284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN TRI PHƯƠNG



Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương tự là Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh năm 1800, quê làng Chi Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Do cha mẹ sống bằng nghề làm ruộng, thợ mộc nghèo, nên ông không được học hành, nhưng ông là người có chí tiến thủ. 

Khởi đầu ông làm lại viên ở huyện Phong Điền, sau lên làm lại viên ở bộ Hộ. Do có tài giải quyết công việc sự vụ nhanh, đúng luật lại mẫn cán, ông được thăng dần lên tới chức Tham tri bộ Lễ kiêm tuần phủ Nam – Ngãi dưới triều Minh Mệnh(1820-1840).

Đầu triều Thiệu Trị(1841 – 1847), ông củng cố hệ thống phòng thủ bờ biển Quảng Nam – Quảng Ngãi, sau thăng Tham tri bộ Công, Tổng đốc An- Hà (An Giang – Hà Tiên). Ông là viên tướng dũng cảm, mưu lược có công đánh đuổi quân Chân Lạp và quân Xiêm, được thăng Hiệp biện đại học sĩ được nhà vua ban danh hiệu “An Tây dũng tướng”.

Dưới triều Tự Đức, ông làm Phụ chính Đại thần. Năm 1850, ông được vua Tự Đức cho đổi tên là Nguyễn Tri Phương, vì trong chiến trận ông dũng mãnh và mưu lược.

Năm 1853, ông được thăng chức Đông các Đại học sĩ, sung chức Tổng thống quân vụ đại thần, kiêm Kinh lược sứ Nam Kỳ.

Dã tâm xâm lược Việt Nam của đế quốc Pháp ngày càng bộc lộ rõ. Sau khi Pháp ký với triều đình Mãn Thanh. Hiệp ước Thiên Tân ngày 27/6/1858 thì tàu chiến Pháp thường xuyên uy hiếp vùng biển Đà Năng. Triều đình cử Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm tới Đà Nẵng chuẩn bị chiến đấu. Bộ thuộc địa Hải quân Pháp điều động Thiếu tướng Hải quân Rigônđờ Giơniơ (Rigauld de Gerromille) Tổng chỉ huy lực lượng Hải quân Pháp ở vùng biển Đông làm Phó Thủy sư Đô đốc, giữ chức Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Ngày 30/8/1858, chiến hạm Pháp đóng ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) để hội quân với chiến hạm Tây Ban Nha. Ngày 31/8/1858, 13 chiến thuyền của Liên quân Pháp – Tây Ban Nha thả neo ở vịnh Đà Nẵng, ngày 01/9/1858 chúng bắn đại bác vào đồn lũy của quân triều đình ở bán đảo Sơn Trà, chiếm bán đảo Sơn Trà. Nguyễn Tri Phương thực hiện kế hoạch “nửa thủ, nửa công” bằng cách dựng chiến lũy để quân ta ẩn nấp và bao vây quân Pháp. Ông cùng các tướng Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy, Đào Trí đã chặn đứng các mũi tấn công của quân Pháp từ bán đảo Sơn Trà vào sâu trong đất liền.

Quân Pháp đưa tàu chiến vào sông Nại Hiên đã bị Nguyễn Tri Phương đánh bại, phải tháo chạy về bán đảo Sơn Trà. Giơniơ thay đổi chiến thuật, ngày 22/2/1859, hắn kéo đại quân theo đường biển vào đánh chiếm Sài Gòn, chỉ để lại đại tá Toay-ông (Toyon) giữ bán đảo Sơn Trà. Trong 2 ngày 6 và 7/211859, Nguyễn Tri Phương sai Nguyễn Duy và Đào Trí tấn công nhiều lần vào bán đảo Sơn Trà, nhưng không thành.

Từ ngày 10/2/1859 quân Pháp liên tiếp tấn công thành Sài Gòn và các đồn lũy chung quanh, ngày 17/2/1859, thành Sài Gòn vỡ.

Tháng 8/1960, triều đình cử Nguyễn Tri Phương giữ chức Tổng thống quân vụ, vào Nam chỉ huy quân thứ chống giặc.

Ngày 23/2/1861, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha mở đợt tấn công quy mô lớn vào Đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đội chiến đấu quyết liệt suốt hai ngày đêm. Liên quân Pháp – Tây Ban Nha bị tổn thất nặng nề: 1 quan năm Tây Ban Nha, 4 sĩ quan cao cấp, 121 hạ sĩ quan, 1805 binh lính liên quân chết trận. Song quân ta cũng tổn thất nghiêm trọng: Tán tương Nguyễn Duy tử trận, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, ngày 25/2/1861 đại đồn Chí Hòa thất thủ.

Cuối tháng 12/1861, Triều đình cử Thượng thư Bộ binh Nguyễn Tri Phương làm Đổng suất quân vụ Biên Hòa và Thị lang bộ binh Tôn Thất Cáp làm phụ tá quân vụ Biên Hòa trực tiếp vào Nam Kỳ tổ chức đánh giặc.
Tháng 9/1862 , tình hình các tỉnh vùng núi Bắc Kỳ biến động, triều đình điều động tướng lĩnh ra Bắc, trong đó có Nguyễn Tri Phương, giữ chức Tổng thống quân vụ Tây bắc. Sau khi Nguyễn Tri Phương dẹp yên loạn lạc ở vùng biên giới Bắc Kỳ, cuối tháng 9/1866, Tự Đức triệu ông về Huế, giữ chức Thượng thư bộ Binh, kiêm Kinh lý Hải phòng chánh sứ, bổ sung vào Viện Cơ mật lo việc đánh dẹp giặc dã nổi lên ở khắp nơi.
Các năm 1871, 1872 tại các tỉnh Bắc Kỳ bị giặc Khách, giặc Cờ Trắng, Cờ Vàng, Cờ Đen quấy nhiễu, Triều đình lại cử ông giữ chức Tuyên sát Đổng sức đại thần ra sức đánh dẹp. Ông cùng Hoàng Kế Viêm thu phục được tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, phá xong các bọn giặc khác.

Giữa năm 1873, Nguyễn Tri Phương về làm Tổng đốc Hà Nội, đối phó với tên Jean Dupuis ngang ngược. Từ ngày 12/11  đến 19/11/1873 Garnier gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, buộc ông phải hạ khí giới, giao nộp thành Hà Nội cho chúng. Song ông vẫn quyết tâm chiến đấu.

Ngày 10/11/1873, Nguyễn Tri Phương ra lời Hiệu triệu toàn quân, toàn dân Hà Nội chống Pháp cho niêm yết khắp nơi.

Nhưng lời đe dọa của giặc Pháp không làm Nguyễn Tri Phương khuất phục, ông cùng con trai là phò mã Nguyễn Lâm ra Hà Nội thăm cha và các tướng sĩ kêu gọi quân sĩ và nhân dân Hà Nội sẵn sàng đánh giặc Pháp, tăng cường phòng thủ. Nguyễn Tri Phương cũng liên kết với Tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản, Tổng đốc Sơn Tây Hoàng Kế Viêm sẵn sàng ứng cứu cho nhau.

Song Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội trong điều kiện phe chủ hòa mà cầm đầu là Tự Đức, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp… thắng thế. Tại Hà Nội, trước khi Nguyễn Tri Phương tới nhậm chức thì triều đình đã điều động các tướng giỏi như Hoàng Kế Viêm đi Sơn Tây, điều Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy quân Cờ Đen lên mạn ngược. Quan lại trong thành Hà Nội có tư tưởng chống Pháp cũng bị điều đi nơi khác thay thế bằng quan lại thuộc phe chủ hòa. Triều đình còn ngăn cấm không cho nhân dân vũ trang đánh Pháp.

Quân phòng thủ Hà Nội quá mỏng, chỉ có 5.000 quân, trang bị quá kém, từ lâu không được luyện tập, tinh thần chiến đấu xa sút. Khi giặc Pháp tới đóng ở Trường Thi, Nguyễn Tri Phương chỉ huy động được 2.000 quân, nhưng tinh thần hoang mang, trang bị quá kém. Trong khi đó quân Pháp có 300 quân thiện chiến, trang bị hiện đại, có tầu chiến, súng đại bác. Bọn Pháp còn cấu kết với những tên gián điệp đội lốt cha cố Tây Ban Nha, Pháp đến Hà Nội truyền giáo từ trước tổ chức màng lưới gián điệp do thám các hoạt động của quân ta; chúng vũ trang cho đám giáo dân quá khích quấy rối hậu phương ta. Chín nhà buôn Trung Hoa có lực lượng vũ trang cũng cấu kết với giặc Pháp. Hơn 3.000 quân của dư đảng Tạ Văn Phụng đang nổi loạn ở Hải Dương, Quảng Yên đem quân đến giúp quân Pháp sẵn sàng đánh thành.

Mặc dù lực lượng chênh lệch, phải chiến đấu đơn độc, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương vẫn kiên quyết chiến đấu.

Bốn giờ sáng ngày 1 tháng 10 năm Quý Dậu tức ngày 20/11/1873, quân Pháp do thiếu tá Francis Garnier và tên lái buôn Jean Dupuis đem 180 quân tấn công thành, chúng nã đại bác vào khu Cột Cờ là Tổng hành dinh của Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương thân lên mặt thành chỉ huy quan quân đánh quân Pháp ở cửa Nam. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt. Quân Pháp tiến tới sát tường thành, đạn đại bác của ta đặt trên mặt thành rơi vượt quá đầu địch. Quân Pháp chiếm được lợi thế phá vỡ cửa Nam nơi Nguyễn Tri Phương và con trai là Nguyễn Lâm chỉ huy. Ở các nơi khác Ngô Triều vẫn hăng hái xông lên mặt thành vung gươm chém những tên giặc đang dùng thang leo vào. Cả hai người đều hi sinh anh dũng trên đống xác giặc. Khi thấy nguy cơ thành bị mất, Thự đốc Bùi Thúc Kiên, án sát Tôn Thất Trác bỏ chạy về cửa Bắc, mặc dù quân sĩ vẫn đang kiên cường chiến đấu. Khâm phái Phan Đình Bình, Bố Chính Võ Dương, Đề đốc Đặng Siêu đều sa vào tay giặc.

Quân sĩ khiêng ông vào nằm trong dinh. Quân Pháp băng bó cho ông, ông dứt ra, chúng đổ thức ăn vào miệng ông nhổ ra, nói: “Bây giờ nếu ta chỉ miễn cưỡng lắt lay mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.

Nguyễn Tri Phương bị trọng thương không chịu để giặc buộc thuốc, nhịn ăn uống, người Pháp đổ thuốc và cháo ông phun ra cả. Sau một tháng buồn rầu vì thành mất, vua quan bạc nhược, sợ giặc, buồn cho vận nước, thương em và con đều hy sinh và đau đớn vì bị thương, ngày 20 tháng 12 năm 1873 (ngày 1 tháng 11 năm Quý Dậu), Nguyễn Tri Phương mất tại dinh Tổng đốc Hà Nội. Lúc đó ông là Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Lại bộ Thương thư, sung Khâm mạng tuyên sát Đổng sức Đại thần.

Ông được các sĩ phu và nhân dân Hà Nội an táng trọng thể, rước bài vị về thờ ở miếu Trung Liệt. Khi ông tuẫn tiết các tướng lĩnh, sĩ phu trong phe chủ chiến và dân Hà Thành vô cùng thương cảm, gửi rất nhiều đối trướng, thơ phúng viếng.

Ngay sau khi nhận được tin ông mất, nhân dân Nam Kỳ vô cùng thương tiếc. Người dân Mỹ Khánh nay thuộc phường Biên Hòa, thành phố Biên Hòa đã rước bài vị Nguyễn Tri Phương vào thờ ở đình này trước chỉ là ngôi miếu nhỏ thờ Thành hoàng bản cảnh làng Mỹ Khánh. Từ đó đình mang tên đền thờ Nguyễn Tri Phương. Di tích nằm trên một khu vực rộng lớn của sông Đồng Nai. Trong đình có nhiều hiện vật quý bằng gỗ, bằng đồng, bằng vải và giấy như bát biểu, bộ áo mão tương truyền vua ban khi ông đi kinh lược Nam Kỳ. Tượng ông tạc bằng gỗ thể hiện sắc diện uy nghi, lẫm liệt với chiếc ngai khảo tả long vân.

Hàng năm có tổ chức lễ hội ở đình từ 16 đến 17 tháng 10 .

Đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.

Nhân dân Hà Nội thờ ông cùng Tổng đốc Hoàng Diệu ở đền Trung Liệt và trên lầu cửa Bắc thành Hà Nội.
Nhiều nhà sử học ca ngợi Nguyễn Tri Phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết “Lịch sử nước Nước ta” đã ca ngợi ông:

Nước ta nhiều kẻ tôi trung
Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương
Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương
Cùng thành còn mất, tấm gương muôn đời”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.