284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

VƯƠNG THỨC



   Vương Thức sinh năm 1830 người làng Trung Lương, huyện Đông Thành, nay là làng Xuân Đào, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

   Năm 1879 , dân làng bầu Vương Thức làm lý trưởng. Ông nhận lời đứng ra gánh vác công việc của dân làng. Dân hàng tổng cử ông làm tuần kiểm lo việc canh phòng, trị an. Ông hăng hái nhận chức vụ trên vì với chức vụ này ông có thể công khai thành lập các đội tuần đinh, trang bị vũ khí, rào làng dưới danh nghĩa chống trộm cướp. Ông đem toàn bộ số tiền, thóc dân hàng tổng nộp thuế để mua vũ khí, rào làng, chi tiêu vào việc quân. Vương Thức tổ chức lễ Tế cờ ra mắt nghĩa quân rất trang trọng. Nguyễn Xuân Ôn tới dự cử, ông Vương Thức làm Đội trưởng Xuân nghĩa đội. Đội quân hơn 300 người do Vương Thức chỉ huy được biên chế vào đội quân Đông Bắc do Đề đốc Phan Bá Niên chỉ huy và đổi tên làng Trung Lương thành Xuân Đào.

   Trận đọ súng đầu tiên giữa nghĩa quân do Vương Thức chỉ huy là trận tập kích đồn Cồn Đông. Đồn có hơn 100 lính nguỵ do một tên Pháp chỉ huy. Mặc dù không có kết quả chỉ tiêu diệt được 1 tên lính và làm bị thương vài tên, song trận đánh đã có tiếng vang lớn, đã thu hút nhiều người gia nhập nghĩa quân và ủng hộ tiền bạc, lương thực cho nghĩa quân. Rút kinh nghiệm trận đánh trên, Vương Thức đã kịp thời bổ sung cho trận phối hợp với cánh quân do Đề đốc Phan Bá Niên chỉ huy đội quân do Chiêu Hoạt con trai cụ Nghè chỉ huy đánh địch tại Thừa Sũng – Đồng Mờm ở vùng giáp ranh hai huyện Yên Thành và Diễn Châu. Trận này nghĩa quân tiêu diệt hàng trăm tên địch. Trong một trận khác, Vương Thức dùng kế dụ địch ra khỏi đồn Cồn Đông sa vào ở phục kích để diệt địch. Trận này do một nghĩa quân sơ xuất để lộ trận địa, nên nghĩa quân chỉ bắn chết được hai tên.

   Cuối năm 1886 , nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn đánh nhiều trận lớn gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Tháng 6/1887, trong trận đánh ở xóm Hồ, chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn dẫn đầu đoàn quân xông lên đánh giáp lá cà với quân Pháp. Quân Pháp phải rút, sau được viện binh phản công, ông Vương Thức luôn luôn đi sát bên chủ tướng cùng chủ tướng ở lại chặn giặc cho đại bộ phận nghĩa quân rút lui. Vương Thức chỉ huy 20 cận vệ chiến đấu quyết liệt để bảo vệ chủ tướng. Phần lớn anh em hy sinh, Vương Thức cũng bị bắt. Nguyễn Xuân Ôn rút kiếm tự tử nhưng bị quân Pháp ngăn lại. Quân Pháp giải cụ Nghè Ôn về giam ở nhà lao Huế. Vương Thức bị quân Pháp bắt giam ở nhà lao Diễn Châu và Vinh, đến năm 1889 mới được tha thì sức lực kiệt quệ không đi nổi.

   Vương Thức mất ngày 1 tháng 7 năm Canh Dần (1890) thọ 60 tuổi. Ông còn được lịch sử Đảng Cộng sản tỉnh Nghệ An biểu dương một cách trân trọng, được ghi trong Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam. Ngôi nhà thờ ông được ngành Văn hoá – Thông tin đưa vào danh mục xếp hạng di tích lịch sử.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.