284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

NGUYỄN XUÂN ÔN



  Nguyễn Xuân Ôn sinh ngày 22 tháng 3 năm Ất Dậu, người làng Quần Phương, xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, nay là xã Diễn Thái huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là người thông tuệ, đọc sách nhớ lâu, người đời gọi đùa là “tủ sách bụng”. Năm 1844 ông đỗ tú tài khi mới 18 tuổi, năm 1847 đỗ tú tài lần thứ hai. Lận đận mãi đến khoa thi Đinh Mão, Tự Đức 20 (1867) ông mới đỗ cử nhân. Khoa thi Hội Tân Mùi, Tự Đức 24 (1871), khi đã 42 tuổi ông mới đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, được bổ nhiệm tri phủ Quảng Ninh (Quảng Bình), rồi lại được bổ làm Án sát Bình Thuận.

   Nguyễn Xuân Ôn là người cương trực, khẳng khái chỉ trích quan lại tham nhũng. Ông là người đứng hẳn về phe chủ chiến. Năm 1874 ông đã báo cáo với triều đình âm mưu của giặc Pháp nhưng vua Tự Đức và các quan lờ đi, ông liên tiếp gửi sớ về trình bày kế hoạch đánh giữ. Ông còn xin về Nghệ An để cùng quan lại địa phương tổ chức lực lượng kháng chiến. Ông cực lực phản đối chủ trương của triều đình cầu hòa với Pháp. Vua Tự Đức chủ trương cầu hòa, nên không ưa ông, đã phê vào sớ của ông dòng chữ: “Kiến sự phóng sinh” (Thấy việc nói tràn). Triều đình mượn cớ cầu hòa, nhưng thực tế là đầu hàng, ký nhiều Hiệp ước bán rẻ chủ quyền cho thực dân Pháp. Nguyễn Xuân Ôn vẫn kiên trì trình bày tường tận ý kiến, phương lược chống Pháp của mình. Ông cũng tuyên bố rõ ràng: “Nếu triều đình không nghe thì từ chức”. Vì thế mỗi khi triều đình tiếp được sớ của Nguyễn Xuân Ôn đề cập đến việc giặc Pháp thì tỏ thái độ rất khó chịu. “Có lần Thượng thư bộ Lại lúc đó là Nguyễn Chánh đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt, thậm chí cả Tự Đức cũng xuống chiếu trách phạt”.

   Triều đình Huế không muốn để Nguyễn Xuân Ôn là người có tư tưởng chống Pháp ở Bình Thuận, giáp với Lục tỉnh Nam Kỳ, mà triều đình Huế đã bán đứt cho Pháp thì xảy ra một sự việc: Khoảng cuối năm 1881, đầu năm 1882, một tên cố đạo Pháp ngang nhiên xúc phạm nghi lễ của dân tộc đã bị ông điều lên cho hỏi tội. Vì việc này, thực dân Pháp trách cứ triều đình Huế vi phạm Điều 9 “Hiệp ước Hòa bình và Liên minh” đối với đạo Thiên Chúa là; chấm dứt việc mạt sát đạo Thiên chúa, cho phép các giáo sĩ được đi lại khắp nơi để truyền giáo”. Vì thế triều đình Huế điều ông ra làm Án sát tỉnh Quảng Bình điều tra một số vụ án không quan trọng.

   Ông ra Quảng Bình chưa được bao lâu thì ngày 25 tháng 4 năm 1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Ngày 12/3/1883, quân Pháp đánh Hòn Gai, ngày 27/3/1883, giặc Pháp hạ thành Nam Định…

   Trước họa xâm lăng một số tướng lãnh ở Bắc Kỳ như Hoàng Kế Viêm, Bùi Văn Dị, Nguyễn Chánh, Trương Quang Đản đều mật tâu về kinh xin đánh. Nhưng Tự Đức chỉ phái người ra Hà Nội thương thuyết xin Pháp trao trả lại thành, lệnh cho quân chính quy và quân Cờ Đen lên mạn ngược, nới lỏng vòng vây cho quân Pháp, bắt các sĩ phu giải tán nghĩa quân, cho người đi cầu cứu nhà Thanh.

   Sau khi Nguyễn Xuân Ôn gửi nhiều bản sớ tấu về triều không được Tự Đức chấp nhận, ông xin từ quê về Nghệ An để phát động cuộc kháng chiến chống Pháp. Song ông vẫn dâng sớ xin kinh lý miền thượng du để có cơ sở kháng chiến lâu dài. Tiếp nữa ông lại dâng sớ điều trần các việc nên làm, kịch liệt phản đối chủ trương hòa hảo với giặc Pháp của triều đình. Chán cảnh triều đình đầu hàng giặc Pháp, ông cáo quan về quê nhà ở xã Diễn Thái huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An rồi tự mình đứng ra lo việc chống Pháp. Ông “chăm việc vỡ hoang đồn điền, tập hợp những người dân lưu tán, xếp vào đội ngũ, chờ lúc cần mà dùng”. Từ khi về nhà tới đầu tháng 8/1884 là thời gian ông bàn bạc với các đồng chí tin cậy, chuẩn bị mọi mặt từ tuyển quân, huấn luyện, trang bị vũ khí, tích trữ quân lương, xây dựng căn cứ.

   Tháng 8 năm 1884 vua Hàm Nghi lên ngôi cho người ra Nghệ An phong cho Nguyễn Xuân Ôn làm “An – Tĩnh Hiệp đốc quân vụ đại thần thông lĩnh lực lượng nghĩa quân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh”. Ông lập tức tuyển quân, chỉ trong nửa tháng số quân lên gần 2.000 người. Ông có nhiều trợ thủ đắc lực như Đề Kiều, Lãnh Mậu, Lãnh Phương, Đốc Nhan, Đề Vĩnh, Lãnh Bảng, Đề Thắng lo việc huấn luyện, trang bị vũ khí, tịch trữ quân lương, xây đồn lũy.

   Tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn Nghĩa quân tấn công đồn Mang Cá, khu Nhượng địa. Việc không thành. Các ông rước vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị).

   Ngày 13/7/1885 từ Tân Sở, chiếu Cần vương được phát đi trong cả nước kịch liệt tố cáo âm mưu cướp nước của thực dân Pháp, hô hào toàn dân đứng lên chống Pháp cứu nước. Tiếp được chiếu, Nguyễn Xuân Ôn lập tức hưởng ứng. phong trào tòng quân diễn ra rầm rộ ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

   Thực dân Pháp nghe tin Nguyễn Xuân Ôn khởi binh ở Nghệ An vội vàng kéo vào chiếm đất, đóng đồn khống chế các hoạt động của nghĩa quân. Giữa tháng 11/1885, nghĩa quân của Nghè Ôn và quân Pháp đánh nhau dữ dội ở xã Đoài, ưu thế nghiêng về phía nghĩa quân. Sau trận thắng này thanh thế của nghĩa quân Nghè Ôn càng lớn mạnh. Ông lui quân về Tây bắc xã Đoài tiến hành các hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn.

   Trong năm 1886 nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn đánh thắng nhiều trận lớn như trận Thưa Sủng, Đồng Mờm, Đồng Nhơm trên con đường từ Diễn Châu đi Yên Thành. Tháng 6/1885 vua bù nhìn Đồng Khánh ra dụ nếu thủ lĩnh Nguyễn Xuân Ôn (và 17 người nữa) nếu ra đầu thú sẽ được giữ nguyên hàm và được bổ làm quan từ Quảng Bình, Quảng Trị đổ vào. Song Nguyễn Xuân Ôn không thèm đếm xỉa đến những lời gạ gẫm của Đồng Khánh, vẫn tiếp tục cuộc chiến. Cuối năm 1886 nghĩa quân còn táo bạo thọc sâu xuống đồng bằng, ven biển, tấn công đồn Pháp ở chợ Sy (cạnh đường số 1, thuộc huyện Diễn Châu).

   Năm 1887 nghĩa quân Nguyễn Xuân ôn đánh thắng nhiều trận lớn như trận vùng Sừng, Mị, Xóm Hố thuộc vùng tây bắc huyện Yên Thành.

   Trong các trận đánh, Nguyễn Xuân Ôn luôn luôn đi hàng đầu, nêu cao gương dũng cảm, làm cho khí thế nghĩa quân phấn chấn. Ông bị thương nhiều lần. Trong một trận đánh vào tháng 6/1887 ở xóm Hồ, ông bị thương vào bả vai phải về làng Đồng Nhân, nay là thôn Đồng Đức, xã Mã Thành, huyện Yên Thành điều trị. Ngà.y 12 tháng 4 năm Đinh Hợi (25/7/1887), tên quan một Bunlơ (Bouloux) chỉ huy một toán lính cải trang làm nông dân do tên Tới dẫn đường xâm nhập vào nơi ông ở. Khi phát hiện ra quân Pháp, 20 cận vệ xông ra cản giặc. Một cuộc kịch chiến xảy ra. Quân Pháp đông và mạnh, phần lớn vệ sĩ hy sinh. Nguyễn Xuân Ôn rút kiếm tự tử, song bị quân Pháp ngăn lại, bắt ông. Lúc đầu chúng giam ông ở đồn Yên Mã (Mã Thành, huyện Yên Thành). Sau đó chúng đưa ông về giam ở Diễn Châu. Đến ngày 13/8/1887 chúng giải ông về nhà lao Vinh. Tại đây giặc dùng mọi cách mua chuộc, lung lạc ông, song ông vẫn kiên cường không khuất phục. Chúng buộc ông bảo thuộc hạ ra hàng. Ông suy nghĩ nhận thấy quân Pháp đang mạnh, quân ta ở thế yếu, lại không có chủ tướng, nếu tiếp tục chiến đấu sẽ gây tổn thất lớn, cần phải bảo toàn lực lượng để quyết chiến với giặc khi có cơ hội. Vì vậy ông viết thư khuyên tướng sĩ giải tán về nhà làm ăn. Về sự kiện này sau này ông viết trong Lời trình về Bộ năm Mậu Tý (1888) – “Tôi đem lòng báo nước, lòng và sức đều kiệt, việc đã không ra gì, nếu cứ để lại những người bộ thuộc , sợ không thể trì chí, nên tôi viết thư bảo họ giải tán đi”.

   Giặc Pháp thấy nghĩa quân đã giải tán, ông tuổi cũng đã cao, đã bị thương lại hay đau yếu, không có lý gì để xử tử ông, song chúng vẫn không dám đưa ông về Nghệ An mà bắt ông ở Huế. Nhưng ra tù được mấy tháng, ông lâm bệnh nặng rồi mất vào cuối năm 1889. Nguyễn Xuân Ôn để lại tập thơ “Ngọc Đường thi tập” gồm 311 bài,“Nguyễn Đường văn tập” 22 bài, một số câu đối, thơ Nôm. Thơ văn của ông nêu cao tinh thần quyết tâm kháng chiến bất chấp quân Pháp có vũ khí hiện đại. Các bài thơ cũng lên án mạnh mẽ giặc Pháp và vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.