284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

TRƯƠNG ĐỊNH



Trương Định sinh năm Canh Thìn (1820) là con quan Hữu thủy Vệ úy Trương Cầm, sinh tại làng Tư Cung Nam, phủ Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Trương Định có hai người vợ, vợ cả là bà Lê Thị Thưởng là con một nhà giầu quê ở Tân Hòa, Tân An, Long An, vợ hai là bà Trần Thị Sanh quê ở Gò Công.

Trương Định trạng mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn rất giỏi. Năm 1838, cha ông thừa lệnh Triều đình Huế vào Nam Kỳ lãnh chức Lãnh binh Thủy sư Gia Định, trông coi việc khẩn hoang, lập ấp mở rộng và bảo vệ bờ cõi. Khi đó Trương Định 18 tuổi cũng theo cha vào Gia Định. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, khuyến khích quan lại, gia đình quan lại chiêu dân lập ấp. Trương Định đứng ra chiêu mộ được 6.000 dân nghèo khai hoang lập đồn điền. Do ông có năng lực, thương yêu hết lòng giúp đỡ những người đến khai hoang, hết thảy mọi người đều cố gắng, nên đồn điền của ông sớm tự túc được lương thực, có dự trữ.

Trương Định vốn là người chuộng võ, nên ông đã huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí cho những người trẻ tuổi, trở thành gia binh, còn gọi là “lính đồn điền”. Gia binh của ông đánh đuổi giặc cướp, những người theo đạo Thiên chúa gây bạo loạn. Triều đình phong ông chức Phó quản cơ, sau thăng lên Quản cơ.
Tháng giêng năm Kỷ Mùi, Tự Đức 12 (tháng 2/1859) quân Pháp rút đại lộ phận chiến hạm từ bán đảo Sơn Trà vào đánh chiếm tỉnh thành Gia Định. Trương Công Định chiêu mộ quân lập căn cứ tại Gò Công để đánh Pháp. Nghĩa quân của ông rất đông, được sắp xếp thành 18 cơ, 24 liên đội (có 4 liên đội mộ trú ở Biên Hòa). Mỗi liên đội khoảng 400 người trang bị đại bác, súng ống và giáo mác… Ông được đặc cách thăng lên Quản cơ kiêm Chánh tổng Tân Hòa.

Quân Pháp sau khi đã bắn phá 12 đồn binh dọc 2 bờ sông và 3 cảng sông trên sông Sài Gòn liền tấn công thành Gia Định. Đến 10 giờ cùng ngày thành Gia Định vỡ, Trương Định dẫn gia binh đến đóng ở Thuận Kiều, gia nhập quân đội của triều đình. Trong chiến trận, ông thường đi tiên phong, lập nhiều chiến công, cổ vũ quân lính hăng hái giết giặc.

Tháng giêng năm Tân Dậu (1861), quân Pháp tấn công Gia Định lần thứ 2. Trương Định chiến đấu dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Ngày 24/2 năm 1861, Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Định rút quân về đóng ở Biên Hòa chờ dịp đánh xuống Chợ Lớn Gò Công. Ông bí mật liên hệ với nhiều sĩ phu ở Biên Hòa như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị đến bày mưu tính kế. Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương, Phan Văn Đạt đến giúp chỉ huy. Thanh thế, lực lượng của ông rất mạnh, ông cho quân đánh phá các nơi, làm cho quân Pháp khốn đốn.

Ngày 01/4/1861, giặc Pháp hành quân tiến về tỉnh thành Mỹ Tho, Nghĩa quân Trương Định cùng các lực lượng nghĩa quân khác chặn đánh quyết liệt, giết chết nhiều tên giặc, trong đó có tên đại tá chỉ huy trưởng Bourdeus. Giặc Pháp phải mất 12 ngày mới tới được Mỹ Tho.

Ngày 15/4/1861, quân Pháp đánh chiếm được tỉnh thành Định Tường. Lãnh phủ Nguyễn Hữu Thành chỉ huy quân triều đình bỏ chạy, chỉ còn các đơn vị nghĩa quân hoạt động, trong đó nghĩa quân Trương Định là mạnh hơn cả.

Tháng 9 năm 1861, khi đó Trương Định giữ chức Phó quản cơ Gia Định, ông đã cùng với Tri huyện Lưu Tuấn Thiện và Bát phẩm thơ lại Lê Quang Quyền tích trữ lương thực, rèn đúc súng đạn, chiêu mộ hơn 6000 nghĩa quân. Nhân lính Tây không am hiểu đường xá, ông thường đem quân đi phục kích, thu nhiều thắng lợi nhỏ. Triều đình Huế nghe tin thăng ông lên Phó lãnh binh tỉnh Gia Định. Tháng 11 năm ấy, quân Pháp hãm thành Biên Hòa, Triều đình có chỉ nghiêm trách Hiệp tán quân vụ Thân Văn Nhiếp và Khâm phái quân vụ là Nguyễn Túc Trưng phải tìm đường tới hội ở Tân Hòa mưu tính thu phục lại thành Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang trước đó đã đi đường khác tới hợp lực với Trương Định. Lúc ấy Trương Định đã chiếm cứ Quy Sơn, quân đông quá 5000 người. Ông nghĩ rằng Nguyễn Túc Trưng là vị quan to của triều đình, nên tôn làm chỉ huy. Thấy thế giặc mạnh Túc Trưng không dám tiến, chỉ ngồi yên cố thủ ở hạt Tân Hòa mà thôi.

Ngày 16/12/1861 (rằm tháng 11 năm Tân Dậu), Thủ lĩnh nghĩa quân Tân An – Cần Giuộc1 là Đốc binh Là (còn gọi là tổng Là) chỉ huy đón đánh quân Pháp tấn công Cần Giuộc, Thủ lĩnh Gò Công là Trương Định đem quân tới phối hợp cùng nghĩa quân của Cai tổng Là chủ động tấn công quân Pháp ở đồn Cần Giuộc trước. Trong trận này nghĩa quân và quân Pháp đều bị thiệt hại nặng nề.

Ngày 17/2/1861, Trương Định chỉ huy nghĩa quân tiến công đồn Rạch Tra thắng lợi . Đêm 17 rạng ngày 18/2/1861, nghĩa quân Trương Định có 1200 người chia làm hai mũi tấn công đồn Đồng Môn (Long Thành) gây thiệt hại nặng nề cho quân Pháp.

Ngày 18/12/1861 Trương Định tấn công đồn Thuận Kiều (Gia Định), tiêu diệt nhiều sinh lực địch, Bonnard phải xin viện binh từ Thượng Hải để tấn công Gò Công, căn cứ của Trương Định. Một mặt chúng yêu cầu triều đình phải giải tán quân đội Trương Định. 

Tháng 3/1862, Tự Đức cho Trương Định kiêm chức Tổng chỉ huy Đầu mục ở Gia Định (tức toàn bộ số quân mộ ở Gia Định). Trương Định đóng quân ở xứ Gò Công Thượng thuộc huyện Tân Hòa, Nghĩa quân được phiên chế thành 18 cơ. Từ căn cứ Trương Định điều động quân tấn công các doanh trại, đồn binh Pháp thu vũ khí. Ông còn lập xưởng đúc súng theo mẫu súng của Pháp.

Tháng 5/1862, Bonnard sai trung tá Hải quân Simon đem chiến thuyền tiến vào cửa biển Thuận An hoạt động quân sự, gây sức ép buộc triều đình Huế giảng hòa. Ít ngày sau Simon trở lại Thuận An mang theo tối hậu thư của Bonnard buộc triều đình Huế phải phái ngay sứ thần có đầy đủ thẩm quyền vào Sài Gòn bàn định, lập Hiệp ước.

——————————————————
(1) Quận Cần Giuộc nay thuộc Chợ Lớn. Sau khi bị quân Pháp chiếm, ngày 14/12/1861. Thống quân Bùi Quang Diệu chỉ huy đánh trận Cần Giuộc.

 
Tự Đức hoảng sợ, ngày 26/5/1862, Triều đình cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Lâm Duy Hiệp làm phó sứ vào Sài Gòn. Ngày 5/6/1862, Triều đình Huế ký Hiệp ước “Hòa bình và Hữu nghị” với Pháp và Tây Ban Nha. Đại diện Pháp là Bô na. Thiếu tướng Hải quân Phó Đô đốc – Tổng chỉ huy quân Pháp – Tây Ban Nha, Đại tá Guttirie (Guitterez) chỉ huy quân viễn chinh Tây Ban Nha tại Nam Kỳ. Triều đình Huế nhu nhược đã ký Hòa ước Nhâm Tuất nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Tự Đức cho Phan Thanh Giản vào truyền dụ của Tự Đức thăng chức Lãnh binh An Giang cho Trương Định, đồng thời ra lệnh cho ông bãi binh. Trương Định chống lệnh của Triều đình tiếp tục đánh phá các đồn binh Pháp mạnh mẽ, khiến chúng bị thiệt hại nặng nề. Triều đình Huế khép ông vào tội phản nghịch, song ông vẫn giữ vững ý chí chiến đấu.

Tháng 8 năm 1862, triều đình lại một lần nữa hạ lệnh cho nghĩa quân đình chỉ mọi cuộc tấn công và điều Trương Định về Phú Yên. Bọn Nguyễn Túc Trưng giải tán nghĩa binh rồi gửi thư bảo ông Trương Định mau theo đường tắt đi ngay. Trương Định cho vợ con đi trước, một mình ở lại kiểm điểm quân số sẽ đi sau. Nhưng những người ứng nghĩa ở Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, không muốn giải binh, cố lưu ông Định lại. Họ nói với nhau rằng:“Bọn Tây bị dân ta nhiều lần đánh lui, nay chúng được triều đình giảng hòa, chắc chắn chúng sẽ giết hại bọn ta. Vả lại bọn Tây lấy binh lực uy hiếp, bắt ta hòa, nhưng chúng không thành thực, nay Triều đình giảng hòa với chúng, bọn ta không nơi nương tựa, sao bằng hợp lực đánh lại chúng, giữ lấy một mảnh đất để cùng nhau bảo toàn tính mạng”.

Mọi người đều cho là phải, liền cử Trương Định giữ binh quyền. Lúc ấy có Phạm Tuất Phát ở Tân Long đem thư các nghĩa hào đến tỏ ý muốn cử Định làm chủ soái để ra sức trừ giặc. Tức thì mọi người xây đàn tôn Trương Định làm Chủ soái. Ông tự xưng là “Bình Tây Đại nguyên soái” cử Trịnh Quang Nghị làm Tham tán quân vụ và bố trí các cơ quan viên chức mặt đông nam ra tới biển, mặt tây lên đến Hoa Cương. Tại các nơi hiểm yếu đều sai quân lính phòng giữ. Trương Định tự đem đại quân đóng ở Gò Công. Từ Động Cây Đa đến đập Ông Canh, từng đoạn một, đều đắp lũy để cản quân Tây đột nhập. Trương Định lại đúc thêm đại bác, kén chọn quân lính các huyện, bổ sung vào các đồn thuộc Tân Hòa, phòng thủ chắc chắn để làm kế lâu dài. Sau đó Trương Định truyền Hịch cho nhân dân kêu gọi kháng chiến, ông viết:

Tưởng có lời ca rằng:
Nước có nguồn, cây hoa có gốc
Huống chi người sinh ra có da, có tóc
Mà sao không biết chúa, biết cha,
Huống chi người sinh có nóc, có gia
Mà sao không biết trung; biết hiếu…
Hai vai nặng trĩu: gánh chi bằng gánh cương thường!
Tấc dạ trung lương; gồng chi bằng gồng xã tắc
Làm người sao khỏi thác
Thác trung thần thác cũng thơm danh
Làm người ai chẳng ham danh
Lòng địch khái xin cho rõ hết”.

(Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, trang 367).

Các nghĩa hào đều theo mệnh lệnh của ông; các phủ huyện cũng vận tải tiền gạo đến cung cấp. Trương Định thường mổ trâu bò khao thưởng tướng sĩ, ai có công khen thưởng biểu dương kịp thời, nên ai cũng đồng lòng gắng sức. Quân do Trương Định trực tiếp chỉ huy và quân của Phạm Tuấn Phát đóng ở Hắc Khẩu, quân của Bùi Huy Diện đóng ở Cần Đước, quân của Tuyên úy phủ sứ Nguyễn Văn Trung đóng ở Tân Thành là khá nghiêm chỉnh, thanh thế.

Vì hòa ước đã thành, nên Tây soái không động binh và nhiều lần thúc giục quan tỉnh Vĩnh Long gửi thư cho Trương Định khuyên bãi binh. Thư qua lại ba lần Trương Định vẫn không nghe. Đình thần hội bàn cho rằng việc miền Bắc đương còn khó khăn, miền Nam chưa có cơ hội, cử Phan Thanh Giản vào “hiểu dụ”, Trương Định và nghĩa quân. Trương Định nhất quyết không chịu về Phú Yên nhận chức mới. Triều đình liền cách chức hàm Phó lãnh binh của ông.

Tháng 10/1862, Phan Thanh Giản lại xin Tự Đức ra sắc chỉ gọi Trương Định về và giải tán nghĩa binh của ông. Trương Định cương quyết chống lệnh triều đình và cùng với dân binh ứng nghĩa của Nam Kỳ Lục tỉnh tiếp tục kháng chiến chống giặc Pháp.

Khởi nghĩa của Trương Định gây cho quân Pháp rất nhiều khó khăn, báo chí Pháp khi đó đã phản ánh: “Đâu đâu cũng là trung tâm kháng chiến, có bao nhiêu người An Nam thì bấy nhiêu trung tâm kháng chiến”.

Trương Định càng ý thức được sâu sắc sứ mạng của mình trước nguy cơ đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Ông được nghĩa quân kính trọng, nhân dân mến mộ, tin tưởng, nên ông dã tự khẳng định: “Từ ngày lòng dân đã muốn ta lên làm Nguyên nhung ba tỉnh, trước hết ta cố gắng điều khiển Tân Hòa chống quân cướp nước, để cuối cùng, sau dứt một tiếng trống, dân chúng đều thở không khí thong thả”. (GS Nguyễn Phan Quang – Lê Hữu Phước: Khởi nghĩa Trương Định. NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1989)

Trong lúc ấy Trương Định giả lệnh vua, truyền đi các nơi để cổ động dân chúng, Bonnard ngờ triều đình có lệnh thật, nên sai quân tấn công Quy Sơn. Trương Định lập kế dụ quân Pháp vào chỗ lầy, giết chúng rất nhiều.

Tháng 12/1862, quân Pháp tập trung chiến thuyền ở Dung Giang (tức sông Gò Công) cho lính đổ bộ vây đánh. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng nề, song quân Pháp cũng bị thương vong lớn.

 
Đô đốc Bonnard viết thư dụ dỗ ông đầu hàng ngay sau trận đánh, trong thư trả lời, ông tuyên bố: “…Triều đình Huế không công nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta”. (Tuyên bố của Trương Định trả lời thư dụ hàng của Bonard tháng 12/1862).

Quân Pháp huy động toàn bộ binh lực cùng quân triều đình với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại như súng bắn nhanh liên thanh, đại bác, tầu chiến bao vây, liên tục tấn công nghĩa quân, nên nghĩa quân không giữ nổi các đồn lũy, nhiều tướng lĩnh hy sinh, một số bỏ chạy. Trương Định lâm vào cảnh thế cô. Tháng 12/1862 quân Pháp tập trung quân đánh vào Tân Hòa, chia làm ba đạo. Một đạo do đường biển đánh vào Lảng Lộc, một đạo đi theo Kỳ Man Giang, dùng tầu chiến chở quân đánh vào đồn Hoa Cương, còn đạo binh đánh thẳng vào Quy Sơn. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt, Trương Định thân chỉ huy quân sĩ đánh liền ba ngày, ba đêm không nghỉ.

Phan Thanh Giản đã bốn lần làm trung gian đưa thư của Pháp dụ Trương Định ra hàng, ông đều cự tuyệt và cương quyết chống Pháp. Triều đình Huế cách chức ông, bọn Pháp tìm cách giết ông, ông vẫn vững vàng quyết tâm kháng chiến.

Ngày 17/1/1863, Trương Định ban Hịch đánh Tây “Sẵn sàng chiến đấu ở miền Đông cũng như ở miền Tây”, Tuyên cáo với các quan lại Vĩnh Long.

Ngày 25/2/1863 (7 tháng Giêng năm Quý Hợi) quân Pháp đánh úp Lý Nhơn. Thuốc súng hết, Tây binh trèo lũy đánh vào đồn, nghĩa quân tan vỡ, Trương Định thoát chết bị Tây đuổi theo, phải cùng bộ ba trốn vào một rừng cây gần bờ biển. Con ông là Trương Quyền thường gọi là “Nhị lang quân” (Cậu Hai) tiếp tục cùng cha thu thập tàn quân tính việc khởi binh lại. Quân các nơi tụ hội về. Khi đã có lực lượng, Trương Định đưa quân ra đóng ở Phước Lộc tính việc khởi binh lại.

Tháng 2/1863, quân pháp tổng công kích vào đại bản doanh của Trương Định ở Gò Công. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt ba ngày liền. Ông cùng các tướng chỉ huy quân sĩ đánh trả quyết liệt. Song nghĩa quân bị tiêu hao lực lượng, Gò Công thất thủ lần thứ hai, ông buộc phải rút về Rừng Sát gần biển tiếp tục kháng chiến.

Với khí phách anh hùng và lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, trong lúc thất thế ông vẫn được toàn thể nghĩa quân và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Mọi người suy tôn ông là “Bình Tây Đại nguyên soái, Trung Thiên tướng quân”.

Ngay trong tháng 2 năm 1863 khi rút ra Rừng Sát ông đã nhân danh toàn thể dân chúng Gò Công gửi Tuyên bố cho giặc Pháp, trong đó có đoạn: “…Chúng ta thề sẽ đánh mãi và không ngừng, khi ta thiếu tất cả, ta sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm vũ khí cho binh lính ta”.

Sau lời Tuyên bố thể hiện quyết tâm kháng chiến đến cùng trên “Bình Tây Đại nguyên soái, Trung Thiên tướng quân” Trương Định đã gửi “Hịch đánh Tây” cho các đạo nghĩa quân từ Tân Long, Bình Dương, Bình Long cho tới Biên Hòa đồng ngày tấn công Mai Sơn, phía tây Thuận Kiều. Lại truyền các đồn ở Thác Phúc, Tuy Bình, An Long đến đánh để chia sức giặc. Trong “Hịch đánh Tây” có đoạn:

Đêm năm canh thương người chính liệt
Ngày sáu khắc nhớ kẻ trunlg thần
Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng binh
Cờ đề chữ “Bình Tây Đại tướng”.

Trong 2 năm xây dựng căn cứ ở Rừng Sát, lực lượng nghĩa quân phục hồi nhanh chóng, liên tiếp đánh quân Pháp ở khắp nơi. Nghĩa quân Trương Định chiến đấu khắp ba lỉnh miền Đông Nam Bộ rồi đánh sang cả vùng Đồng Tháp Mười. Nhiều trận đánh như trận tấn công thành Gò Công và Gò Đen (Tây An), vây đánh đồn binh Thuộc Nhiêu buộc quân Pháp phải bỏ thành tháo chạy. Quân Pháp ở Nam Kỳ không chống nổi các đòn sấm sét của nghĩa quân Trương Định, chúng phải cầu viện binh từ Pháp, Trung Quốc, Philippin tới. Khi có viện binh, quân Pháp mở những trận phản công lớn, ác liệt vào các cứ điểm của nghĩa quân.

Ngày 26/2/1863 , quân Pháp huy động lực lượng lớn bao vây căn cứ Gò Công. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go quyết liệt, nhiều chiến hữu của Trương Định hy sinh, trong đó có hai phó tướng là Đặng Kim Chung và Lưu Hải Đường. Trương Định phải phá vây chạy về lập căn cứ mới ở làng Lý Nhân, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, âm thầm củng cố lực lượng, chờ thời cơ phản công.

Đầu tháng 8/1864, Trương Định một lần nữa gửi “Hịch đánh Tây”, sau này sử sách gọi là “Hịch Trương Định” cho khỏi nhầm lẫn với “Hịch đánh Tây” của ông tháng 2 năm 1863. Trong Hịch có đoạn: “Lòng dân đã muốn ta đi lên làm Nguyên nhung ba tỉnh, ta trông vào lòng yêu thương không phai nhạt của mọi người đối với ta. Thế là xong, bất dung tha cho giặc cướp…”.

Giặc Pháp không đánh bại được Trương Định trên chiến trường, và thư dụ hàng. Chúng mua chuộc Huỳnh Công Tấn (Đội Tấn) là một nghĩa quân thân tín của ông. Năm 1862, Đội Tấn về hàng pháp, theo đạo Thiên Chúa. Đêm 19 rạng ngày 20/8/1864 , Tự Đức thứ 17 (1864) theo kế hoạch của Pháp, Đội Tấn khuyên Trương Định trở lại thôn Phước Lộc để đánh úp Tân Hòa làng Tân Phước. Trương Định tin lời hắn, đưa quân về thôn Phước lộc. Tên Tấn đã báo trước cho Pháp, nên khi Trương Định đưa quân tới bị lọt vào ổ phục kích của quân Pháp. Trương Định bị thương nặng, biết khó thoát, ông liền rút dao găm trong người tự vẫn. Hôm đó là ngày 20 tháng 8 năm 1864, khi ông mới 44 tuổi.

Năm Tự Đức 27, triều đình hiểu công lao của ông đã ban thưởng ruộng đất, tiền bạc cho vợ con ông để sinh sống.

Ngôi mộ của ông hiện còn ở Gò Công, được xây dựng bằng đá vôi rất lớn, xung quanh có vòng thành rộng, thấp. Trước bia mộ có khắc dòng chữ “ĐẠI NAM LÃNH BINH KIÊM BÌNH TÂY ĐẠI TƯƠNG QUÂN TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH CHI MỘ”.

Tại ấp Núi Đất, khu phố 1, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa nhân dân xây dựng ngôi đình thờ ông từ năm 1966.

Nhân dân Nam Kỳ lập đền thờ ông ở nhiều nơi như Gò Công, Tân An, Mỹ Tho… Bà Lê Thị Thưởng vợ cả của ông về làng Từ Cung Nam ở phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thờ phụng ông ở từ đường dòng họ. Về phần mộ của ông, ngay sau khi ông hy sinh, bà Trần Thị Sanh, vợ thứ của ông đã cùng nhân dân làm lễ an táng trọng thể, bà đứng ra xây mộ cho ông. Trên mộ có bia khắc: “ĐẠI NAM AN HÀ LÃNH BINH KIÊM BÌNH TÂY ĐẠI TƯỚNG QUÂN TRƯƠNG CÔNG HÚY ĐỊNH CHI MỘ”. Thấy nhân dân đến lễ bái đông, bọn cầm quyền Pháp ra lệnh đục chữ “Bình Tây Đại tướng quân” và phạt tiền bà Trần Thị Sanh.

Công lao, sự nghiệp đánh giặc của ông chẳng những được nghĩa quân và nhân dân ngưỡng mộ, mà vua Tự Đức là người đã khép ông vào tội phản nghịch khi ông chống lệnh bãi binh của chính nhà vua đã chuẩn cho ban cấp 5 mẫu ruộng và sai lập đền thờ ông. Đại Nam thực lục chính biên tập 34 và tập 35 đã chép như sau: “Cho ruộng thờ cúng Lãnh binh quan đã chết là Trương Định. Khi bấy giờ Bố chính xứ Quảng Ngãi là Trà Quý Bình tâu lên nói một nhà Trương Định cha con trung nghĩa trên đều soi xét đều hết từ lâu, xin cấp cho công thờ cúng, để xung vào đèn hương. Viện Cơ mật xét lại và cho rằng người trong Nam mộ nghĩa như Trương Định thì có nhiều, chỉ thành tích chưa được hoàn toàn, nên đều chưa được xét đến, nghĩ nên đợi sẽ thi hành sau. Vua không nghe, chuẩn ban cấp ngay cho 5 mẫu ruộng thờ cúng… nhưng trích ruộng ở nơi cận, tiện chỗ để cấp, lấy người họ ấy là Văn Hổ làm thừa tự, trông coi cầy cấy để thờ phụng”.2

Năm sau vua Tự Đức lại sai làm đền thờ cúng Trương Định: “Vua thương Trương Định là người trung, năm trước đã cấp 5 mẫu ruộng thờ cúng, đến nay lại sai làm đền thờ ở xã Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi để thờ” (sách Đạt Nam thực lục chính biên, tập 35 (1881-1883), NXB Khoa học xã hội. Hà Nội. 1974. tr 16).
Đền thờ ở làng Tư Cung, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, nay chỉ còn dấu tích là cái nền. Tại Gò Công Đông, năm 1964, chính quyền Sài Gòn dựng lại đền, năm 1972 nhân dân Gò Công Đông xây lại đền thờ. Đền được tôn tạo từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1989.

Ngày 20/8/2004, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi – Gò Công (Tiền Giang) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 140 năm ngày mất của Trương Định. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư kinh phí xây dựng lại đền thờ Trương Định ngay tại làng Tư Cung, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

——————————————————-
(2) Sách Đại Nam Thực lực chính biên, tập 34.
– Số ruộng trên: bị Nguyễn Thân người quê Mộ Đức khi mới làm Quyền Tiễu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định đã chiếm trên 1.000 mẫu ruộng ở Quảng Ngãi (khi hắn đàn áp phong trào Cần Vương những năm 1885-1887) trong đó huyện Sơn Tịnh bị chiếm hơn 50 mẫu, thì có 5 mẫu ruộng thờ cúng Trương Định.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.