284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN HÀM



Nguyễn Hàm còn có tên là Nguyễn Thành, hiệu Tiểu La, sinh năm 1863, quê ở làng Nam Thịnh, huyện Thắng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Năm Ất Dậu, Hàm Nghi nguvên niên (1885), Nguyễn Thành ra Huế dự kỳ thi Hương nhưng kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương. Nguyễn Thành trở về quê ứng nghĩa Cần vương. Sẵn có lòng yêu nước và kiến thức quân sự, lại biết võ nghệ, Nguyễn Thành cũng dựng cờ, chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Sau ông đưa quân gia nhập lực lượng của Nguyễn Duy Hiệu và trở thành Phó tướng khi ông mới 22 tuổi. Nguyễn Thành lĩnh chức Tán tương quân vụ lập công ngay trận đánh thu hồi sơn phòng Dương Yên.

Tháng 12 nám 1885 nghĩa quân bị một tổn thất lớn là thủ lĩnh Trần Văn Dư bị quân Pháp giết hại, công việc của Nghĩa hội do Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành gánh vác. Song về quân sự thì Nguyễn Thành đảm nhận là chính.

Cuối năm 1887, Đồng Khánh sai Nguyễn Thân chỉ huy 1000 quân. Khâm sứ Pháp cũng phái hai đạo quân gồm 400 lính Pháp 200 lính tập cùng quân của Phan Liêm đánh phá căn cứ Trung Lộc. Quân Pháp còn trang bị cho Nguyễn Thân, Phan Liêm 400 súng trường báng gấp cùng nhiều đạn dược. Giặc đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Thành bị bắt nhưng không bị tra tấn nhiều do Nguyễn Duy Hiệu đã nhận hết trách nhiệm về mình.

Nguyễn Thành không phải đi đày mà chỉ bị quản thúc ở làng. Về sau Nguyễn Thân ra Nghệ Tĩnh đàn áp cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng mấy lần mời ông cộng tác, ông đều khéo léo cự tuyệt.

Nguyễn Thành lập trại cày ở Nam Thịnh để tập hợp đồng chí, tích luỹ lương thảo, bề ngoài sản xuất nông nghiệp để che mắt kẻ thù.

Năm 1902, Phan Bội Châu đã biết tiếng Nguyễn Thành là người đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hội Quảng Nam và là viên dũng tướng nên quyết định vào gặp Nguyễn Thành để kết làm đồng chí cùng lo việc nước. Đầu tháng 5/1904, Phan Bội Châu và Nguyễn Thành đã triệu tập một Hội nghị có trên 20 sĩ phu đại diện cho ba kỳ Bắc – Trung – Nam tại Nam Thịnh sơn trang (điền trang của Tiểu La) nay thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Saư khi thảo luận kỹ đường lối, chính cương của tổ chức mới, các đại biểu đã nhất trí đặt tên là hội Duy tân. Khi Phan Bội Châu đi Nhật, thì công việc của hội ở trong nước đều Nguvễn Thành đảm nhận. Việc cầu viện Nhật không thành Phan Bội Châu chủ trương chuyển hướng xuất dương du học, gọi là phong trào Đông du, nhưng do hội Duy tân chủ trương thực hiện.

Trên thực tế từ giữa năm 1905 đến năm 1908, Nguvễn Thành là yếu nhân của Duy tân hội cũng là sáng lập viên hội Duy tân, vừa là người phụ trách phong trào Đông du ở miền Nam Trung Kỳ.

Vào giai đoạn 1907 ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có sự phân kỳ tư tưởng trong nội bộ hội Duy tân giữa hai xu hướng là bạo động cách mạng và cải cách ôn hoà, đã gây ra mối  bất hoà trong hội. Tiểu La Nguyễn Thành là người đứng ra điều tiết hoà hợp hai xu hướng này một cách kết quả.

Đầu năm 1908 phái cải cách ôn hoà trong hội Duy tân ở miền Nam Trung Kỳ đã phát động phong trào xin xâu, chống thuế mãnh liệt tại tỉnh Quảng Nam và đã lan ra khắp các tỉnh miền Trung. Song thực dân Pháp đã đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình này. Rất nhiều sĩ phu yêu nước bị bắt, Nguyễn Thành cũng nằm trong số đó. Ông bị kết án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo. Trong tù ông bị bênh, đến khi Nguyễn Thành biết mình không qua khỏi, ông đã đọc cho Huỳnh Thúc Kháng ghi lại di chúc của mình gửi cho anh em đồng chí, trong đó có câu: “Thời cuộc xoay vần, cơ hội tốt sẽ đến, guồng máy Đông Á sau này còn nhiều cuộc biến đổi. Anh em hãy gắng lên”. Ông cũng để lại bài thơ TUYỆT MỆNH.

Một việc chưa thành tóc nhuộm màu,
Non sông ngoảnh lại thẹn mày râu.
Vá trời thiếu sức bàn nghe dễ,
Cứu thế không tài, tránh ở đâu?
Cuộc biến ngại gì mây đổi sắc,
Tình người e nỗi sóng thêm sâu.
Mở toang hai mắt xem trời đất,
Ngắm thử mười năm vẫn thế ru?

Ông mất tại Côn Đảo vào năm 1911.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.