284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TỔNG ĐỐC HOÀNG DIỆU



  Hoàng Diệu nguyên tên là Hoàng Kim Tích, sinh ngày 10 tháng 2 năm Kỷ Sửu (5/3/1829), người xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, vùng Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Khoa thi Hương tại Thừa Thiên năm 1848, Hoàng Diệu đỗ cử nhân. Năm năm sau, năm 1853, Hoàng Diệu thì Đình, đỗ Phó bảng. Khởi đầu ông làm Tri huyện huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Do nha lại lầm lẫn án từ, ông bị giáng chức làm Tri huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Sau theo bản sớ tấu của Đặng Huy Trứ tiến cử người hiền tài, ông được phục chức làm Tri phủ Lạng Giang, rồi thăng Án sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh. Năm 1873 ông về Huế làm Tham tri bộ Hình, sau làm Tham tri bộ Lại, kiêm Đô sát viện, sung cơ mật đại thần. Năm 1878, ông được bổ chức Khâm sai đại thần. Cùng năm đó, Hoàng Diệu được nhận chức Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh). Năm sau ông được điều về kinh giữ chức Phó sứ thương thuyết với Tây Ban Nha, sau đó ông giữ chức Thượng thư bộ Binh. Tháng giêng năm 1880, ông được thăng chức thự Tổng đốc, năm 1881 thăng Tổng đốc Hà – Ninh (Hà Nội – Ninh Bình).

   Hoàng Diệu làm quan lớn, cha mẹ, vợ chính thức được phong tước hiệu, nhưng gia đình ông vẫn sống ở làng quê một cuộc sống dân dã. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Hoàng Diệu tính tình cương trực, lâm sự quyết đoán, có phong độ bậc đại thần”

   Ngày 4/4/1882, Henri Rivière vào thành yết kiến Tổng đốc Hoàng Diệu. Chuyến vào thành không nhằm mục đích ngoại giao mà đích thân dò xét mọi mặt. Hoàng Diệu phán đoán hắn ra chuyến này là để hạ thành Hà Nội, nhưng chưa có lệnh của Triều đình Huế, ông không dám đánh ngay. Ông gấp rút điều động lực lượng phòng thủ trong thành bố trí ở những địa điểm xung yếu. ông cho tôn cao mặt thành lên từ 1,5 mét đến 1,9 mét, tường thành được tu bổ dầy thêm từ 0,60 mét đến 0,8 mét. Cổng thành được làm lại bằng gỗ lim dầy, vững chắc bên trong chất nhiều bao đất đá, gỗ. Riêng của Nam và cửa Đông – nơi Garnier đột nhập vào 10 năm trước, có thêm các dẫy tường chéo bao bọc lấy khu trung tâm, có kho thuốc súng, quân dụng và hành cung. Như vậy là hai cửa Tây và cửa Bắc không vững như hai cửa trên. Súng đại bác cũng được tăng cường, đặt trên mặt thành. Ông còn phái một bộ phận quân đội ra ngoài thành để cùng lực lượng dân binh đánh tập hậu quân địch.

   Sáng 25/4/1882, Rivière gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu với lời lẽ xấc xược. Bức thư láo xược của giặc Pháp, làm cho Tổng đốc Hoàng Diệu vô cùng căm tức. Ông lập tức triệu tập các quan văn võ họp ở lầu trên Cửa Đông, xếp ở đó mấy hòm thuốc súng, rót rượu nói với các quan, tướng rằng: “Tôi xin các ông cạn chén, thề tận trung báo quốc. Nếu vạn nhất thành mất thì tất cả chúng ta đến đây, đốt các hòm đạn này”. Các quan thà chịu chết chứ không chịu đầu hàng.

   Tổng đốc còn cho người ra ngoài thành, lệnh cho cử nhân Nguyễn Đồng, phường Bích Câu đưa dân binh đánh vào sau lưng quân Pháp, làm rối loạn đội hình của chúng. Quân ta đóng chặt cửa Đông và cửa Bắc, tổ chức chiến đấu ở cửa Tây và cửa Nam. Quân Pháp nghi binh ở cửa Đông, cửa Nam, nhưng lại đánh phá cửa Bắc và cửa Tây. Tổng đốc Hoàng Diệu đang ốm vẫn mặc triều phục, mang gươm cùng Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng thân lên mặt thành đốc chiến. Ông cũng không khoan nhượng với bọn quan lại có tư tưởng hòa hoãn, đầu hàng, ngăn chặn những vụ phá hoại, gieo rắc hoang mang trong quân lính của chúng. Trong trận chiến, Nguyễn Đình Trọng, còn gọi là Cử Tốn, giữ chức suất đội thuộc Tả trấn, hữu dinh ở trong thành, ông là vệ sĩ của Tổng đốc, luôn luôn theo sát bảo vệ Tổng đốc. Hai ông suất đội là Trần Lộc, người làng Nghè, Bếp Bốn người làng An Phú đều thuộc huyện Từ Liêm chiến đấu trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Tổng đốc Hoàng Diệu, tả xung hữu đột và đều hy sinh anh dũng. Song thế giặc mạnh, ùa vào bên trong. Quân ta tan rã. Tổng đốc Hoàng Diệu, Phó lãnh binh Hồ Văn Phong không sao cản nổi giặc, vì chúng kéo vào quá đông. Thấy thành đã vỡ, khó lòng chống cự nổi, Hoàng Diệu quay mặt về phía Nam, chảy nước mắt nói: “Thần đã sức cùng, lực tận rồi, xin tạ tội”. Đoạn ông cưỡi voi đến Võ miếu, viết một bài biểu gởi vua Tự Đức, rồi ông lấy khăn quấn đầu bằng nhiễu đỏ thắt cổ tự tử để khỏi bị quân xâm lăng hạ nhục. Khí tiết hy sinh vì nước lẫm liệt của ông được Nguyễn Văn Giai ca tụng trong bài “Hà thành chính khí ca”.

      “…Một cơn gió thảm mưa sầu
      Nấu nung gan sắt dãi dầu lòng son
      Chữ trung còn chút cỏn con
      Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây
      Trời cao hiểu rộng đất dầy
      Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.