284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

VĂN ĐỨC GIAI



Văn Đức Giai sinh năm Đinh Mão (1807), người xã Phú Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Năm Quý Mão (1843), ông 37 tuổi, thi đỗ Hương cống. Năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), ông 38 tuổi thi đỗ Tiến sĩ. Ông sớm mồ côi cha, thờ mẹ rất có hiếu. Thi đỗ tiến sĩ, nhưng ông vẫn ở nhà nuôi mẹ đau yếu. Hơn 10 năm sau, mẹ ông mất, ông mới nhận chức Đốc học lần lượt ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau đó ông được triều đình điều về kinh đô Huế đứng đầu tòa Ngự sử. Ông nổi tiếng là người cương trực, các quan có chức tước to hơn, nhưng làm việc sai trái, ông đều dâng sớ đàn hặc.

Tháng 2 năm 1861, triều đình cho ông mộ quân nghĩa dũng tòng chinh vào Nam chống nhau với quân Pháp ở quân thứ Gia Định. Ông dũng cảm, có cơ mưu trong chiến trận, đánh thắng nhiều trận lớn. Ông được thăng tới chức Bố chính Phú Yên. Ông được vua Tự Đức ban khen, cho đổi tên là Khuê (viên ngọc quý). Từ đó ông có tên mới là Văn Đức Khuê.

Năm Nhâm Tuất (ngày 5/6/1862), triều đình Huế ký hòa ước với Pháp, ông phải bí mật tìm đường ra Huế. Đầu năm 1863, Triều đình cử ông ra làm Tán lý quân vụ ở quân thứ Hải – Yên (Hải Dương – Quảng Yên) cùng với Trương Quốc Dụng đánh dẹp. Hai ông đánh thắng một số trận tiêu diệt nhiều sinh lực giặc, thu được nhiều súng bắn nhanh do thực dân Pháp cung cấp cùng kế hoạch bành trướng của đạo Thiên chúa ở Bắc Kỳ.

Trong một trận ác chiến diễn ra vào tháng 6/1884 , hai ông bị giặc Tạ Văn Phụng bao vây, các ông mở đường máu phá vây, nhưng không thành. Hai ông hy sinh. Triều đình truy tặng ông chức Tuần phủ.
Nhân dân vùng Quảng Yên lập đền thờ hai ông gọi là “Song Trung từ”. Bài vị hai ông được đưa vào “Hiền lương từ” ở Kinh đô Huế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.