284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

Võ Hoành



Võ Hoành hiệu Ngọc Tiên, sinh năm 1867 thuộc dòng dõi thế gia quê ở làng Thịnh Liệt, tục gọi là làng Quang, huyện Thanh Đàm, tỉnh Hà Đông, nay Thịnh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Võ Hoành đi thi mấy khoa nhưng không đỗ. Ông tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, là hội viên Tán trợ, lãnh trách nhiệm cổ động và quyên tiền cho trường. Ông còn giữ đầu mối liên lạc với các đồng chí ở trong nước với nước ngoài.

Trường Đông Kinh nghĩa thục được thành lập từ chủ trương của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh hai yếu nhân của hội Duy tân, nhưng cũng là thủ lĩnh của hai xu hướng: bạo động và cải cách, nên trường cũng tập hợp người của hai xu hướng đó. Võ Hoành được coi như người đứng đầu phái theo xu hướng bạo động. Các ông không chỉ đơn thuần là dạy học trò nâng cao kiến thức, mở mang dân trí, mà còn khơi dậy lòng yêu nữớc, căm thù giặc hướng quốc dân đồng bào đi vào con đường vũ trang khởi nghĩa

Những hoạt động tích cực của Võ Hoành đối với trường Đông Kinh Nghĩa thục và trong các tầng lớp nhân dân như truyền bá văn thơ yêu nước trong trường Đông Kinh Nghĩa thục, ngoài xã hội; quan hệ mật thiết với những người có xu hướng bạo động, quyên góp tiền cho trường, ngợi ca cuộc chiến đấu của Đề Thám của ông đã bị mật thám Pháp theo dõi. Sách Đông Kinh nghĩa thục của Chương Thâu đã dẫn nhận xét về ông của thực dân Pháp:

“Một phần tài liệu giảng dạy quan trọng ở trường Đông Kinh từ nước ngoài gửi về, trong đó có những tác phẩm của Phan Bội Châu như Hải ngoại huyết thư được nhà trường dịch ra ba thứ tiếng Hán, Nôm, Quốc ngữ phổ biến rộng rãi. Theo dõi hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, bọn mật thám phát hiện: “Cứ ba, bốn ngày một lần, Võ Hoành bí mật tập hợp một số người tại nhà riêng để đọc tài liệu từ Hại gửi về và mưu toan hưởng ứng cuộc bạo động của Phan Bội Châu tổ chức”.

Khi trường Đông Kinh nghĩa thục bị Phủ Thống sứ Bắc Kỳ giải tán, Võ Hoành vẫn bí mật phân phát những tài liệu giảng dạy ở trường trong các tầng lớp nhân dân ở Hà Nội. Cuối năm 1907 khi Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Hoa Thám cử Đội Hổ, Chánh Tỉnh, Chánh Song về bắt liên lạc với ông và các ông Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền, Đồ Đàm, Đội Bình, Đội Nhân thành lập đảng Nghĩa Hưng ở Hà Nội thì Võ Hoành có nhiều đóng góp quan trọng.

Khi vụ “Hà thành đầu độc” năm 1908 nổ ra Võ Hoành cũng nhiều yếu nhân của trường Đông Kinh Nghĩa thục tham gia. “Vụ Hà Thành đầu độc” thất bại, giặc Pháp bắt Võ Hoành kết án chung thân khổ sai đầy ra Côn Đảo. Ông được tha trước thời hạn, năm 1909 nhưng bị bọn Pháp an trí ở Sa Đéc. Tuy bị Pháp an trí, nhưng vẫn hăng hái hoạt động cách mạng. Mặc dù bọn cầm quyền Pháp kiểm soát rất ngặt Võ Hoành vẫn liên lạc được với Nguyễn Quyền bị an trí ở Bến Tre, Dương Bá Trạc bị an trí ở Long Xuyên, Lương Văn Can bị an trí ở Nông Pênh. Năm 1914 cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Hồ Chủ tịch đã tới Sa Đéc gặp Võ Hoành, cùng gặp gỡ các nhà chí sĩ ở Bắc Kỳ bị an trí ở Nam Kỳ để bàn kế hoạch tổ chức lực lượng yêu nước và cũng để hỏi thăm tin tức của Nguyễn Ái Quốc…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.