284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN THỊ MÃO



Nguyễn Thị Mão còn có tên gọi cô Đồng Đa, là người trông nom ngôi đền Sóc Sơn. Cô cũng là người phụ trách trạm liên lạc tiền tiêu của căn cứ Yên Thế từ những năm 1884, 1885. Các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa thường tránh lối qua phía Nam cầu tỉnh lỵ Bắc Giang về qua Bắc Ninh mà thường đi tắt. Đền Sóc Sơn là địa điểm dừng chân của các tướng lĩnh. Tại đây cô Đồng Đa báo cho họ biết tình hình hoạt động của quân Pháp và quan phủ quan huyện. Người từ đồng bằng lên Yên Thế cũng được các liên lạc đưa lối đi qua đền Sóc Sơn.

Tháng 3/1907, trường Đông Kinh nghĩa thục thành lập ở Hà Nội, cô Đồng Đa tham gia vào hoạt động của trường, nhưng không phải là giảng viên, ban tu thư, hay ban tài chính mà cô tham gia vào ban tuyên truyền. Cách tuyên truyền của cô Đồng Đa cũng rất độc đáo đó là cô không đăng đàn, diễn thuyết, không hô hào mọi người làm cách mạng mà cô mượn lời tiên, thánh dưới các hình thức cầu cơ, giáng bút, soạn thành lời ca trong các quẻ thẻ để truyền bá tư tưởng yêu nước, kêu gọi đồng bào đồng tâm nhất trí đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Tiếng đồn các vị Thánh ở đền Sóc linh thiêng giáng bút, cầu cơ xin thẻ rất mầu nhiệm, khiến khách từ khắp nơi đến đền. Bọn mật thám đánh hơi được có hoạt động chính trị ở đền Sóc Sơn, cho tay chân len lỏi vào khách thập phương đến xin giáng bút, xin thẻ để dò la.

Đền Sóc còn là nơi các sĩ phu trường Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Đông du, phong trào Duy tân hội họp bàn việc quốc sự vì họp ở Hà Nội khó giữ được bí mật. Đền Sóc cũng là nơi lun giữ nhiều tài liệu thơ văn cách mạng của trường Đông Kinh nghĩa thục, của phong trào Đông du.

Tháng 12/1907, nhà cầm quyền Pháp đóng cửa trường Đông Kinh nghĩa thục, bắt bớ những yếu nhân của trường, thì đền Sóc là nơi cất giấu tài liệu của trường. Những hoạt động nhộn nhịp của những người thường ra vào đền, nhìn bề ngoài không có vẻ mộ đạo, có những người nằm trong tầm kiểm soát của quan phủ, quan huyện, khiến bọn mật thám theo dõi gắt gao. Tên Việt gian chó săn trung thành của giặc Pháp là Từ Đạm án sát tỉnh Phúc Yên cho tay chân đóng vai người đi lễ bám sát các hoạt động của cô Đồng Đa. Từ Đạm cho tay chân đe dọa sẽ trị tội cô Đồng Đa nếu cô còn dính líu vào quốc sự.

Song sự bao vây, theo dõi gắt gao của mật thám và tay chân Từ Đạm không làm cô Đồng Đa nhụt chí, từ bỏ sự nghiệp thức tỉnh đồng bào, kêu gọi đồng bào đứng lên chống giặc ngoại xâm của mình. Cô càng căm thù bọn chó săn cho giặc, riêng đối với Từ Đạm cô ví hắn như quỷ dữ, gây tội tất “ác giả, ác báo”’, nên nhân ngày rằm tháng bẩy “xá tội vong nhân” năm Mậu Thân (1908), cô Đồng Đa đặt ở hàng mã một chiếc thuyền rồng bằng giấy, trong thuyền là một lũ quỷ sứ đầu trâu, mặt ngựa, thành đanh, đỏ mỏ, tượng trưng cho bọn tay sai, mật thám bị Diêm Vương kết tội giam xuống hỏa ngục. Chúng được Đức Phật thương tình giác ngộ; cải tà quy chính, cho chúng được hình nhân thế mạng, làm phép cho chúng sống lại đời lương thiện để chuộc tội. 

Bọn tay chân vội vàng ton hót với Từ Đạm, hắn không còn giả nhân, giả nghĩa che đậy bộ mặt chó săn của mình mà sai lính đến bắt cô Đồng Đa, lục soát đền Sóc Sơn. Tại nhà lao Phúc Yên, Từ Đảm sai bọn cai tù, những tên mất hết lương tri dùng mọi ngón đòn tra tấn dã man, tàn bạo nhất với cô. Song người phụ nữ yêu nước kiên trinh không một lời khai báo, xin xỏ, luôn mồm lớn tiếng chửi mắng Từ Đạm. Biết trước sau tên chó săn Từ Đạm cũng giết hại mình, một đêm nhân lúc bọn gác ngục sơ hở, cô Đồng Đa xé áo thắt cổ chết, giữ trọn khí tiết của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.