284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN HỮU HẠNH



   Nguyễn Hữu Hạnh người làng Kim Bôi, nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, ông đậu cử nhân võ. Ông là phụ tá của Trần Xuân Soạn ở kinh đô Huế. Do lập được nhiều chiến công trong chiến đấu và có tài tổ chức, xây dựng quân đội, Nguyễn Hữu Hạnh được Tôn Thất Thuyết tin cậy giao cho cùng Trần Xuân Soạn tổ chức Phấn Nghĩa quân. Đây là đội quân nòng cốt tấn công vào khu nhượng địa của Pháp ở Huế và ở đồn Mang Cá đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 7 năm 1885.

   Khi quân Pháp phản công, cuộc tập kích có nguy cơ thất bại thì Tôn Thất Thuyết giao cho Nguyễn Hữu Hạnh chỉ huy một bộ phận nghĩa quân chặn giặc Pháp ở cửa Đông Ba để Tôn Thất Thuyết Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn hộ giá vua Hàm Nghi rút khỏi kinh thành Huế. Hoàn thành nhiệm vụ chặn giặc, Nguyễn Hữu Hạnh rút lui theo kịp hộ tống vua Hàm Nghi ra Tân Sở.

   Đến sơn phòng Quảng Trị, Ba cung (hai mẹ vua Tự Đức và mẹ vua Hàm Nghi) không chịu đi. Tôn Thất Thuyết giao cho ông hộ tống Ba cung trở về Huế giao cho Nguyễn Văn Tường. Thực hiện xong nhiệm vụ, ông quay lại Tân Sở thì vua đã đi vào rừng Quảng Trị, ông tìm không được, liền về quê ở làng Kim Bôi chiêu mộ quân đánh Pháp. Trong đội ngũ nghĩa quân của ông La Văn Hạnh người cùng làng Kim Bôi, sát nhà ông, là trợ thủ đắc lực, trong việc huấn luyện, chỉ huy nghĩa quân chiến đấu chống quân Pháp. Ông Thiều Gia, người làng Phúc Triều, ông đỗ tới tam khoa tú tài, không sao đỗ nổi bằng cử nhân. Thiều Gia là người giỏi thơ văn giữ việc thảo hịch, thư từ liên lạc với các thủ lĩnh nghĩa quân khác và làm thơ tố cáo tội ác của giặc Pháp cướp nước.

   Trong trận các lực lượng nghĩa quân tỉnh Thanh Hoá phối hợp tập kích tỉnh thành Thanh Hoá và huyện lị Đông Sơn thảng 2 năm Bính Tuất (3/1886). Trận này về quân số thì nghĩa quân áp đảo giặc Pháp và Nam triều, nhưng vì có mật vụ báo trước, nên giặc Pháp cho quân chặn các ngả đường tiến vào thành phố. Đội quân của ông chưa tiếp cận được mục tiêu đã bị quân mai phục của Pháp nổ súng đánh chặn. ông La Văn Hạnh vác cờ đi đầu bị trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân chống cự một cách yếu ớt rồi tan tác
.
   Sau trận đánh thành Thanh Hoá không thành, nghĩa quân do Nguyễn Hữu Hạnh chỉ huy tan rã. Ông lẩn quất ở cánh rừng gần làng, với ý định về làng khôi phục lực lượng. Nhưng làng Kim Bôi bị quân Pháp bao vây, lùng sục dữ dội, nhiều người bị bắt, làng xóm bị đốt phá. Nguyễn Hữu Hạnh đợi đêm tới vượt sông Mã tới căn cứ Vân Đồn ở phía bắc núi Nưa do chánh sứ sơn phòng Tống Duy Tân thiết lập. Tống Duy Tân biết ông là người có tài tổ chức lực lượng nghĩa quân và chỉ huy chiến đấu giỏi, bổ sung ông vào ban chỉ huy đồn Vân Đồn hoạt động ở vùng tây Nam huyện Hoằng Hoá. Ông đã tích cực xây dựng đồn luỹ Vân Đồn, huấn luyện quân sĩ trở thành thiện chiến. ông cũng chỉ huy nghĩa quân đánh nhiều trận.

   Việc ông Nguyễn Hữu Hạnh tham gia chiến đấu ở căn cứ Vân Đồn được giữ bí mật, vì để lộ giặc Pháp sẽ tàn sát con cháu ông, triệt phá làng Kim Bôi. Khoảng năm 1890, căn cứ Vân Đồn vỡ, ông trở về nhà sống cuộc đời dân dã được vài năm thì mất. Có người ở Vân Đồn bí mật tới viếng kể chuyện, đến lúc đó con cháu mới biết suốt từ năm đánh thành Thanh Hoá thất bại đến năm 1890 ông chiến đấu ở Vân Đồn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.