284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ VĨNH HUY



Lê Vĩnh Huy tên thật là Lê Ngọc Cung, tự Vĩnh Huy, tên tục là Bang Tuyên hay Tán Hai. Quê quán làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Khi phong trào nghĩa hội Cần vương nổ ra, Lê Vĩnh Huy hăng hái tham gia. Ông được cử giữ chức Bang tá, sau thăng Tán lý Quân vụ thuộc Nghĩa hội Quảng Nam.

Năm 1886 sau khi Nguyễn Duy Hiệu chuyển ban Lãnh đạo Nghĩa hội đến Nà Lầu, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, ông Lê Vĩnh Huy trực tiếp chỉ huy một cánh quân chủ lực bảo vệ căn cứ và đại bản doanh. Quân Pháp và quân triều đình tiến đánh nhiều trận, Lê Vĩnh Huy đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy nghĩa binh phản kích, lập nên chiến thắng Nà Lầu, Dốc Miếu, Suối Đá.

Tháng 2 năm 1886, ông cùng tướng Hồ Học chỉ huy một cánh quân lớn, hợp đồng với cánh quân của Phan Bá Phiến tiến đánh tỉnh thành Quảng Nam đóng tại xã Vĩnh Điện (nay thuộc huyện Điện Bàn). Sau quân Pháp và quân triều đình phản công nghĩa quân núng thế, phải rút về căn cứ Quế Sơn, Tiên Phước, Trà My.

Cuối tháng 7 năm 1887, đại bản doanh nghĩa quân liên tục bị quân Pháp và quân triều đình đánh phá. Phan Bá Phiến, Nguyễn Duy Hiệu lần lượt hi sinh, phong trào nghĩa hội tan rã.

Một số thủ lĩnh nghĩa quân bị bắt, bị giết, bị đày ải trong các nhà tù. Ông và một số khác về quê nhà sống mai danh ẩn tích. Để tránh sự nhòm ngó của giặc Pháp và tay sai, ông ra làm Chánh tổng Tiên Giang, ngấm ngầm tán trợ cho các phong trào yêu nước.

Năm 1904, ông bí mật liên lạc với Tiểu La Nguyễn Thành gia nhập Duy Tân hội. Ông là một trong số người đầu tiên gia nhập tổ chức này. Ông cùng Nguyễn Thành gây dựng phong trào Duy tân ở Quảng Nam. Sau chuyến đi của Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ sang Nhật thì chủ trương cầu viện Nhật Bản để đánh Pháp bị bãi bỏ, thay vào đó là vận động thanh, thiếu niên sang Trung Hoa, Nhật Bản du học đào tạo nhân tài để về xây dựng đất nước.

Chủ trương này sau được gọi là phong trào Đông du. Theo sự phân công của tổ chức, Lê Vĩnh Huy phụ trách việc vận động đưa thanh niên sang du học tại Nhật Bản. Đây là một công việc rất khó khăn vì vừa vận động thanh thiếu niên du học, vừa lo công tác tài chính.

Trước khó khăn đó, Lê Vĩnh Huy đã cho em trai mình là Lê Quý Liên và hai con trai là Lê Triêm và Lê Duyên xuất dương ngay từ đợt đầu về tài chính, ông đã cống hiến một nửa tài sản (tiền bán quế, bán hồ tiêu, bán chè) của gia đình ông cho phong trào. Khi nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương thông đồng với chính phả Nhật trục xuất Phan Bội Châu và lưu học sinh Việt Nam khỏi Nhật, thì Lê Quý Liên cùng Lê Triêm, Lê Duyên về Trung Quốc, Xiêm La một thời gian rồi về nước tham gia cuộc khởi nghĩa ở kinh thành Huế năm 1916 do Thái Phiên, Trần Cao Vân chủ trương có vua Duy Tân tham gia. Chính Lê Triêm, Trần Hoành chỉ huy một cánh quân đánh chiếm đồn Trà Mv rồi tiến xuống thị trấn Tam Kỳ vàv bắt tri phủ Tam Kỳ Tạ Thúc Xuyên – một kẻ thân Pháp.

Cuộc khởi nghĩa năm 1916 thất bại, nhiều người trong gia đình Lê Vĩnh Huy bị bắt. Lê Triêm bị đầy đi Lao Bảo, bị thảm sát trong vụ tù chính trị do Hổ Bá Kiện và Lưu Thanh cướp ngục năm 1918. Lê Duyên bị đầy đi Côn Đảo, cháu ông là Lê Liễu cũng hi sinh năm 1916. Riêng Lê Vĩnh Huy bị bắt giam trong nhà lao Hội An khi cuộc khởi nghĩa 1916 bị đàn áp, ông hi sinh tại nhà lao ngay năm đó. Gia đình cha ông là Lê Vĩnh Khanh ở Tiên Phúc cũng có nhiều người bị bắt giam, bị tịch biên gia sản. Hiện nay ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh có đường phố mang tên Lê Vĩnh Huy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.