284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam
TRẦN QUANG DIỆM
Trần Quang Diệm, sinh năm 1848 , người làng Bút Trận, nay là xã Diễn Thái huyện Diễn Châu. tỉnh Nghệ An. Cha mẹ ông mất sớm, nhà nghèo, việc học gián đoạn, mãi đến khoa thi Đinh Mão (1867), khi ông đã 28 tuổi mới đậu cử nhân. Ông được bổ làm huấn đạo huyện Thanh Chương, sau đó thăng tri huyện Tùng Thiện (Sơn Tây).
Sau ông chán ghét triều đình Tự Đức thực hiện chính sách đầu hàng giặc Pháp nên cáo quan về làng sống ẩn dật.
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương. Trần Quang Diệm đã cùng Nguyễn Xuân Ôn hưởng ứng dựng cờ khởi nghĩa. Ông được phong chức Tán lý quân vụ quân thứ An – Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh).
Để phát động nhân dân tham gia nghĩa quân Cần vương. Trần Quang Diệm đã công bố bản:
BỐ CÁO VIỆC PHỤNG CHỈ CẦN VƯƠNG
…Nước Việt ta từ đời Hồng Bàng đến nay, trời gây đất mở, mênh mông non cao, nước trong; tổ dựng tông bồi, rực rỡ thói thuần, tục tốt. Vua Đinh Tiên Hoàng dùng gậy lau dấy quân lên, dẹp các sứ quân mà mở đầu nền chính thống; vua Lê Thái Tổ từ núi Lam Sơn khởi nghĩa, đuổi giặc Minh còn truyền bài cáo Bình Ngô. Non sông nước Nam, sách trời đã định lẽ nào để cho người ngoài ngủ ngáy ngay trên giường mình nằm được ư?
Thế mà giặc Pháp gây hấn, tanh hôi khác loài, cướp kinh thành ta, làm cho chúa thượng phải chạy, rong xe ra phía bắc, tới sở sơn phòng Hà Tĩnh, đặt thành nơi hành tại, xuống chiếu Cần vương, tỏ lời cáo cấp. Những người nghe được tin đều rơi nước mắt. Đương khi nước nhà có việc, không phải là lúc thần tử yên vui. Bảo rằng: “Vua lo thì tôi phải nhục, vua nhục thì tôi phải chết”, chính là việc lúc này đây. Nếu không hăng hái đẩy sức mạnh như hùm gấu thì lấy gì để đẩy trừ được dã tâm của giặc như sói lang. Tất cả nhân dân ta ai là không làm, không phải là người dũng cảm. Cho nên ai nấy, người có của giúp của, kẻ có công giúp sức cùng một lòng, một đức, cùng nhau vượt bước khó khăn lúc này. Chớ có bảo tay không mà cam ngồi chịu trói.
Nếu như ai cũng chỉ lo riêng lấy thân mình, cứ điềm nhiên ngồi ngó, thì rồi người không biết nghĩ xa, tất sẽ bị nỗi lo gần. Lúc đầu, chúng mới giở cái mưu, rồi sau dần dần chúng giở cái thói tàn ngược như hùm sói nuốt chửng. Nước mất nhà tan hối sao kịp nữa!
Tôi lại nghe rằng: triều đình nuôi kẻ sĩ 300 năm, mà không ai có một nghề gì giúp việc Cần vương. Minh Hoàng nhà Đường luống những thở than, nhà nước nuôi binh lính hơn 30 năm, mà không lấy một người hy sinh cho việc Cần vương, Văn công đời Tống lấy làm xấu hổ.
Mọi công việc trong vũ trụ đều là bổn phận chúng ta. Bốn phương trời còn có nhiều đồn luỹ, há không trải là cái nhục của sĩ phu đó ư?
Tôi đây chỉ là một người học trò, lạm nhận chức nhỏ, gắng gượng làm việc, mong báo nước mảy may, ví không để được tiếng thơm lại muôn thuở thì cũng khỏi bị lên tiếng xấu lại trăm năm. Còn trung thần nghĩa sĩ như người xưa đã bảo thì dù tôi không làm được như thế nhưng trong lòng vẫn ham chuộng.
Than ôi! Dân nước ta hãy ngẫm nghĩ, cố gắng lên, chớ cho lời nói là viễn vông mà coi thường. Đó là điều tôi rất mong mỏi.
Nay đặc biệt bố cáo.
(Chu Thiên dịch theo nguyên văn chữ Hán)
Nhân dân Nghệ Tĩnh đã nhiệt liệt hưởng ứng lời Bố cáo của ông, trai tráng và cả những người đứng tuổi, người đã từng trải việc binh cũng hăng hái gia nhập nghĩa quân. Nhân dân nô nức đem thóc gạo, trâu lợn ủng hộ nghĩa quân làm quân lương.
Trần Quang Diệm chia quân làm cơ đội, cắt đặt người huấn luyện các thao tác chiến đấu, cách sử dụng vũ khí. Ông thương yêu quân sĩ nhưng cũng giữ nghiêm kỷ luật chiến trường và không được nhũng nhiễu phiền hà dân.
Để chuẩn bị chiến đấu, Trần Quang Diệm xây dựng căn cứ chống Pháp tại núi Thàng ở Xanh Gám, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Trần Quang Diệm hết lòng giúp Hiệp đốc quân vụ An – Tĩnh dành nhiều trận lớn gây cho quân Pháp và quân triều đình nhiều thiệt hại nặng nề. Khi Nguyễn Xuân Ôn đang điều trị bệnh, bị quân Pháp ập vào bắt rồi đưa về giam ở Huế, Trần Quang Diệm vẫn cùng các tướng lĩnh tiếp tục chiến đấu.
Năm 1891, Trần Quang Diệm bị bắt giam ở Huế. Ông bị giam mấy năm mới được thả, về nhà thì mất vào năm 1907.
Trần Quang Diệm còn là một nhà thơ đến nay còn các tập Ngọc Đường thi tập lời bình của Nguyễn Xuân Ôn.Ngắm trăng, Phụng chỉ Cần vương bố cáo văn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.