284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN DOÃN CỬ



   Nguyễn Doãn Cử, hiệu Bằng Phi sinh ngày 9 tháng 7 năm Tân Tỵ (1821), quê ở thôn Dũng Nghĩa, gần chùa Keo, nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

   Nguyễn Doãn Cử là người phóng khoáng không chịu gò mình trong khuôn phép sách vở, nên đi thi mấy năm liền không đỗ. Mãi đến khoa thi năm Giáp Tý (1864) khi ông đã 43 tuổi mới đỗ cử nhân. Triều đình bổ ông làm Huấn đạo huyện Thanh Ba, tỉnh Hưng Hóa. Ba năm sau thăng tri huyện Lập Thạch, Tri huyện Hải Lăng. Năm 1874, Nguyễn Doãn Cử được triều đình bổ nhiệm làm Tuần phủ Sơn – Hưng – Tuyên cùng các quan văn võ triều đình cử lên lo việc phòng thủ. Nguyễn Doãn Cử đã cùng các tướng tiễu phỉ, củng cố thành lũy, trang bị vũ khí mới, khai khẩn đồn điền, ổn định đời sống nhân dân và duy trì phép nước nghiêm minh. 

   Tháng giêng năm Tự Đức thứ 32 (1879), ông được triệu về triều làm giảng quan phủ Tôn nhân, thăng Hàn lâm viện Thị giảng, sung chức Biên tu Quốc sử quán. Bất chấp trước việc triều đình đầu hàng giặc Pháp, năm Tân Tỵ (1881), ông 60 tuổi, mượn cớ sức khỏe kém xin hưu trí.

   Đầu năm Quý Mùi (1883), Tổng đốc Vũ Trọng Bình làm sớ tâu với Tự Đức để Nguyễn Doãn Cử và Nguyễn Hữu Bản đưa hương binh vào giữ thành Nam Định. Sáng ngày 27/3/1883, quân Pháp từ tầu chiến bắn đại bác dồn dập vào thành. Quân ta kiên cường chiến đấu. Đề đốc Lê Văn Điếm hy sinh, Án sát Hồ Bá Ôn bị trọng thương đưa về quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An 2 tháng thì chết. Nguyễn Doãn Cử, Nguyễn Hữu Bản giữ cửa Đông là cửa quân Pháp tấn công ác liệt nhất. Quân Pháp bắn đạn đại bác sập cổng thành, đè lên người Nguyễn Hữu Bản, ông hy sinh. Nguyễn Doãn Cử động viên quân sĩ quyết tâm tiêu diệt thật nhiều quân Pháp trả thù cho chủ tướng. Tổng đốc Vũ Trọng Bình bỏ thành chạy, nhưng trước đó còn cho người tới Cửa Đông gọi ông về dinh để tránh nguy hiểm cho ông. Nguyễn Doãn Cử khảng khái trả lời: “Người về thưa với quan Tổng đốc rằng ta không thể rời bỏ nơi này và các nghĩa sĩ của ta. Xin đa tạ”.

   Đến trưa ngày 27/3/1883 thành vỡ, Nguyễn Doãn Cử cùng quân triều đình rút qua cửa Tây, giao quyền chỉ huy cho Bang Úc. Bang Úc phá vây rút về Thái Bình giữ phòng tuyến sông Hồng. Nguyễn Doãn Cử bị ốm phải nghỉ dưỡng bệnh, cử con trai là Nguyễn Doãn Chí cùng Bang Úc giữ tuyến phòng thủ sông Hồng.

   Sau khi thành Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Phủ Lý thất thủ, vua Tự Đức chết, Nguyễn Doãn Cử sống trong tâm trạng đau buồn.

   Năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn tấn công tòa Khâm sứ Pháp, đồn binh Pháp ở Mang Cá thất bại, liền hộ giá vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương. Nguyễn Doãn Cử khi đó đã 64 tuổi, bị ốm yếu, nhận được tin trên, ông phấn khởi, bật khỏi giường, lệnh gọi con trai cả là Nguyễn Doãn Chí đến bảo: “Mệnh thày chưa hết, thày sẽ khỏe để cùng mọi người cứu dân, cứu nước theo chiếu Cần vương. Thày rất mừng vì học trò của thày là Ưng Lịch – Vua Hàm Nghi đã thoát khỏi sự khống chế của phái chủ hòa, giương cao ngọn cờ cứu nước”.

   Nguyễn Doãn Cử qua đời ngày 12 tháng 2 năm Canh Dần (1890). Nguyễn Doãn Cử được phụ tế vào bậc tiền hiền trong văn chỉ hàng xã, văn từ hàng huyện và được nhiều gia đình ở Giao Thủy, Thư Trì, Vũ Tiên thờ phụng. Có người đã nói: “Ông sống nghiệp văn, chết được đưa tiễn bằng văn và lưu danh sử sách”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.