284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

PHAN TÒNG



Phan Tòng còn gọi là Phan Ngọc Tòng sinh năm 1818, quê ở làng An Bình Đông, tổng Bảo An, quận Ba Tri sau đó là xã An Đức, nay thuộc thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1867, quân Pháp chiếm Bến Tre, phong trào chống giặc nổi lên khắp trong tỉnh. Vốn là thày đồ ở làng, Phan Tòng đứng lên tập hợp dân chúng dựng cờ khởi nghĩa. Sau ông gia nhập cuộc khởi nghĩa của Phan Tôn – Phan Liêm (1). Ông chiến đấu dũng cảm lập được nhiều công lao được phong làm Đốc binh. Tối ngày 9 tháng 11  năm 1867, tên De Chapeaux chỉ huy khoảng 40 lính bao vây làng Hương Điểm, nơi nghĩa quân hoạt động. Chúng đóng quân trong chùa, đợi đến sáng thì đàn áp. Ngay đêm hôm đó, nhân trời mưa to gió lớn, hơn 100 nghĩa quân tấn công dữ dội vào chùa, đâm bị thương tên De Champeaux. Bọn giặc hoảng sợ rút chạy ngay trong đêm, để lại một số xác chết.

Để trả thù, ngày 12/11, chúng bao vây làng Hương Điểm. Nghĩa quân do Đốc binh Phan Tòng chỉ huy đem quân chặn đánh dọc các kênh rạch, tiêu hao một số tên, mãi 2 giờ chiều chúng mới tới Hương Điểm. Sáng 13/11, quân Pháp bao vây, lùng sục, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt, quân Pháp đi đến xóm ngõ nào cũng bị đánh. Nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, Trương Tấn Chí, cháu của Trương Tấn Bửu cầm cờ xông lên trước bị trúng đạn hy sinh. Giặc phải rút ra khỏi làng co cụm lại ở chợ, không dám tấn công vào làng. Ngày 14/11, giặc Pháp sai Tôn Thọ Tường đến dụ hàng không được, sáng 15/11, giặc Pháp lại tung quân đi đàn áp, chúng tìm được một số lượng lớn vũ khí nghĩa quân giấu ở chợ Hương Điểm. Palin Vial cho tầu chiến chạy dọc bờ sông Hàm Luông để truy kích nghĩa quân. Đến 4 giờ chiều, quân Pháp đổ bộ vào ấp An Thới làng An Lái. Chúng sợ không dám vào làng, mà đóng ở cái cồn gọi là Giồng Gạch còn gọi là Gò Trụi. Nắm vững thời cơ quân Pháp đóng ở ngoài trời, không có công sự, 2 giờ sáng ngày 15/11, nghĩa quân bao vây rồi tiến đánh cực kỳ ác liệt. Nghe súng nổ, nghĩa quân ở các nơi kéo đến tiếp ứng càng đông. Trận đánh giáp lá cà, đẫm máu diễn ra dữ dội. Đốc binh Phan Tòng dũng cảm chỉ huy trận đánh. Đến nay giai thoại ở vùng Ba Tri còn kể trên đầu ông đội khăn tang mẹ, chỉ huy nghĩa quân xông thẳng vào quân giặc mà đâm chém. Nghĩa quân vừa đánh vừa hét “hè” để uy hiếp giặc, vì thế dân gọi là “giặc hè”. Trận này quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, nhưng nghĩa quân cũng bị tổn thất.

Mặc dù bị thua đau, ngày 16/11/1867, quân Pháp vẫn tấn công dữ dội vào Ba Tri, Bảo Thạnh. Nghĩa quân đốt chợ Bảo Thạnh, rút về Mù U. Giặc tập trung quân thủy, quân bộ tấn công ác liệt Mù U. Nghĩa quân không chống cự nổi chạy tan tác.

Sau các trận đánh dữ dội của giặc Pháp trên, nghĩa quân bị thất bại nặng nề, Phan Liêm, Phan Tôn bỏ ra Huế, ông vẫn ở lại xây dựng lực lượng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu. Ông dấy binh ở Ba Tri năm 1869, đánh thắng quân Pháp nhiều trận oanh liệt.

Cuối năm 1870, quân Pháp hành quân tấn công Ba Tri. Đêm đến chúng đóng quân trên một cái gò cát gọi là Giồng Gạch (còn gọi là Gò Trại). Phan Tòng chủ động chỉ huy nghĩa quân tấn công vào cứ điểm của giặc, với khẩu lệnh khi xung phong thì hô “Hè” để uy hiếp tinh thần giặc. Vì vậy nhân dân còn gọi trận đánh này là “trận giặc Hè”. Trong trận đánh giáp lá cà này, Phan Tòng đã hy sinh cùng một số nghĩa quân.

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu xúc động làm 10 bài thơ viếng:

VIẾNG PHAN TÒNG
(Trích)

Thương ôi, người ngọc ở Bình Đông
Lớn nhỏ trong làng thảy mấn trông
Biết đạo, khác bầy con mắt tục
Dạy dân nắm giữ tấm lòng công
Đặng danh vừa rạng bề nhà cửa
Vì nghĩa riêng đền nợ núi sông
Một trận trải gan trời đất thấy
Lo xưa nào thẹn tiếng anh hùng.

IV

Ba Tri vừa vắng tiếng hơi chàng,
Gió thảm mưa sầu khá xiết than
Vườn luống trông xuân hoa ủ dột
Ruộng riêng buồn chủ lúa khô khan
Bầy ma bất chính duầng làm nghiệt,
Lũ chó vô cô cũng mắc nàn
Người ấy vì ai ra cớ ấy
Chạnh lòng trăm họ khóc quan Phan

(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX).

Về sau hàng năm cứ vào ngày ông hy sinh, dân làng An Bình Đông vẫn tổ chức ngày giỗ hội và lễ cầu hồn để tưởng nhớ tới Phan Tòng và các nghĩa sĩ đã hy sinh.

———————————————————————–
(1) Phan Tôn, Phan Liêm, con Phan Thanh Giản khởi nghĩa năm 1867- 1868, sau trận thất bại ở Hương Điềm (15/1 l/1868) Phan Tôn, Phan Liêm bỏ ra Huế. Sau đó theo Nguyễn Tri Phương ra thành Hà Nội. Năm 1873, Hà Nội thất thủ. Pháp bắt Phan Tôn, Phan Liêm đưa sang Pháp. Sau Phan Liêm làm khâm sai đại thần đàn áp khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam, Phan Tôn làm thượng thư triều Đồng Khánh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.