284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TRẦN XUÂN HÒA



Trần Xuân Hòa người tỉnh Quảng Trị, là con Trần Tuyên, nguyên Bố chính tỉnh Vĩnh Long. Trần Xuân Hòa đỗ cử nhân năm 1847 được làm Tri phủ, lại là con quan, nên thường gọi là Phủ Cậu.

Tháng 2/1861, Đại đồn Chí Hòa bị quân Pháp tấn công. Trần Xuân Hòa hăng hái đứng ra mộ nghĩa dũng đánh giặc Pháp ở Định Tường. Ông thường dùng chiến thuật phục kích để tiêu diệt sinh lực giặc. Ông chỉ huy đánh thắng quân Pháp nhiều trận trong đó có 6 trận lớn giết nhiều lính Pháp và lính mã tà.

Do ông đánh giặc lập được nhiều thành tích ông được triều đình thưởng hàm Thị độc học sĩ. Trần Xuân Hòa chủ yếu hoạt động ở vùng Cai Lậy, lập Tổng hành dinh ở vùng Thuộc Nhiêu và Nhị Quy đánh phá các đồn lính Pháp. Quân của ông hoạt động mạnh mẽ, tiêu diệt nhiều sinh lực Pháp, tên Đại tá Hải quân Pháp phải thân cầm quân đi đánh. Quân Pháp đem quân đánh chiếm các xứ Mỹ Trang, Bang Lềnh thuộc tỉnh Định Tường, Trần Xuân Hòa dàn quân chống đánh quyết liệt. Song thế giặc mạnh quân ta phải rút lui.

Ngày 6/1/1862, Trần Xuân Hòa chuẩn bị đi đánh đồn Cái Bè, nhưng bị quân Pháp dưới quyền chỉ huy của đại úy hải quân Rieuner bao vây ở Cái Bè và Cai Lậy, ông bị bắt rồi bị xử giảo ngày hôm sau (7/1/1862). (1)

Có nhiều thơ văn ca ngợi ông, viếng ông. Sau đây là bài:

MỘ PHỦ CẬU Ở THUỘC NHIÊU

Qua chơi ta nhớ nghiệp tiền triều,
Nghĩa sĩ mộ còn cách Thuộc Nhiêu.
Huỳnh thổ một gò nên thạch trụ 
(2)
Bạch vân mấy thức lộng hà kiều 
(3)
Kiếp căn thần tử tuy dày mỏng,
Nần nợ quân vương trả ít nhiều
Giận chẳng ngờ Tây dương nắng mộ (?)
Can thành 
(4) đầu mất khí nào tiêu.

II

Tiêu tán binh rồi xác thịt chôn,
Ngàn thu chỉ có liệt oanh tồn
Bia danh ái quốc bia còn dựng,
Dấu ngựa Cần vương dấu đã mòn
Bắc khuyết 
(5) cỏ cây còn lã chã,
Đông lâu ve đố cũng thon von!
Tôi con đâu cũng tôi con vậy,
Kẻ ấm lương đăng kẻ lạnh hồn. 
(6)

————————————————————————-
(1) Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, viết ngày 6 tháng Giêng năm 1862 Phú Cậu, thủ lĩnh nghĩa quân bị sa vào tay giặc.
(2) Một gò đất vàng nhô lên như cái cột đá giữa dòng nước cháy.
(3) Đám mây trắng lồng bóng xuống nước dưới cầu.
(4) Can thành: Người tướng có tài ngăn giặc giữ nước như cái mộc che binh khí, cái thành chống giặc.
(5) Cửa khuyết ở phía bắc, chỉ nơi vua ở
(6) Tác giả có ý trách cũng là tôi con nhà vua mà kẻ được hương khói, người thì mồ mả vắng lạnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.