284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

VŨ DUY THANH



Vũ Duy Thanh sinh giờ Tý ngày 9 tháng 8 năm Đinh Mùi, Gia Long 6 (1807). Ông quê ở làng Kim Bồng, tên Nôm gọi là làng Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Ông là người thông minh từ nhỏ, sách chỉ đọc một lần là nhớ. Năm 14 tuổi đã thông làu kinh sách, xuất khẩu thành thơ. Nhưng số ông lận đận trên con đường khoa cử, năm 35 tuổi mới đỗ tú tài Thi Hội mấy lần đều hỏng. Mãi đến năm Tự Đức thứ 4 (1852), Tự Đức mở chế khoa, ông đỗ đầu, nhưng triều đình không lấy Trạng nguyên nên ông chỉ đỗ Bảng nhãn. Song nhân dân yêu mến vẫn gọi là Trạng Bồng.

Ông được bổ nhiệm làm Tế tửu Quốc tử giám.

Vũ Duy Thanh chỉ là quan Tế tửu Quốc tử giám không có trách nhiệm gì về đê điều, về đời sống của nhân dân, về an ninh của đất nước, nhưng với lòng yêu nước, thương dân cháy bỏng đứng trước thảm cảnh từ năm 1851 đến năm 1855 , Thanh Hóa và Bắc Kỳ bị vỡ đê liên tiếp, ông đã dâng biểu xin vua phát 10.000 hộc thóc trong kho dự trữ để bán, và cho dân Thanh Hóa, Bắc Kỳ vay. 

Vũ Duy Thanh trong công việc thì ngay thẳng, công minh và thanh liêm. Nhưng đối với đồng sự và mọi người, ông cư xử rất giản dị, vui vẻ.

Tháng 9/1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công vào bán đảo Sơn Trà ông cảm khái nói: “Tương lai, sự thể chỉ có tranh (luận) về hòa với chiến”.

Đồng thời ông dâng sớ đề nghị triều đình tăng cường lực lượng quốc phòng và cải cách nội trị, cụ thể là tổ chức lại việc học, chỉnh đốn việc phòng bị hải phận và khuyếch trương nền kinh tế trong nước.
Vũ Duy Thanh còn đề nghị Triều đình phải cử người đi học sản xuất vũ khí, đóng tầu biển của phương Tây, phải mua vũ khí của phương Tây trang bị cho quân đội. Ông còn dùng tiền riêng của mình để đóng tầu chiến kiểu “Thủy chiến hỏa công”. Ông cũng là người đề nghị tổ chức khai thác than đá ở Đông Triều, Hòn Gai và nhiều cải cách về việc học, về nội thương, ngoại thương.

Song những kiến nghị của ông bị Tự Đức xếp lại, không thảo luận, không thực hiện. Trước cảnh nước mất nhà tan, Vũ Duy Thanh đau buồn lâm bệnh nặng. Trước khi chết ông còn gửi lên vua Tự Đức bảy phương sách cứu nước. Đến nay bản điều trần này đã bị thất lạc.

Vũ Duy Thanh sáng tác nhiều thơ ca, trong đó có những bài như:

TIỄN NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Non nước vì đâu đến nỗi này?
Đủ tài kinh tế dễ ai hay
Bắc Nam phận cả không từ chối,
Sương tuyết lòng xưa chẳng đổi thay,
Một ngọn cờ đào dong thẳng nẻo ,
Chín lần gươm báu đã trao tay
Sóng kình mong mỏi đều im lặng
Tiệc rượu hoàn quân ắt có ngay.

(Theo thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, NXB Văn học).

Khi các sĩ phu Nam Kỳ cùng nhân dân đánh Pháp, Vũ Duy Thanh làm bài thơ “Gửi sĩ phu Nam Kỳ” để khích lệ, biểu dương các sĩ phu Nam Kỳ.

GỬI SĨ PHU NAM KỲ

Nam Bắc đâu đâu cũng một trời,
Tấc lòng, tấc đất hỡi ai ơi!
Trăm năm công đức nên ghi dạ,
Một gánh cương thường phải ghé vai,
Sự thế ngán thay cơn gió bụi,
Anh hùng bao quản bước chông gai
Hoài nam khúc cũ ai còn nhớ
Còn nhớ cùng nhau hóa mấy bài.

(Theo Tài liệu của Đào Trình Nhất trong báo 
Trung Bắc Chủ nhật số 227 ngày 5/11/1944
).

Hiện nay Vũ Duy Thanh còn lại một số tập thơ văn như “Bổng Châu thi văn tập”“Bổng Châu Vũ tiên sinh thi văn”.

Ông mất năm Quý Hợi (1863).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.