284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

VÕ TRỨ



Võ Trứ còn có tên là Võ Văn Trứ, Nguyễn Trứ, Võ Thản, quê ở làng An Nhơn, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, Bình Định, sau dời về làng Quang Vân cũng thuộc phủ Tuy Phước. Võ Trứ là một bộ tướng của Mai Xuân Thưởng.

Khi Mai Xuân Thưởng hy sinh, nghĩa quân tan rã, Võ Trứ trở về Phù Cát, khoác áo thày tu, đến chùa Đá Bạc giúp thày chùa bắt mạch kê đơn, bốc thuốc cứu giúp người nghèo. Ông là người thông thạo thuốc Nam, thường dùng ngay những cây thuốc trồng trong vườn chùa và cây tự nhiên mọc trong vùng làm thuốc. Trong các buổi giảng giải kinh sách Phật ông đã khéo léo kích động lòng yêu nước của các tín đồ lên án giặc Pháp và bọn tay sai bán nước. Tín đồ theo về ngày càng đông. Trần Cao Vân nghe những lời đồn đại về vị thày chùa đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng, nay chuyên làm việc thiện cứu dân, liền đến chùa làng Chánh Danh tìm. Song ông được các Phật tử ở chùa cho biết thày Võ Trứ đang đi phân phát thuốc cho dân không rõ ở làng xã nào, nên ông đành quay trở về Bình Định.

Võ Trứ về đến chùa Chánh Danh được các đệ tử trao cho bức thư của Trần Cao Vân để lại. Võ Trứ từng được nahe những người vêu nước ở Phú Yên ca ngợi thày địa lý họ Trần giỏi Kinh dịch đang hoàn thiện thuyết “Trung Thiên dịch” liền thu xếp đi ngay thành Bình Định để gập Trần Cao Vân.

Hai người cùng có chung một hoàn cảnh, cùng có tấm lòng thiết tha yêu nước gặp gỡ nhau lần đầu, song tâm đầu, ý hợp đã nhanh chóng trở thành đôi bạn tri kỷ. Hai ông nhận định sau khi thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa ở Bình Định Mai Xuân Thưởng hy sinh, khởi nghĩa tan rã (1887), gần đây nhất (1895) khi Phan Đình Phùng mất, khởi nghĩa cũng thất bại. Các cuộc khởi nghĩa khác cũng bị giặc đàn áp từ khi mới phôi thai, cả nước chỉ còn cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Vì vậy cần có ngay cuộc khởi nghĩa ở xứ Trung Kỳ để thức tỉnh đồng bào và cũng để cho thực dân Pháp thấy rõ tinh thần quật cường của người Việt Nam. Vì thế hai ông quyết định gấp rút chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở hai tỉnh Bình Định, Phú Yên mà Phú Yên là trọng điểm. Trần Cao Vân ở lại Bình Định một thời gian ngắn rồi cũng vào Phú Yên làm tham mưu cho Võ Trứ.

Võ Trứ đã hoạt động tích cực ở ba huyện Bắc Phú Yên. Đi đến đâu Võ Trứ cũng giúp đỡ dân, bốc thuốc, chữa bệnh cho dân, cung cấp dao phát, dao quắm, rìu cho dân đi rừng làm rẫy. Ông cũng nói rõ những nỗi nhục của người dân mất nước, khơi gợi lòng căm thù giặc Pháp. Thực dân Pháp và Nam triều sợ ảnh hưởng của ông lan rộng trong dân chúng, nên vu cáo ông biển thủ công quỹ, trốn đi ở chùa để hạ uy tín ông. Song đồng bào các tầng lớp nông dân, dân nghèo, trí thức người Việt, các tầng lớp tăng ni, phật tử đồng bào các dân tộc ở miền Tây hai tỉnh Phú Yên, Bình Định vẫn tin yêu, kính trọng ông. Giặc Pháp cho mật thám theo dõi, lùng bắt ông khắp nơi. Nhưng nhờ có tinh thần cảnh giác cao, có tài hóa trang, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, nên ông vẫn an toàn. Thực dân Pháp, quan lại Nam triều đồn đại tung tích kì dị của ông, để che giấu nỗi bất lực của mình là: “Nghe đồn rằng vị sư ấy là Tiên, ban đêm cưỡi chim hai cánh bay rất nhẹ nhàng!”. Các ông đã sử dụng giáo lý của nhà Phật để phát triển đức tin trong các tầng lớp nhân dân vào công cuộc phục quốc. Ông thuyết phục đồng bào Thượng ở vùng núi Phú Yên trên dải Trường Sơn đi theo con đường chống Pháp cứu nước.

Ông đã thành lập đội nghĩa binh, dự định tập kích trại lính để cướp súng rồi tiến đánh dinh công sứ, dinh tuần phủ và các lỵ sở khác. Song cuộc khởi nghĩa thất bại, Võ Trứ, Trần Cao Vân trốn tránh trong các làng đồng bào Thượng được đồng bào che chở an toàn.

Võ Trứ thấy giặc bắt rất nhiều đồng đội của mình và đồng bào tra tấn cực kỳ dã man và giết hại, đốt phá các làng, tàn phá trâu bò, ngô lúa. Khắp hai tỉnh Phú Yên, Bình Định nơi nào cũng khói lửa ngút trời.

Để cứu đồng đội và đồng bào, ông ung dung tự ra cho giặc bắt. Giặc tra tấn Võ Trứ vô cùng dã man, hết bọn mật thám Pháp lại đến bọn bố chính Bùi Xuân Huyến tra tấn ông cực kỳ man rợ, song ông nhận hết trách nhiệm về mình, không hề khai cho ai. Giặc đưa ông ra pháp trường chém, cho đến lúc chết ông vẫn ung dung.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.