284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
NGUYỄN HỮU BẢN
Nguyễn Hữu Bản tự là Vụ Đức, hiệu là Động Nguyên, sinh năm 1841. Ông là con trai Án sát Nguyễn Mậu Kiến, quê ở làng Động Trung, phủ Kiến Xương, nay là xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Khi còn ở tuổi thiếu niên, ông học thông minh, thi Hương đỗ nhất trường. Năm ông 20 tuổi, cha là Án sát Lạng Sơn lo dẹp phỉ Cờ vàng Hoàng Sùng Anh, không có điều kiện lo việc nhà, ông phải thay cha quán xuyến công việc gia đình. ông cùng em trai là Nguyễn Hữu Khai đi khai khẩn vùng biển Tiền Hải, chiêu dân lập ra làng Đức Cơ.
Tuy không theo học, nhưng tuân theo lời dạy của cha, ông mở rộng nhà học, mời thày giỏi về dạy cho con em hàng tổng hàng xã học tập. ông còn củng cố, phát triển nhà in Chiêm Bái đường khắc in các tác phẩm văn học, lịch sử, binh pháp, thiên văn. (Thư viện Khoa học xã hội còn lưu giữ một số sách của nhà in Chiêm Bái đường như “Độc thư lạc thú” (thơ văn), “Đăng đàn bái tướng” (Binh pháp).
Ông chẳng những tổ chức khai hoang, đắp đường bắc cầu xây cống, tiêu nước cho vùng trũng trong huyện. Ngày nay làng Đức Cơ, huyện Tiền Hải còn có văn bia ghi lại công lao của Nguyễn Hữu Bản, Nguyễn Hữu Khai: “Dân làng nhiều phen bị bão lụt, thủy triều, nhiều người chiêu mộ trước bỏ đi… có một giáp Vũ Đức đem nhượng lại cho quan Hàn Lâm tu soạn tên là Bản để cùng hợp sức với ông nguyên mộ trước, tiếp túc mộ dân, sửa sang điền tễ, khẩn trị hoang vụ, làng ấp lại được trù mật, dân chúng tưởng nhớ công ơn suy tôn hai vị làm thành hoàng”.
Ở huyện Tiền Hải, còn truyền tụng bài ca:
Hai vị ấy gia công điều động,
Đem sức tài mà chống lại nhà siêu,
Khai hoang phế, đắp đê điều
Dân từ đấy, không xiêu liêu nữa,
Nhờ công đức các ngài sửa chữa,
Dân ngày nay nhà cửa vui đông
Rõ ràng nhân thắng đứng long
Mừng được chữ khả phong tị ốc.
Ông có uy tín với dân nên đã chiêu mộ dân binh đánh phỉ và giặc biển khi chúng tàn phá, cướp bóc quê hương.
Năm 1871, sau khi quân Pháp ổn định bộ máy cai trị ở Nam Kỳ, nhòm ngó ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nguyễn Mậu Kiến đã cùng hai con trai là Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Hữu Bản chiêu mộ quân chuẩn bị đánh Pháp.
Ngày 12/12/1873, quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Nam Định. Nguyễn Mậu Kiến và Nguyễn Hữu Cương đưa quân lên Nam Định bảo vệ thành. Thành mất, cha con ông về xây dựng căn cứ kháng chiến tại huyện Kiến Xương. Lực lượng nghĩa quân đông tới 2000 người. Nghĩa quân do cha con ông chỉ huy dũng cảm, giầu lòng yêu nước, đánh nhiều trận lớn, gây thương vong nặng nề cho quân Pháp. Giặc Pháp phải thừa nhận là sợ cha con ông. Sự kiện trên được Giáo sư Trần Văn Giầu viết: “Địch sợ nhất cha con Nguyễn Mậu Kiên, người dân thường giầu có và nghĩa hiệp. Gácniê (F. Garnier) đã hứa trọng thưởng những ai cắt được đầu nhà thân hào ấy. Ông và hai con là Nguyễn Bản, Nguyễn Cương tụ họp ở Trực Định (Kiến Xương ngày nay) hàng nghìn nghĩa quân mà bản thân ông cung cấp lúa gạo, tiền bạc, quần áo và vũ khí. Hácmăng (Harmand) đem quân đến đánh nhưng không được”. (Trần Văn Giầu: Bắc Kỳ kháng Pháp. Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1957. trang 67-68).
Phán đoán thế nào giặc Pháp cũng trở lại đánh chiếm Nam Định, Nguyễn Hữu Bản cùng con trai là Bang Úc và các lực lượng nghĩa quân khác, tiếp tục chiêu mộ quân, xây dựng căn cứ sẵn sàng đánh Pháp.
Ngày 25/4/1882 Henri Rivière đánh thành Hà Nội lần thứ hai, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, thành Hà Nội mất.Trước tình hình nguy cấp đó, Nguyễn Hữu Bản, Nguyễn Doãn Cử khẩn trương chiêu mộ quân, mua khí giới, xây dựng chiến lũy, sẵn sàng đánh giặc Pháp. Các ông lấy bốn huyện Thư Trì, Vũ Tiên, Chân Định, Tiền Hải của phủ Kiến Xương làm khu đề kháng trực tiếp; ba phủ Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh làm hậu cứ chủ yếu. Các ông còn thành lập các đồn binh ở tuyến phòng thủ trên sông Hồng, sông Trà Lý và các đồn ở tuyến giữa. Trung tâm chỉ huy là Phủ Bo (thị xã Thái Bình ngày nay).
Trong một cuộc giặc Pháp tấn công thành Nam Định, ông đã cùng nghĩa quân chiến đấu rất kiên cường. Song hiềm thế giặc quá mạnh, thành bị thất thủ, Nguyễn Hữu Bản hy sinh nhưng con ông là Bang Úc vẫn cùng Nguyễn Doãn Cử và các tướng khác tiếp tục cuộc chiến đấu. Ông mất đi để lại một tổn thất vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.