284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN TRỌNG TÂY



   Nguyễn Trọng Tây người làng Phù Lưu, Nguyễn Thế Sanh và Thiều Kim Nê người làng Viện Giang, đều ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay cả hai làng đều thuộc xã Đông Tân, huyện Đông Sơn. Cả ba ông Nguyễn Trọng Tây, Nguyễn Thế Sanh, Thiều Kim Nê đều đỗ cử nhân võ.

   Tháng 7 năm 1885, sau trận tấn công quân Pháp ở Kinh thành Huế đêm 4 rạng ngày 5 không thành, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn rước vua Hàm Nghi ra Tân Sở, hạ chiếu Cần vương. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đông đảo sĩ phu hưởng ứng, ba ông cử nhân võ cũng chiêu mộ quân đánh Pháp. Công việc mới khởi đầu thì có kẻ đi mật báo cho giặc Pháp biết. Quân Pháp kéo về vây hai làng Phù Lưu và Viện Giang. Nguyễn Thế Sanh và Thiều Kim Nê đem quân ra chống cự, bị giặc Pháp bắt, chém ngay tại chỗ. Nguyễn Trọng Tây phá vòng vây chạy thoát cùng một số nghĩa quân gia nhập cuộc khởi nghĩa do Lê Khắc Tháo ở Bái Giao lãnh đạo. Khi các thủ lĩnh phong trào Cần vương ở Thanh Hóa họp hội nghị ở Bồng Trung quyết định xây dựng căn cứ Ba Đình ở huyện Nga Sơn, giao cho Đinh Công Tráng, Phạm Bành và một số tướng lĩnh chỉ huy, Nguyễn Trọng Tây được Lê Khắc Tháo cử về tham gia xây dựng căn cứ Ba Đình và tham gia chỉ huy chiến đấu ở đó.

   Nguyễn Trọng Tây được Đinh Công Tráng, Phạm Bành cử chỉ huy một trong ba đồn. Ông còn được lệnh đem quân đi tập kích các đồn binh Pháp và Nam triều đóng ở Nga Sơn, Tống Sơn (Thanh Hóa), Tam Điệp (Ninh Bình) và chặn đánh các đoàn xe vận tải của giặc Pháp trên đường thiên lý.

   Nguyễn Trọng Tây chỉ huy quân sĩ đánh bại trận càn quy mô lớn vào ngày 18 tháng 2 năm 1886 ở hướng Tây Nam do tên trung tá Meldinggiơ chỉ huy. Ông còn tham gia trận đánh ngày 6 tháng giêng năm 1887 do tên trung tá Đốt chỉ huy. Nguyễn Trọng Tây hy sinh trong trận nghĩa quân chủ động rút khỏi căn cứ vì không chịu nổi mùi hôi thối của xác giặc chết ở chung quanh căn cứ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.