284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TỔNG KIÊM – ĐỐC BANG



Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm là thuộc tướng của Đốc Ngữ, do chiến đấu xuất sắc, được phong là Lãnh binh, nên còn gọi là Lãnh Kiêm. Ông hoạt động mạnh ở tỉnh Phương Lâm, sau đổi là tỉnh Chợ Bờ, rồi Hòa Bình.

Năm 1908, Đinh Công Nhung cậy thế giặc Pháp cướp 8 mẫu ruộng của nhân dân Mông Hóa. Đốc Bang giữ chức phó tổng và Nguyễn Văn Kiêm tức Tổng Kiêm lãnh đạo nhân dân Mông Hóa làm đơn kiện Đinh Công Nhung lên Công sứ tỉnh, Thống sứ Bắc Kỳ và Toàn quyền Đông Dương. Thực dân Pháp đã xử cho Đinh Công Nhung. Đinh Công Nhung dựa vào thế lực Pháp khủng bố những người đi kiện hắn. Đốc Bang và Tổng Kiêm phải trốn lên rừng. Đinh Công Nhung tàn bạo, bắt bố Đốc Bang đóng cũi trôi sông để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân.

Lãnh Kiêm liền chiêu mộ quân đánh Pháp. Vốn biết tiếng Lãnh Kiêm, nên những nghĩa quân cũ của ông cùng nhiều người dân Việt, dân Mường nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia nghĩa quân rất đông, Lãnh Kiêm liên lạc được với Đốc Bang.

Đốc Bang tên thực là Nguyễn Đình Nguyên, người Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn khi đó cũng đang tập hợp lực lượng đánh Pháp và tay sai Đinh Công Nhung.

Đến tháng 4/1909, lực lượng nghĩa quân có 30 người, đặt tên là đội “Bình Tây”. Quân kỳ mầu đỏ, có hai chữ “Bình Tây”. Hai ông làm lễ tế cờ tại núi Viên Nam, xã Mông Hóa. Nghĩa quân tôn Tổng Kiêm làm Chánh Thống tướng, Đốc Bang làm phó Thống tướng. Cuối tháng 7/1909 lực lượng nghĩa quân lên tới 41 người, nhưng trang bị kém, chỉ có một khẩu súng hỏa mai, 8 thanh mã tấu, còn lại là dao quắm, dao phát bờ. Hai ông nhận được tin tại tỉnh Hòa Bình, công sứ Rênhiê (Régnier) đi dưỡng bệnh, phó công sứ Patơrích (Patrich) đi thanh tra các đồn điền. Chánh quan lang Đinh Công Nhung ở bên chợ Phương Lâm, hữu ngạn sông Đà. Tỉnh chỉ còn lại Án sát và Đề đốc. Hai ông tính toán tuy quân số ít, vũ khí trang bị thua xa quân Pháp, nhưng nghĩa quân lại có ưu thế là lòng căm thù giặc, quen thuộc địa hình. Một thuận lợi nữa là viên Đề đốc đã hứa án binh bất động khi nghĩa quân đánh vào tỉnh lỵ. Hai ông cho quân áp sát tỉnh lỵ, cho trinh sát đi điều tra nắm vững địa hình, binh lực, hỏa lực, các mục tiêu là đồn lính khố xanh, kho bạc, ty thương chính, nhà dây thép, nhà tù. Nắm chắc phần thắng, Tổng Kiêm và Đốc Bang nhanh chóng quyết định đánh chiếm Tỉnh lỵ, thời gian được ấn định vào đêm mùng 2 rạng ngày mùng 3 tháng 8 năm 1909. Trận đánh đã thành công tốt đẹp. Tổng Kiêm, Đốc Bang định đưa quân vượt sông Hồng sang Tam Đảo,Vĩnh Yên, hợp với quân Đề Thám, nhưng bị 3000 quân chặn đường nghĩa quân phải vượt sông Đà sang đóng ở Bản Thôn thuộc huyện Thanh Thủy định vượt sông Hồng, sông Lô sang Vĩnh Yên nhưng quân Pháp phái 3 tiểu đoàn chặn đánh ở Tô Vũ vào ngày 31/10/1909. Tình thế buộc nghĩa quân vượt sông trở lại, bị quân Pháp cắt nghĩa quân làm đôi, Tổng Kiêm bị dồn về chân núi Ba Vì. Đốc Bang bị bao vây ở Mông Hóa. Nghĩa quân phải phân tán thành nhiều toán, đánh những trận nhỏ. Do quân Pháp khủng bố nhân dân dữ dội, không có tiếp tế nên nghĩa quân bị cô lập. Đêm 29 rạng ngày 30/12/1909, Đốc Kiêm hy sinh trong 1 trận bị quân Pháp phục kích. Trong tháng 01/1910, trong một trận đánh, nghĩa quân hy sinh, bị bắt 25 người, 84 người bị bao vây, hết đạn, hết lương thực phải ra hàng. Đốc Bang bị Pháp đày ở Lạng Sơn 20 năm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.