284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LINH MỤC KHÂM



Linh mục Khâm tên thật là Đặng Đức Tuấn, sinh năm 1805, người làng Gia Hựu, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Ông nổi tiếng hay chữ từ bé, nhưng năm 1825 đi thi không đỗ. Ông được các linh mục Pháp chọn đi học ở chủng viện Pơnay (Malaisia) trong 7 năm, ông trở thành linh mục lấy tên là Khâm. Ông nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều.

Ngày 1/9/1858, quân Pháp đánh bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, ngày 17/2/1859, quân Pháp đánh thành Gia Định. Ông bị triều đình nghi ngờ có liên quan với quân Pháp, nên bị triều đình bắt giải về Huế.

Tháng 9/1859, triều đình Huế giao cho bộ Lễ, phụ trách tuyển những người biết tiếng Pháp sử dụng làm thông ngôn, phiên dịch thì ông được tha. Cuối tháng 4/1862, linh mục Khâm được bộ Lễ cử làm phiên dịch cho phái đoàn của triều đình Huế do Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp làm chánh phó sứ vào Gia Định để ký hiệp ước ngày 9/5/1862.

Linh mục Khâm đã biết nhiều điều tai nghe, mắt thấy, kể cả việc giáo dân bị giết hại. Nhưng ông không mù quáng như một số linh mục và giáo dân đã tiếp tay cho giặc Pháp xâm lược Việt Nam, gây nên mối hận thù trong giáo dân và dân lương. Ông đã bày tỏ lòng yêu nước, lên án giặc Pháp cướp nước. Ông là người Thiên Chúa giáo đầu tiên ở Việt Nam vạch rõ giặc Pháp đã lợi dụng đạo Lành (đạo Thiên Chúa) để đẩy nhanh tốc độ xâm lược Việt Nam. Trong một bài “Tự tích việc đạo nước Nam văn”, sau khi kể các hành động tội ác xâm lược ông viết:

…Khéo là tội báo oan gia ,
Tính bề trục lợi khéo pha đạo Lành
Mượn câu giảng đạo làm danh
Làm cho giáo hữu tan tành phen ni
Làm cho nhà nước sinh nghi
Giam cầm đầu mục khinh khi đạo trời.

Khi đi học ở Malaisia và đi các nước khác và nghiên cứu các sách Tân thư viết bằng tiếng Pháp, dịch ra tiếng Hán, ông đã thấy nhiều nước như Nhật Bản, Malaisia, Hồng Kông, Ma Cao thuộc Anh của Trung Quốc đã có những cải cách kinh tế lớn theo phương Tây mà trở nên hùng cường. Năm 1862, ông đã gửi điều trần lên vua Tự Đức đề nghị cải cách kinh tế, văn hóa, quân sự như Nhật Bản để chống Pháp xâm lược. Những bản điều trần của Đặng Đức Tuấn sớm hơn các điều trần của Nguyễn Trường Tộ một năm. (Nguyễn Trường Tộ gửi bản điều trần đầu tiên là vấn đề tôn giáo ngày 29/3/1863).

Sau này Phan Bội Châu đánh giá “Đặng Đức Tuấn là một trong những người đầu tiên thắp sáng lên những mầm văn minh trên đất nước ta”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.