284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

MẠC ĐÌNH PHÚC



Mạc Đình Phúc tên thực là Nguyễn Khắc Tình, còn gọi là Khóa Tinh, Khóa Doãn, người làng Bình Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Ông là người có học, đỗ khóa sinh, từng làm tiên chỉ ở làng Bình Hà. Ông có quan hệ rộng với hàng lý dịch trong huyện và có hiểu biết về lính Pháp.

Từ năm 1881, khi Nguyễn Văn Cẩm lên 6 tuổi nổi tiếng thần đồng, được coi là Trạng Trình tái thế cứu nhân dân. Người khắp các tỉnh ở Bắc Kỳ, cả Thanh – Nghệ kéo đến làng Ngọc Đình xem mặt và thử tài. Trong dòng người đó có Nguyễn Khắc Tinh.

Tại đây, ông đã thấy rõ trí tuệ thông minh của Nguyễn Văn Cẩm trong lòng rất kính phục. Ông cũng kết thân với các nhà nho như cử nhân Bùi Tam Đồng huấn đạo huyện Duyên Hà, Phó bảng Trần Xuân Sắc, tri huyện huyện Tiên Lữ, cử nhân Nguyễn Bá Ôn, quê ở làng Nguyệt Lâm, huyện Kiến Xương, cử nhân Phan Cung quê ở Nam Định.

Từ đó Khóa Tinh thường xuyên đi lại với các nhà nho ở Thái Bình (khi đó còn là phủ Thái Bình, thuộc tỉnh Nam Định) và huyện Duyên Hà (khi đó thuộc Hưng Yên).

Sau khi Kỳ Đồng về nước và tổ chức một cuộc gặp mặt anh em, đồng bào, Mạc Đình Phúc trở về Thanh Hà gấp rút chuẩn bị cho sự ra đời của tổ chức Mạc Thiên binh. Ông triệu tập gấp cuộc họp với Nguyễn Văn Viễn, Phạm Ngọc Bài, Phạm Huy Thiện, Đội Khánh, Quản Hà phát động phong trào Mạc Thiên binh, Phan Cung cũng rời Nam Định sapg Thanh Hà với danh nghĩa thầy đồ đi mở trường dạy học để giúp Mạc Đình Phúc thảo hịch, mệnh lệnh, thư từ giao dịch với thủ lĩnh các tỉnh.

Mạc Đình Phúc giao cho Nguyễn Văn Viễn, Phạm Ngọc Bài, Phạm Huy Thiện phát triển lực lượng ở Hải Dương còn ông tới Hải Phòng, bí mật liên hệ với tri phủ Kiến Thụy Phạm Huy Du và các thủ lĩnh ở Kiến An như Lãnh Mộc, Tổng Tốn…

Tại Thái Bình, ngoài việc gặp gỡ chủ súy Nguyễn Bá Ôn, Mạc Đình Phúc thường đến chùa Lãng Động ở huyện Trực Định (Kiến Xương) bàn bạc với sư Thụ người chỉ huy quân sự cao nhất ở Thái Bình tuyên truyền chống Pháp. Ông phát cho nghĩa đảng của mình một thẻ tre có chữ Mạc Thiên binh.

Mạc Đình Phúc loan truyền tin, ông được trời cho chức “Mạc thị khâm sai trừ Tây, diệt Nguyễn” do đó ông có nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân chống Pháp, đánh đuổi, tiêu diệt chúng, lật đổ vua quan nhà Nguyễn. Phong trào Mạc Thiên binh từ Thanh Hà lan rộng ra các huyện.

Cùng với việc tuyển quân tại chỗ, Mạc Đình Phúc, Nguyễn Bá Ôn, Bùi Tam Đồng, Phan Cung… còn tích cực vận động người di dân lên Yên Thế xây dựng đồn điền chợ Kỳ cho Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, thực tế là để dự các lớp huấn luyện quân sự do Kỳ Đồng trực tiếp giảng dạy.

Pháp giao cho tri phủ Lê Văn Thức đánh dẹp nghĩa quân ở Thanh Hà. Sau khi Tuần Thức bắt được Mạc Đình Phúc, chúng giải ông về thị xã Hải Dương và xử tử ông vào ngày 29 tháng 12 năm 1897.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.