284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
Phan Bội Châu
Phan Bội Châu trước năm 1900 có tên là Phan Văn Son, hiệu Hải Thụ, sau hiệu là Sào Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông còn có nhiều tên hiệu, bút danh như Thị Hán, Thiên Phú, Độc Tinh Tử, Cây Sung…
Ông sinh năm 1867 trong một gia đình nhà nho nghèo quê ở làng Đan Nhiễm, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nay là xã Nam Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tháng 10/1900, sau khi cụ thân sinh mất, Phan mới có điều kiện hoạt động cách mạng.
Năm 1901, Phan Bội Châu cùng một số đồng chí chiêu tập nghĩa binh đánh thành Nghệ An, việc không thành. May nhờ có Tổng đốc Đào Tấn che chở, nên không bị thực dân Pháp bắt.
Năm 1903 Phan Bội Châu đến kinh thành Huế đọc sách ở Quốc Tử giám, đã gặp Phan Chu Trinh. Từ đó về sau, hai người còn gặp nhau vài lần nữa, trao đổi chính kiến với nhau. Hai ông thống nhất với nhau là muốn cứu nước thì phải mở mang dân trí, coi trọng giáo dục, đưa thanh niên đi du học ở nước ngoài, mở mang việc tuyên truyền văn hóa mới. Phan Chu Trinh rất khâm phục con người và tài trí của Phan Bội Châu.
Tháng 2/1905, Phan Bội Châu ra Bắc gặp Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can bàn việc phát triển Duy tân hội và tổ chức Đông du. Việc Đông du được thực hiện ngay, chuyến đi này ông đem theo bốn học sinh trong đó có hai con trai của cử nhân Lương Văn Can là Lương Nghị Khanh và Lương Lập Nham (Lương Ngọc Quyến)
Ngày 25/02/1905, Phan Bội Châu sang Trung Quốc gặp Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên, Tại đây ông viết ‘”Việt Nam vong quốc sử” ( Lịch sử mất nước Việt Nam), lời tựa do Lương Khải Siêu viết.
Tháng 7 năm 1905. Phan Bội Châu về nước tiếp tục đưa thanh niên sang Nhật. Tháng 9 năm 1905 (tháng 8 năm Ất Tỵ) Phan Bội Châu về nước sau đó gặp gỡ Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, Phan Bội Châu về nhà cử nhân Nguyễn Văn Đảng ở làng Nội Duệ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bàn việc tổ chức các nhóm ” Minh xã” “Ám xã” và lập các hội Nông, Công, Thương, Học.
Tháng 3 năm 1907 trường Đông Kinh Nghĩa thục thành lập ở Hà Nội, thì văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường số 4 Hàng Đào và các phân hiệu và trong các buổi diễn thuyết bình thơ văn cho đông đảo công chúng nghe. Trên cơ sở hiểu biết về trường Khánh Ưng Nghĩa thục ở Nhật Bản mà Phan Bội Châu trao đổi sĩ phu Hà Nội, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đỗ Cơ Quang, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc… đã quyết định thành lập trường Đông Kinh Nghĩa thục.
Văn thơ Phan Bội Châu sôi sục tinh thần cách mạng đã từ trường Đông Kinh Nghĩa thục nhanh chóng phát triển trong nhân dân, trở thành một phong trào.
Từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, Phan Bội Châu và nhiều chí sĩ Việt Nam lại nhìn sang Nhật Bản, mong được sự viện trợ “một nước da vàng tiên tiến” để ca ngợi sự nghiệp Minh Trị Duy tân của Nhật và việc Nhật đánh bại Sa hoàng Nga, chủ trương đưa Nhật Bản theo con đường Duy tân.
Việt Nam Duy tân hội sau khi được thành lập cũng đề ra phương châm tranh thủ sự viện trợ của nước ngoài. Phan Bội Châu đích thân đi Nhật và phát động phong trào Đông du. Ông cho rằng Nhật Bản là một nước Châu Á cùng máu đỏ, da vàng và cùng có một nền văn hóa như Việt Nam, “thường lấy việc lợi hại khuyên răn ta, họ nhất định sẽ vui vẻ giúp đỡ chúng ta” .
Nhưng tới giữa năm 1908, đầu năm 1909, Pháp và Nhật cấu kết với nhau giải tán các tổ chức học sinh Việt Nam tại Nhật Bản như ” Công Hiến hội” “Đông Á Đổng văn thư viện”… trục xuất lưu học sinh Việt Nam khỏi Nhật, Phan Bội Châu, Cường Để cũng bị trục xuất. Bấy giờ Phan Bội Châu mới nhận thức được rằng không thể dựa vào Nhật Bản, nên ông chuyển hướng sang đảng cách mạng Trung Hoa và những nước những dân tộc trên thế giới “có căn bệnh giống ta”.
Năm 1911 cách mạng Tân Hợi Trung Quốc thành công, Tôn Trung Sơn được bầu làm tổng thống. Đây là cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.
Năm 1912 Phan Bội Châu tuyên bố giải thể hội Duy tân thành lập Việt Nam Quang phục hội. Tháng 1 năm 1914, thực dân Pháp thỏa thuận với nhà cầm quyền Quảng Đông bắt Phan Bội Châu giải về Đông Dương giao cho thực dân Pháp. Tuy ở trong tù nhưng Phan Bội Châu vẫn tìm mọi cách liên lạc với các đồng chí chỉ đạo công việc của cách mạng như đối với cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ tháng 5 năm 1916, Phan Bội Châu cũng đã ủy quyền cho Nguyễn Thượng Hiền tới đại sứ Đức và đại sứ Áo ở Xiêm La nhận tiền để mua vũ khí cho quân cách mạng Việt Nam. Ông bị giam ở núi Quan Âm mãi đến năm 1917, quân cách mạng tấn công Quảng Đông, Long Tế Quang bỏ chạy ông mới được giải thoát.
Từ năm 1920 trở đi Phan Bội Châu về Hàng Châu cộng tác vói tờ “Bình sự tạp chí” ông đi lại nhiều ở Trung Quốc.
Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu tới một bưu điện Thượng Hải gửi tiền cho một du học sinh đang học ở Đức, thì bị một kẻ phản bội chỉ điểm báo cho mật thám Pháp bắt cóc. Chúng bí mật giải ông về Hồng Kông , rồi từ đó đưa ông về Hải Phòng trên tầu Ăng Co, rồi bị áp giải về Hà Nội giam ở nhà lao Hỏa Lò. Để tránh dư luận lên án và bí mật hãm hại ông theo bản án tử hình vắng mặt đã có sẵn, chính quyền thực dân bưng bít và đặt cho ông một cái tên giả là Trần Văn Đức. Song âm mưu của chúng đã bị bại lộ. Quần chúng nhân dân kịch liệt lên án phản đối, đòi trả tự do cho ông.
Trước sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước phản đối nhà cầm quyền Pháp kết án Phan Bội Châu. Hội đồng bảo hộ Pháp phải họp ngay tại phủ Thống sứ để xét lại cái án đó. Toàn quyền Varen phải gửi điện về Pháp xin ân xá cho ông.
Ngày 22/12/1925, toàn quyền Varen phải ký giấy trả tự do cho nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu. Ngày 29/12/1925, Tổng thống Pháp cũng phải ký uỷ quyền cho Varen tuyên bố tha bổng Phan Bội Châu, sau đó an trí ông ở Huế. Tại nơi an trí Phan Bội Châu không hoạt động chính trị được nhưng ôngđặc biệt quan tâm đến thời cuộc. Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 10 năm 1940.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.