284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

SƯ THUYỀN QUAN



   Tháng 7 năm 1885, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân tấn công quân Pháp đóng ở đồn Mang Cá; Toà Khâm sứ, khu nhượng địa. Cuộc tấn công không thành. tảng sáng quân Pháp phản công. Tôn Thất Thuyết và các tướng hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị. nhà vua hạ chiếu Cần vương. Sĩ phu, nhân dân các tỉnh Trung Kỳ nhiệt liệt hưởng ứng. Tại Thái Bình các ông Tạ Hiện, Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Hữu Thu, Bang Tốn, Phạm Huy Quang.. hưởng ứng. Nhiều nhà sư ở Thái Bình cởi áo cà sa, khoác chiến bào gia nhập nghĩa quân giết giặc. Trong số đó có sư Sở tu ở chùa Thuyền Quan, nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình đã dựng cờ khởi nghĩa, dùng chùa làm đại bản doanh. Nhà sư đem thóc gạo của chùa ra nuôi quân, dân trong vùng quen gọi là sư Thuyền Quan. Trai tráng các huyện Thuỵ Anh, Thái Ninh… gia nhập nghĩa quân rất đông, họ tự sắm vũ khí. Nhân dân nô nức đem thóc gạo, lợn gà, tiền bạc đến khao quân. 

   Sư Thuyền Quan vốn là người giỏi võ nghệ từng trải việc binh, nên công tác huấn luyện quân sĩ rất có bài bản. Nghĩa quân của sư Thuyền Quan trang bị chủ yếu là vũ khí thô sơ như gươm, giáo, kiếm, đoản đao, mã tấu, nhưng có tinh thần chiến đấu rất cao và có tinh thần kỷ luật. Thanh thế của nghĩa quân sư Thuyền Quan rất lớn, bọn quan lại làm tay sai cho Pháp không dám đem lính đến đàn áp. 

   Cuối năm 1885, quân Pháp từ hai phía Nam Định và Hưng Yên có tàu chiến, pháo hạm tiến đánh Thái Bình. Các ông Nguyễn Hữu Cương ở Động Trung. Giám Thố ở Cổ Ninh, Lãnh Hoan ở Thọ Vực tiến về Kiến Xương, Tiên Hưng phối hợp với lực lượng của sư Thuyền Quan ở Thuỵ Anh đưa quân tới tấn công quân Pháp quyết liệt ở làng Tống Vũ (nay là xã Chính Lâm, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), ở Cầu Kìm, Chợ Đác (nay là xã Vũ Lạc, huyện Kiến Xương). Nghĩa quân đã gây cho giặc tổn thất nặng nề. Được tin thất bại, quân Pháp ở Hà Nội phải vội vàng điều động một đạo quân do 1 tên trung tá chỉ huy xuống tiếp viện. 

   Đội quân do sư Thuyền Quan chỉ huy còn độc lập tác chiến hoặc phối hợp với các lực lượng nghĩa quân khác đánh nhiều trận lớn. Sư Năm Thượng ở chùa làng Lộ Vi (tức Lộ Xá nay thuộc Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đánh quân Pháp khi chúng tấn công vào chùa Lộ Vi.

   Ở tỉnh Thái Bình nay còn lưu truyền bài:

         VÈ  SƯ THUYỀN  QUAN 

      Nam vô đại tướng Thuyền Quan
      Mũ ni, tích trượng, phướn, phan thay cờ
      Bình Tây kiến lập vệ cơ
      Nghĩa quân khắp chốn đi về sớm hôm
      Chùa làm kho súng bên đồn
      Lãng Sa bạt vía kinh hồn Thuyền Quan
      Nam vô đại thế Át Nan
      Hộ trì đại tướng Thuyền Quan công thành. 

(Năm 1885, tỉnh Thái Bình còn là đất của hai tỉnh Nam Định và Hưng Yên. Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình mới thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương gồm phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương của Nam Định, huyện Thần Khê của tỉnh Hưng Yên. Năm 1894 cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thuộc tỉnh Hưng Yên vào tỉnh Thái Bình lấy sông Luộc làm ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.