30 Giây Ma Thuật Trong Diễn Thuyết

3 sườn bài ma thuật ứng khẩu



Nếu bạn là một vị tướng chỉ huy quân đoàn của mình ra trận, bạn cần có một chiến lược tốt. Nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra trong một cuộc chiến thực sự và bạn sẽ phải ra rất nhiều quyết định chớp nhoáng. Nếu một vài quyết định trong trận đánh của bạn không được tốt, bạn vẫn có thể giành chiến thắng, nhưng nếu bạn không có bất kỳ một chiến lược cụ thể nào trước khi trận chiến bắt đầu, việc chiến thắng sẽ gần như là bất khả thi, kể cả khi bạn nắm trong tay một đội quân hùng hậu. Ứng khẩu cũng tương tự như vậy. Nếu bạn muốn câu trả lời của mình đạt đẳng cấp thế giới, bạn cần vạch ra chiến lược cho bài phát biểu của mình.

Nhờ vào việc phân tích hàng ngàn diễn giả ứng khẩu, tôi đã khám phá ra rằng, tất cả những bài phát biểu ứng khẩu hay nhất trong mọi loại tình huống đều được bắt đầu bằng ba cách tiếp cận. Ba chiến lược hiệu quả này được nhắc đến trong hệ thống của Ma thuật của phép ứng khẩu và sẽ phát huy tác dụng 100% trong mọi lúc. Những chiến lược này hoàn toàn khác nhau và chúng được sử dụng trong những trường hợp khác nhau, tuy nhiên chúng đều rất cần thiết để bạn biết cách trở thành một diễn giả ứng khẩu.

Kể một câu chuyện

Bạn vẫn nhớ câu chuyện Cổ bé quàng khăn đỏ bạn được nghe kể hồi còn nhỏ chứ? Bạn có nhớ bất kỳ bài thuyết trình nào bạn được nghe vài năm trước không?

Lý do hầu hết chúng ta đều nhớ câu chuyện Cổ bé quàng khăn đỏ nhưng không nhớ nổi những bài thuyết trình khô khan nằm ở bí mật của cách bộ nhớ của chúng ta vận hành.

Người ta ghi nhớ ý nghĩa của những bài học chỉ khi chúng được nhắc đến trong các câu chuyện đã xảy ra với họ hoặc những câu chuyện họ từng được nghe.

Khi ta được nghe kể một câu chuyện, ta có thể mường tượng ra một bãi biển nơi xảy ra câu chuyện đó, nghe thấy các nhân vật nói chuyện và cảm nhận cảm xúc của các nhân vật. Các câu chuyện dễ nhớ đối với bộ não con người bởi chúng khơi dậy cảm xúc và kích hoạt thị giác, thính giác và tâm tư tình cảm.

Nếu bạn kể một chuyện có thật hoặc đưa ra một luận điểm có liên kết với một câu chuyện, người ta có thể sẽ ghi nhớ nó mãi mãi. Cho dù các luận điểm của bạn thông minh và thú vị đến mấy, nhưng nếu chúng không được gắn liền với một câu chuyện hay một ví dụ có tính trực quan, người ta có thể sẽ quên chúng ngay khi bạn vừa dứt lời.

Cho dù là một câu chuyện không có gì đặc biệt, nhưng được kể lại hay hoặc dài dòng đều có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới việc khán giả ghi nhớ luận điểm của bạn. Bộ não của chúng ta chỉ ghi nhớ những thông tin liên quan tới các câu chuyện, những ví dụ có tính trực quan hay những trải nghiệm cá nhân.

Ba năm trước, một người phụ nữ đã kể cho tôi nghe một câu chuyện qua điện thoại tại một hội thảo trực tuyến. Câu chuyện kể về khoảng thời gian cô làm y tá tại một bệnh viện, trong lúc thành phố của cô bị oanh tạc trong chiến tranh.

Giọng kể của cô còn trên cả tuyệt vời. Không hề có bất kỳ điểm mâu thuẫn hay một kết luận rõ ràng, nhưng dù nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn có thể kể lại tường tận câu chuyện này.

Một diễn giả thiếu kinh nghiệm bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách kể một câu chuyện sẽ tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với một diễn giả có kinh nghiệm mà không sử dụng cách này. Đây chính là quyền năng của những câu chuyện. Nếu bạn ghi nhớ chỉ một điều duy nhất trong cuốn sách này, điều tôi muốn bạn nhớ sẽ là: “Hãy kể một câu chuyện và liên kết nó với luận điểm.”

Trong ứng khẩu cũng như khi phát biểu có chuẩn bị trước, chiến lược hiệu quả nhất là kể một câu chuyện và đưa ra một luận điểm, cấu trúc tốt nhất bạn có thể sử dụng khi ứng khẩu trên sân khấu là mở bài, kể chuyện và kết luận.

Các câu chuyện giúp chúng ta loại bỏ những yếu tố bất ngờ. Câu chuyện bạn kể là việc từng xảy ra trong đời bạn, có thể bạn đã từng kể nó trước đây, và trong lúc bạn đang kể nó trên sân khấu, bạn sẽ biết chắc câu nào là câu bạn cần nói tiếp theo. Khi bộ não của bạn được giải phóng khỏi việc cố gắng nghĩ ra câu tiếp theo, bạn có thể tập trung vào việc suy nghĩ về phần kết luận của bài phát biểu.

Chuyển tiếp sang một câu chuyện xảy ra trong đời bạn

Đôi khi bạn có thể trả lời trực tiếp một câu hỏi bằng cách kể một trong những câu chuyện xảy ra trong đời bạn. Ví dụ: “Hãy kể cho tôi nghe về ngày đầu tiên bạn tới trường.” Bạn có thể dễ dàng trả lời bằng cách kể một câu chuyện về ngày đầu tiên của bạn ở trường.

Tuy nhiên, bạn sẽ thường xuyên cần đến sự chuyển tiếp để có thể chuyển từ câu hỏi bạn được hỏi sang một trong những câu chuyện bạn nhớ một cách trơn tru.

Khi tôi và vợ sống ở Santa Clara, California, tôi đã là thành viên của 7 câu lạc bộ Toastmasters, và tôi cũng từng đến thăm rất nhiều câu lạc bộ khác với tư cách là khách mời. Toastmasters là một tổ chức, luôn tạo cơ hội cho các diễn giả được rèn luyện với các bài phát biểu có chuẩn bị và các bài ứng khẩu trước khán giả thực.

Trong một buổi họp câu lạc bộ, tôi đã nói với vợ của tôi rằng: “Olena, hãy cùng đánh cược là cho dù được hỏi câu gì đi chăng nữa, anh vẫn luôn có thể trả lời bằng cùng một câu chuyện.” Tuần đó tôi đã trả lời 7 câu hỏi khác nhau bằng cùng một câu chuyện nhưng với những cách chuyển tiếp khác nhau.

Nếu bạn nhớ một số câu chuyện nhất định, bạn có thể chuyển tiếp từ bất kỳ câu hỏi nào sang chúng bằng những cụm như: “Việc này nhắc tôi nhớ đến” hay “Điều quan trọng hôm nay.” Các chính trị gia thường sử dụng thủ thuật chuyển tiếp. Họ được hỏi nhiều câu khác nhau nhưng với sự trợ giúp của một đoạn chuyển tiếp, họ dễ dàng chuyển sang chủ đề họ muốn nói.

Kiến tạo một câu chuyện hư cấu khi đang nói

Hãy tạo ra một câu chuyện tưởng tượng để hỗ trợ luận điểm của bạn. Không hề có bất cứ giới hạn nào cản trở sự sáng tạo của bạn cả. Bạn có thể nói: “Thử tưởng tượng” hoặc “Giả sử…” và thả mình theo sự tưởng tượng. Cách tiếp cận này được sử dụng trong một số bài ứng khẩu hay nhất tôi từng được nghe. Hãy thử xem. Nó rất hiệu quả và thú vị. Nhiều khán giả rất thích cách tiếp cận này.

Chẳng hạn, bài phát biểu của bạn có thể bắt đầu bằng: “Tôi chưa từng đi câu, nhưng tôi hình dung rằng…” Hãy cho khán giả của bạn biết rằng, trí tưởng tượng của bạn đã bay xa và kể một câu chuyện ly kỳ. Bạn không nhất thiết phải kể câu chuyện có thật.

Khi bạn trả lời câu hỏi tại một buổi họp doanh nghiệp, có lẽ bạn sẽ cảm thấy việc kể chuyện không được phù hợp. Đôi khi bạn phải quyết định chọn cách tiếp cận khác dễ dàng hơn cách kể chuyện. Đối với những trường hợp như vậy, có hai sườn bài khác trong hệ thống Ma thuật của phép ứng khẩu mà bạn có thể sẽ thấy hữu ích.

PEEP

PEEP (Point, Explanation, Example and Point) là một cách tiếp cận rất đơn giản mà hiệu quả. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nghĩ ra câu chuyện cho câu trả lời, bạn có thể vận dụng phương pháp này. Hãy sử dụng cách này khi bạn cần đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm của mình.

Point (Luận điểm): Đưa ra một luận điểm ở phần mở đầu của bài phát biểu.

Explanation (Giải thích): Đưa ra những lý do khiến bạn đi đến luận điểm ấy ở phần giữa của bài phát biểu.

Example (Dẫn chứng): Sử dụng ví dụ minh họa để bảo vệ những ý kiến bạn đưa ra trước đó. Sử dụng những cụm từ như “ví dụ như” hoặc “thử tưởng tượng”. Khán giả sẽ thấy câu trả lời của bạn chân thực và dễ nhớ khi bạn nói về những trải nghiệm cá nhân.

Point (Luận điểm): Nhắc lại luận điểm của bạn một lần nữa. Kết nối phần kết luận với phần mở đầu.

Như bạn thấy, chữ “P” đầu và chữ “P” cuối đóng vai trò mở bài và kết luận. Phần giải thích và dẫn chứng cấu tạo nên phần thân của bài phát biểu. Dẫn chứng giúp cho ý kiến của bạn chân thực và dễ hiểu với người nghe bởi vì, cũng giống như một câu chuyện, nó kích hoạt các giác quan của khán giả trong sự tưởng tượng của họ. Cách tiếp cận này được rất nhiều diễn giả ứng khẩu sử dụng vì nó dễ áp dụng.

Vị trí, Hành động, Lợi ích

Vị trí, hành động, lợi ích là một cách tiếp cận rất hữu ích khi bạn báo cáo kết quả điều tra của bạn lên ban giám đốc hoặc giới thiệu sản phẩm cho một vị giám đốc điều hành chỉ có đúng 5 phút để nghe bạn nói. Tôi gọi cách tiếp cận này là cách tiếp cận doanh nghiệp bởi nó phù hợp nhất với môi trường doanh nghiệp, nơi việc kể chuyện không phải lúc nào cũng phù hợp và quyết định thì cần được đưa ra nhanh chóng. Có thể câu trả lời của bạn không được ghi nhớ sau nhiều năm, nhưng nó sẽ cho phép khán giả của bạn ra những quyết định sáng suốt nhanh chóng.

Ví dụ, khi bạn được hỏi rằng: “Chúng ta có nên mua lại công ty này không?”, “Sản phẩm của anh sẽ giúp chúng tôi những gì?” hay “Chúng ta nên hủy dự án này hay tiếp tục thực hiện nó?”

Vị trí: Khẳng định vị trí của bạn đối với câu hỏi.

Hành động: Nêu ra hành động cần được thực hiện để triển khai những gì bạn đề xuất.

Lợi ích: Mô tả về lợi ích đến từ vị trí của bạn.

Nếu bạn trả lời một câu hỏi bằng cách áp dụng cách tiếp cận vị trí, hành động, lợi ích, khán giả của bạn sẽ có tất cả thông tin cần thiết để ra quyết định.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.