy chín mười phương.
Lầu rồng, gác tía xênh xang ở.
Thẻ ngọc, đai vàng đủng đỉnh mang.
Thiên hạ ai ai là chẳng sợ,
Theo xem nô nức thật đầy đường.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.