284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
PHẠM PHÚ THỨ
Ban đầu ông từ ngạch Hàn lâm viện thụ hàm Biên tu được bổ làm Tri phủ Lạng Giang (Bắc Ninh). Năm năm sau, dưới triều Tự Đức, ông được thăng Hàn lâm Thị độc. Sau được sung vào chức Kinh diên Khởi cư trú.
Phạm Phú Thứ không ngần ngại phê phán các quan trễ nải việc nước, tham nhũng. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) bấy giờ nhân mưa rét, thấy nhà vua nào là bãi triều, nào là nhà Kinh diên cũng ít ra ngự. Phú Thứ dâng sớ can ngăn, phê phán vua ham chơi, lơi lỏng việc triều chính song ông lại bị cách chức, kết án khổ sai, đầy đi cắt cỏ ngựa ở trạm Bưu chính Thừa Nông (Huế). Một năm sau, do bà Từ Dũ khuyên can vua, ông mới được phục hồi chức Hàn lâm viện rồi đi công cán ở Quảng Đông (Trung Quốc). Tại đây ông tiếp xúc với sách báo phương Tây, thôi thúc ông phải cải cách kinh tế lạc hậu, bế quan tỏa cảng của triều đình Huế. Cũng trong dịp ở Quảng Đông, ông được chứng kiến phố phường ở đây đang đẩy nhanh tốc độ phát triển công thương nghiệp. Nhìn sang Ma Cao, nhượng địa của Anh quốc đã nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại quốc tế. Cửa hàng, cửa hiệu san sát, ống khói các nhà máy vươn cao, nhả khói lên bầu trời. Phố xá tấp nập, trên bến, dưới thuyền. Các hoạt động kinh tế sôi động biểu thị của sự ấm no, hạnh phúc trái ngược hẳn với không khí im lìm, lặng lẽ của xứ Huế.
Nhìn quang cảnh náo nhiệt của xứ người, ông càng thấy Việt Nam muốn giàu mạnh, muốn tự cường thì phải mạnh dạn xóa bỏ quan điểm thủ cựu của triều đình Huế, phải giao lưu với thế giới, phải tiếp nhận nền khoa học kỹ thuật tiên tiến của châu Âu.
Đi sứ về, ông chưa đề đạt những kiến nghị lên vua được, ông được bổ làm tri phủ Tư Nghĩa. Ở đây dân rất nghèo, ông khuyến khích nhân dân khai hoang, đắp đập, đào mương. Ông khuyến khích các làng xã lập kho nghĩa thương để trợ giúp nhau khi đói kém. Sau đó ông được điều về kinh làm viên ngoại lang bộ Lễ. Gặp lúc quân Man ở Vách đá nổi loạn, vua thấy ông trước đã làm quan ở Tư Nghĩa, nên phái theo quân đánh dẹp. Việc thành công, năm 1856, ông được cử làm Án sát Thanh Hóa.
Điều tâm huyết của ông từ khi đi công cán ở Quảng Đông, mãi đến khi ông làm Án sát Thanh Hóa mới có cơ hội thực hiện. Ông khuyến nghị với triều đình Tự Đức tổ chức đóng tầu, thuyền vận tải. Ông chỉ đạo đóng chiếc tầu bọc đồng mang tên Thụy Nhạc, hoàn thành trong một thời gian ngắn.
Năm 1858, Phạm Phú Thứ được bổ nhiệm làm Án sát tỉnh Hà Nội. Ông đã dâng sớ lên triều đình đề đạt một“phương án về cải cách kinh tế, quốc phòng”.
Đầu tháng 9 năm 1858, khi nghe tin giặc Pháp – Tây Ban Nha đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng (1/9/1858) ông dâng sớ thỉnh nguyện triều đình xin cho tất cả các quan viên nguyên quán ở Quảng Nam hiện tại kinh đô Huế được trở về quê hương chiêu tập dũng binh chống Pháp xâm lược. Nhưng đề xuất của ông bị triều đình bác bỏ.
Năm 1859, Phạm Phú Thứ được thăng Hàn lâm thị độc đại học sĩ, giữ chức Tham biện nội các. Trên đường đi kinh lý ở miền Trung ông ghé lại quê nhà ở xã Đông Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông càng hiểu rõ nỗi khổ của nhân dân. Trở về kinh đô, ông dâng sớ lên triều đình đắp đê Cu Nhí, huyện Điện Bàn, đào kênh Ái Nghĩa ở huyện Đại Lộc, để tưới và tiêu nước và giao thông đường thủy thuận lợi. Trước nguy cơ giặc Pháp tái chiếm Đà Nẵng và các phủ huyện, ông đề đạt với các quan tỉnh Quảng Nam khẩn cấp xây dựng đồn lũy, bố phòng ở các cửa sông, các vị trí sung yếu, bổ sung và luyện tập cho dân binh có đủ năng lực chiến đấu tại chỗ.
Năm 1860 , ông được thăng Tả tham tri bộ Lại và thăng hàm Quang lộc Tự khanh.
Năm Quý Hợi (1863), Tự Đức thứ 16, ông được cử vào phái bộ của triều đình sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông. Yêu sách của sứ bộ không đạt kết quả. Phạm Phú Thứ đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi để học hỏi kỹ nghệ, tìm hiểu kỹ nghệ phương Tây về công nghiệp, nội thương, ngoại thương, giao thông vận tải đưa về nước cách tân. Từ tháng 9/1863 đến tháng 3/1864, bất cứ đi tới đâu từ La Caire của Ai Cập, đến Rôma nước Ý đặc biệt khi tới Pháp lừ Toulou đến Marseille sau đến đến Paris thủ đô nước Pháp, sau đó sang Madrid thủ đô Tây Ban Nha không một sự kiện mới lạ nào không được ông ghi chép, nhận xét đầy đủ. Riêng về công nghệ được ông quan tâm hàng đầu, ông đã đến thăm hàng chục cơ sở công nghiệp nhẹ như xưởng sản xuất giấy, đến công nghiệp nặng chế tạo máy sản xuất như máy bơm nước, máy tiện, chế tạo ô tô, tầu hỏa, tầu thủy, sản xuất súng đạn. ông cũng không bỏ qua các xí nghiệp làm phim ảnh, mạ vàng, đúc chì và cả các hiệu ảnh cùng quy trình chụp ảnh, tráng phim, rửa ảnh. Đến thăm các nhà máy, ông không coi là người tham quan, mà thực sự cầu thị, ông đã tìm hiểu kỹ cả quy mô, cấu tạo của từng loại nhà máy, quy trình sản xuất, vận hành máy móc và hiệu quả của từng nhà máy để khi nước ta có điều kiện có thể ứng dụng được Thời gian ở Ai Cập không lâu, nhưng ông đã vẽ kiểu, đo kích thước tổng thể và từng chi tiết xe trâu đưa nước vào ruộng. Ông đã đưa về Quảng Nam áp dụng, từ đó phải phát triển ra Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Những ghi chép trên, Phạm Phú Thứ in thành tập tên “Tây hành nhật ký” dày 330 trang bằng chữ Hán. Cùng với tập sách “công nghệ” này còn có tập thơ “Tây phù thi thảo” của Phái bộ. Ông đã dâng hai quyển sách đó lên vua Tự Đức. Cảm kích tấm lòng của ông đối với tương lai của đất nước, Tự Đức tặng ông hai câu thơ:
Lịch thiệp dĩ thân nam tử chí
Mẫu thời vị tất phó không chương
Có nghĩa là:
Thỏa chí nam nhi khi giao thiệp
Lo đời không chịu để tờ không.
Song các điều trần của ông cũng giống như các điều trần của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đều bị Tự Đức coi là những ý nghĩ ngông cuồng không xét đến mà vẫn bo bo giữ đầu óc thủ cựu, bế quan, tỏa cảng.
Năm Tự Đức thứ 26 (1873) vì Hộ bộ giấu lỗi rồi về hóa vật của nhà nước, phải giáng Thị lang, rồi khôi phục Tham tri vẫn thự Thương thư. Tuy thất vọng nhưng Phạm Phú Thứ vẫn nén lòng chờ đợi cơ hội thuận lợi để thực hiện nguyện vọng của mình là cách tân đất nước.
Năm Tự Đức thứ 27 (1874) ở Bắc kỳ mới mở tòa Thương chính, các nước tới họp đông đúc, qua lại thành thù ứng, sự thể nặng nề. Vua cho Phú Thứ am hiểu và tài cán lão luyện từng dự vào khu phủ, biết rõ trước sau, đổi thự Hải Dương Tổng đốc kiêm sung Tổng lý thương chính đại thần.
Nơi ông đến nhận chức đầy rẫy khó khăn, trước đó bị giặc Tạ Văn Phụng, tay sai của giặc Pháp đánh phá. Tỉnh thành lại bị giặc Pháp đánh chiếm năm 1873 vẫn tan hoang. Nhưng mối nguy hiểm nhất vẫn là sau nhiều năm đê Văn Giang (Bắc Ninh), đê sông Đuống, đê sông Thái Bình vỡ, cả tỉnh Hải Dương mùa mưa năm nào cũng chìm trong nước, hơn 20.000 dân Hải Dương bị đói. Ông tổ chức ngay việc chẩn cấp cho dân đói. Với cương vị Tổng lý Thương chính đại thần Phạm Phú Thứ ra lệnh cho quan tỉnh Hưng Yên mở kho xuất 50 vạn phương thóc cho dân đói và khuyến khích nhà giàu mở lẫm lúa để cứu đói cho dân làng. Để cứu đói lâu dài, ông tổ chức cho nhân dân khai hoang, trồng cây ngắn ngày; cho mở các công trình thủy lợi ở Đông Triều, Nam Sách (Hải Dương).
Phạm Phú Thứ có chủ trương và đề ra biện pháp cụ thể khôi phục tỉnh thành Hải Dương bị giặc Pháp tàn phá nặng nề; ông cho đào rộng thêm một đoạn sông ở phủ Bình Giang để thuận tiện cho giao thông đường thủy. Ông thành lập nha Thương chính Ninh Hải để cùng với Lãnh sự Pháp đưa cảng Hải Phòng vào hoạt động. Để phát triển giáo dục, ông cho mở trường dạy học, mở lớp dạy tiếng, dạy chữ Pháp ở Hải Phòng. Với ý thức phổ biến khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây, ông cho khôi phục Nhà xuất bản Hải học đường tại tỉnh lỵ Hải Dương có từ thời Gia Long (1802-1805). Nhà xuất bản này đã xuất bản bốn cuốn sách của phương Tây đã dịch từ tiếng Anh ra tiếng Hán là: Bác vật tây liên (Khoa học tự nhiên), Khai môi yếu pháp (Phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (Kỹ thuật đi biển) , Vạn quốc công pháp (Công pháp các nước).
Phạm Phú Thứ còn quan tâm một số vấn đề về khoa học công nghệ như quy trình đúc súng, khai thác than đá, khai thác quặng sắt và luyện thép, sản xuất đồ dùng bằng thủy tinh theo quy trình công nghệ. Ông cũng quan tâm đến hóa học như giải thích tính năng, tác dụng của chất Axit sunfuric trong công nghệ. các sách xuất bản và các buổi diễn thuyết của ông về khoa học phổ cập được nhiều giới công thương, nhân dân quan tâm và có liếng vang trong xã hội đương thời.
Ông không những quan tâm về các vấn đề kinh tế công thương nghiệp, thủy lợi, nông nghiệp, giáo dục mà còn tổ chức lực lượng trang bị vũ khí hiện đại, phương tiện hoạt động cho lực lượng phòng thủ bờ biển, hải đảo và biên giới.
Phạm Phú Thứ đi đường qua Thanh Hóa có hỏi hết Phan Đức Trạch, trước khi làm niết sự ở Thanh (bấy giờ lĩnh Bố chính ở Nam Định) làm việc phần nhiều không đúng, có tờ mật phong tâu lên. Vua giao tờ ấy xuống viện duyệt lại. Khi ông tới tỉnh thì tỉnh thành sau khi linh hỏa, dinh thự bị đốt phá, làng ấp tiêu điều, khi trước có bàn đặt nha thư để khai trương việc tuần phòng ở biển, đều chưa xây dựng. Phú Thứ hàng ngày cùng phó viện mới là Nguyễn Tăng, Nguyễn Đa Phương mưu xếp đặt công việc dần dần đã có manh mối. Gặp lúc đê huyện Văn Giang, tỉnh Bắc vỡ, nước lụt tràn qua bao phủ Bình Giang, Ninh Giang thuộc Hải Dương, dân đói phiêu lưu tản mát tới tỉnh đợi chẩn kể có hàng vạn mà kho không còn của để. Phú Thứ xin phân trích ở kho gạo Hưng Yên 5 vạn phương phát chẩn cho lại cho dân cầm cố đồ đạc cấp cho nhà có của. Lại phái thuộc hạ đem những người khỏe mạnh tới huyện Đông Triều cày cấy, khai khẩn sinh sống, chờ khi nước xuống cho về làng mạc, dân nhờ đó mới sống. Khi nha thự về thương chính đã xong, hội đồng lãnh sự mở cảng chiêu thương, một dải sông Cấm thuyền xe tụ họp đông đúc thành nơi lạc thổ.
Năm Bính Tý (1876), Tự Đức thứ 29, Phạm Phú Thứ đánh dẹp giặc biển ở đảo Cát Bà lưu dân yên nghiệp, đặt chức bang trưởng, đầu mục. Từ đó lưu dân Khâm Châu tràn sang không dám gây bạo loạn. Ông được phong chức Tổng đốc.
Năm Tự Đức thứ 31 (1878), ông được thăng thự Hiệp biện đại học sĩ vẫn lĩnh Tổng đốc. Ông tâu vua phái quân dẹp thổ phỉ nước ‘Thanh là Lý Dương Tài quấy rối hai tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh mà huyện Đông Triều – Nam Sách cũng tiếp cận. Vua cho Đề đốc Tôn Thất Hòe đem 500 quân lên đóng giữ. Ông tâu lính ở lâu chi phí rộng mà nhàn hạ dễ sinh trễ nải. Xét ra nơi đó ruộng đất bỏ hoang đến 21.800 mẫu có lẻ, xin cho đặt nha phòng khẩn, vừa phòng thủ, vừa khai khẩn. Vua y lời tâu cho thi hành. Cũng năm 1878, do quân buôn giảo quyệt khởi xướng phao đồn là gạo xuất cho người Pháp thì nghiêm cấm, xuất cho người Thanh thì buông tha… đều do Phú Thứ làm cả. Vua chưa tin, cho quan đi tra xét.
Năm Kỷ Mão (1879), Tự Đức thứ 32, gặp lễ thất tuần đại khánh của Hoàng hậu Từ Dũ, ông về kinh lạy mừng và xin được chuyển. Vua chấp thuận, cử người thay thế. Bọn con buôn gian xảo phao tin thất thiệt, khiến ông mật tấu xin ở lại. Đình thần nghị bàn cho rằng ông thiếu sự hòa hợp với người Pháp, mà nâng đỡ cho con buôn nhà Thanh. Ngoài ra ông còn bị Khâm sai Ngự sử đàn hặc tội danh, để cho anh em họ ngoại là Lương Văn Tiến cậy thế làm ăn phi pháp. Trong khi đó ông bị bệnh, phải xin về kinh chạy chữa và đợi xét án.
Năm Canh Thìn (1880), Tự Đức thứ 33, khi xét án dâng lên, vua giáng ông xuống hàm Quang lộc Tự khanh, giữ chức Tham tri ở Bộ Binh.
Năm Tự Đức thứ 34 (1881), ông được thăng Thượng thư bộ Hộ, đổi là Tổng đốc Hải Yên sung Thượng chính đại thần.
Về cuối đời trên cương vị trọng thần, ông chỉ góp phần vào cuộc “Nghị hòa “, giữa triều đình Huế với thực dân Pháp. Khi nghị hòa lâm vào bế tắc, ông bị ngự sử đàn hặc và bị triệu về kinh “Hậu cứu”.
Năm 1887, ông 68 tuổi xin về nghỉ, rồi mất.
Ông mất trong tỉnh cảnh bi đát của đời mình và giữa những ngày rối như tơ vò của triều đình trước họa xâm lược của thực dân Pháp.
Sau khi ông mất, triều đình xét kỹ công lao, truy phục Khâm sai đại thần hàm nhất phẩm với tước phong “Vinh lộc đại phu trụ quốc hiệp biện đại học sĩ”.
Vua Tự Đức cũng thương tiếc, dụ rằng: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi Đông, sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc tới trông coi thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi, công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo”. Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, ông tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán hàng ngày rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sức cho địa phương tới tế một tuần”. (Đại Nam chính biên liệt truyện, tập IV. NXB Thuận Hóa. Huế. 1993).
Tang lễ ông tổ chức tại quê nhà, triều đình viết lời điếu có đoạn: “Phạm Phú Thứ kinh lịch nhiều nơi khó nhọc. Từ Đông sang Tây bồng bềnh chân mây mặt nước (đại hải trine trùng) đến Thương chính đại thần, dù sức yếu, chẳng từ nan. Mọi việc trước sau cho hoàn tất cả. Thật là đất Nam Trung hiếm có”. (Đại Nam chính biên liệt truyện, tập IV. NXB Thuận Hóa. Huế. 1993).
Phạm Phú Thứ còn nổi tiếng về sáng tác văn thơ, dịch thuật, nghiên cứu, bình luận thơ văn của các tác gia lớn như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Thông, Nguyễn Tư Giản…
Thơ văn Phạm Phú Thứ đề cập đến nhiều vấn đề lớn, nhỏ của đất nước. Ông quan tâm đến giặc ngoài từ phương Tây đến đang rình rập ở ngoài biển Đông.
Nhà sử học Trần Văn Giáp đã nói về văn thơ của ông: “Trúc Đường Phạm Phú Thứ có một số tác phẩm văn và thơ chữ Hán, dưới thời Tự Đức, vừa là tài liệu tham khảo về sử cận đại, vừa là phản ánh được sự chuyển biến tư tưởng của phái Nho học thời đó sau khi đã qua châu Âu đã nói lên sự đóng góp to lớn của ông đối với văn học nước nhà ở nhà sau thế kỷ XIX”. (Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999. trang 117-127)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.