284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

PHẠM VĂN BAN



Phạm Văn Ban sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở làng Đống Vậy, xã Bối Khê, tổng Huệ Lai huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi. Cha ông là Phạm Văn Cán, Chánh tổng tổng Huệ Lai, ông cũng đương chức Lý trưởng xã Bối Khê.

Với lòng yêu nước sâu sắc và chí căm thù giặc Pháp cướp nước và lũ Việt gian bán nước, Phạm Văn Ban đã bàn bạc với ông tú tài Thương Bằng, với ông Xã Thâu ở xã Bối Khê, Nguyễn Đình Tuyển ở xã La Mát kế hoạch khởi nghĩa. Phạm Văn Ban dựng một lá cờ đại ở đình Bối Khê, đánh trống để tuyển mộ quân.

Vấn đề vũ khí được Phạm Văn Ban hết sức quan tâm, ngoài vũ khí tự tạo như dao kiếm, lao, đoản đao, súng kíp, ông còn tổ chức nhiều trận đánh táo bạo vào đồn địch lấy súng đạn của giặc. Ngoài ra ông còn tập trung tất cả thợ rèn giỏi nghiên cứu cách chế tạo súng theo mẫu súng 1874; súng remington, súng lục của quân Pháp. “ví như lò rèn của nghĩa quân Đề Ban ở làng Nhân Đồng (tổng Huệ Lai, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Đề Ban lại có một nghĩa quân rất giỏi nghề đẽo báng súng bằng gỗ quê ở làng Bối Khê (Ân Thi, Hưng Yên) chuyên việc chữa các báng súng trường kiểu 1874. Ông này được mệnh danh là Cai Binh” (Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đăng trang Tập san Nghiên cứu lịch sử năm 1961).

Phạm Văn Ban lập đại bản doanh ở xã Bối Khê quê hương ông và ở đền Phù Ủng. Đề Ban hoàn toàn làm chủ ba tổng Huệ Lai, Phù Vệ, Đỗ Xá. Song địa bàn hoạt động của ông rất rộng gồm Ân Thi, Mỹ Hào, Phù Cừ, Tiên Lữ (Hưng Yên); Bình Giang, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện (Hải Dương). Ông thường đi xe ngựa do một con ngựa đen kéo, có một nghĩa quân đánh xe, hai nghĩa quân trang bị súng bắn nhanh đi hộ vệ. Ông đi theo hành trình từ Bối Khê đi qua An Khải, Chu Xá, Huệ Lai, Kim Lũ, Phù Ủng, Đào Quạt, Tiên Kiều, rồi trở lại Bối Khê để nắm tình hình, kiểm tra công việc của nghĩa quân. Khi ra trận ông cưỡi ngựa đen có đủ yên cương, nhạc.

Hầu hết dân ba tổng Huệ Lai, Đỗ Xá, Phù Vệ đều theo Đề Ban. nghĩa quân có lới hàng nghìn, dân đều theo Đề Ban nên giặc Pháp gọi là “Tam tổng chi nhân đô thị tặc” nghĩa là “cả ba tổng đều làm giặc”.

Đề Ban đã liên hệ với Đinh Gia Quế ở làng Thọ Bình thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và với các thủ lĩnh khác ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh để cùng đánh Pháp.

Từ giữa năm 1885, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy bị suy yếu có nguy cơ tan rã thì lực lượng nghĩa quân do Đề Ban chỉ huy vẫn hầu như nguyên vẹn.

Và tại Văn chỉ Bình Dân thì Đề Ban đã có mặt chiến đấu dưới ngọn cờ Cần vương do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo.

Cuối năm 1885 quân Pháp tập trung quân đánh Đề Ban, ông phải đưa hơn 1000 quân chạy lên Đông Triều, tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), Nguyễn Thiện Thuật tới bàn bạc với ông, chỉ giữ lại 300 người khỏe mạnh, trung thành, dũng cảm được trang bị tốt. Từ đó Đề Ban không phải lo nhiều về lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân.

Khi biết tin về Đề Ban đóng quân ở làng La Mát, quân Pháp huy động lực lượng lớn đến bao vây nhằm tiêu diệt cánh quân của ông.

Ngày 8/2/1891 quân Pháp tập trung trên 1400 dân binh và lính lệ do thanh tra Blanchart và Hoàng Cao Khải chỉ huy và 14 tên vệ binh chính cùng lính Nam ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh có pháo binh, tàu chiến yểm hộ tấn công dữ dội vào căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ khác của nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân do Hai Kế, Đề Ban, Đốc Sung, Lãnh Tảo chỉ huy đã trống trả quân Pháp quyết liệt, nhưng sau cũng phải rút sang huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà sang vùng sông Kinh Thày.

Mặc dù bị quân Pháp bao vây ngày càng chặt, nghĩa quân Đề Ban vẫn hoạt động mạnh.Trong một trận đánh diễn ra dữ dội kéo dài một tiếng đồng hồ, nghĩa quân núng thế. Đề Ban thấy quân Pháp vây kín chung quanh biết là khó thoát, ông từ chối không để Nguyễn Văn Bồng cõng mà rút súng lục tự sát, hôm đó là ngày 25/12/1891, tức ngày 18/11 âm lịch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.